Hành trình khẳng định vị thế thị trường Việt Nam của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán
Chuỗi xúc tiến đầu tư tài chính năm 2024: Hành trình khẳng định vị thế thị trường Việt Nam của Bộ Tài chính và UBCKNN. |
Năm 2024 là một năm bận rộn của cả Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc giới thiệu thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam với các nhà đầu tư toàn cầu.
Năm qua, ngành tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng đã tích cực tổ chức các chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư nhằm thu hút nhà đầu tư tiềm năng cho thị trường Việt Nam.
Xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và Hàn Quốc (tháng 3/2024) |
Đưa Việt Nam tới những thị trường tài chính lớn nhất khu vực
Điểm đến của các hội nghị xúc tiến đầu tư này đều là những quốc gia phát triển, cũng là những thị trường tài chính phát triển nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cụ thể, tháng 3/2024, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc và Nhật Bản, cùng hàng loạt hoạt động bên lề, tiếp cận trên dưới 500 doanh nghiệp, quỹ đầu tư, định chế tài chính lớn.
Đến tháng 8 cùng năm, chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục được thực hiện tại 2 thị trường phát triển khác là Singapore và Australia, giới thiệu tiềm năng đầu tư tại Việt Nam tới hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư của 2 thị trường này.
Chủ đề chung của các hội nghị, sự kiện xúc tiến đầu tư kể trên là giới thiệu tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế cũng như thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam với các tổ chức, nhà đầu tư thế giới nhằm thu hút thêm vốn đầu tư quốc tế vào thị trường trong nước.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, trong những năm qua, bất chấp những thử thách, khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn nổi lên là một quốc gia với triển vọng tăng trưởng kinh tế vững chắc, ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Riêng năm 2023, tăng trưởng GDP cả nước vẫn đạt 5,05% và năm 2024 đạt tốc độ tăng trưởng vượt trội 7,09%, khẳng định vị thế nền kinh tế Việt Nam, đồng thời vẫn đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế ngày càng bền vững hơn.
Đi cùng đà tăng trưởng của nền kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn này cũng ghi nhận bước tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, chỉ số VN-Index kết thúc năm 2023 với mức tăng 12,2% và tiếp tục tăng 12,1% trong năm 2024, đánh dấu 2 năm liên tiếp tăng trưởng 2 chữ số. Đà tăng này giúp thị trường chứng khoán Việt Nam lọt top những thị trường tăng trưởng mạnh nhất khu vực cũng như toàn cầu.
Lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, bao gồm hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, phát triển toàn diện nguồn nhân lực và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ.
Để thực hiện những mục tiêu này, Việt Nam cần huy động cả nội lực và ngoại lực, từ đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài đến phát triển các thị trường vốn, thị trường chứng khoán, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh chuyển đổi số.
Do đó, lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kỳ vọng thông qua chuỗi sự kiện xúc kiến đầu tư tại các thị trường tài chính phát triển nhất châu Á, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư tổ chức lớn tìm hiểu, xem xét, đầu tư vào Việt Nam thông qua cả hình thức trực tiếp và gián tiếp qua thị trường chứng khoán.
Hành trình khẳng định vị thế thị trường Việt Nam của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán |
Tiềm năng tăng trưởng lớn năm 2025
Theo số liệu của Bộ Tài chính, thị trường chứng khoán Việt Nam sau hơn 2 thập niên đã có bước phát triển vượt bậc. Từ 3 cổ phiếu niêm yết năm 2001, đến nay, thị trường đã có hơn 1.600 doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên 2 Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Đến cuối năm 2024, vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam đã đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm 2023, tương đương 70,4% GDP ước tính năm 2023; giá trị giao dịch bình quân đạt 21.100 tỷ đồng/phiên, tăng 19,9%..
Đến cuối tháng 12/2024, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư tại thị trường trong nước đã vượt 9,2 triệu tài khoản, cao nhất từ trước đến nay. Lũy kế năm 2024, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã mở mới hơn 2 triệu tài khoản.
Những kết quả trên cho thấy tiềm năng tăng trưởng tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt trong bối cảnh cơ quan quản lý đang tích cực làm việc với các tổ chức quốc tế để sớm hoàn thành các điều kiện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.
Tại sự kiện mới đây của ngành chứng khoán, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, khơi thông các nguồn lực, tận dụng tối đa tiềm năng của đất nước để phục vụ cho phát triển kinh tế với yêu cầu kinh tế có những bước phát triển đột phá, phát triển bền vững.
Với yêu cầu đặt ra như vậy, nhiệm vụ của ngành chứng khoán là nỗ lực không ngừng từ tất cả thành viên thị trường, từ việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút các nhà đầu tư quốc tế, thu hút nguồn vốn trung và dài hạn cho ngân sách Nhà nước, cho doanh nghiệp, nền kinh tế.
“Chúng ta cần tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và hấp dẫn, để thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh. |
Lãnh đạo ngành Tài chính cũng đặt ra một loạt nhiệm vụ cụ thể cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các thành viên thị trường để đạt mục tiêu trên.
Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện khung pháp lý, bao gồm các nghị định và văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung; triển khai Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, trong đó năm 2025 thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ “cận biên” lên “mới nổi”.
Bên cạnh việc bảo đảm hệ thống giao dịch, lưu ký, thanh toán bù trừ trên thị trường chứng khoán vận hành an toàn, thông suốt, Bộ trưởng Tài chính yêu cầu sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để đảm bảo đồng bộ về giao dịch và thanh toán sau giao dịch tại các Sở Giao dịch và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch, các định chế tài chính trung gian và các nhà đầu tư.
Ngoài ra, Bộ trưởng Thắng cũng yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các thành viên thị trường sắp xếp, mở rộng thị trường, phân loại công ty niêm yết; đa dạng hóa, phát triển các sản phẩm mới, chỉ số khác, thị trường mới, dịch vụ mới trên thị trường; nghiên cứu xây dựng thị trường giao dịch tín chỉ carbon thứ cấp và thị trường co doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…
Ngoài ra, cơ quan quản lý sẽ tăng cường giám sát, thanh kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trên thị trường cổ phiếu, phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp… để đảm bảo thị trường phát triển minh bạch.
"Tôi tin tưởng rằng với sự nỗ lực của Chính phủ nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và những giải pháp nêu trên, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có một năm 2025 phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng, khẳng định là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp, nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô quan trọng của Chính phủ", Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.
Chứng khoán HVS Việt Nam bị đình chỉ hoạt động Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động của CTCP Chứng khoán HVS ... |
Luật Chứng khoán sửa đổi: Hướng tới minh bạch và phát triển bền vững Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật ... |
Việt Nam - Trung Quốc thúc đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực chứng khoán Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Trung Quốc, ngày 25/11/2024, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương đã ... |