Thu ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 2 triệu tỷ đồng năm 2024
Cân đối ngân sách trung ương, ngân sách địa phương các cấp được đảm bảo. Nợ công được quản lý chặt chẽ, thấp hơn ngưỡng cho phép. Đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu dư nợ công khoảng 36% - 37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33% - 34% GDP...
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục gặp nhiều bất ổn, khó khăn, thách thức lớn ngoài dự báo. Ở trong nước, nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo. Tuy nhiên, tổng cầu tiêu dùng phục hồi chậm; sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực vẫn còn nhiều khó khăn; biến đổi khí hậu diễn biến bất thường, mưa bão, sạt lở đất nghiêm trọng diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý IV/2024. Ảnh Đức Minh. |
Trong bối cảnh đó, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và sự đồng hành của doanh nghiệp, người dân, ngành Tài chính đã hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN), được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ghi nhận và đánh giá cao.
Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2024 với tổng quy mô khi ban hành các chính sách dự kiến là khoảng 191 nghìn tỷ đồng. Kết quả thực hiện ước đạt khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, miễn, giảm khoảng 99 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 98,3 nghìn tỷ đồng.
Tính cả các đề án đã trình từ những năm trước chuyển sang, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 23 nghị định và 20 dự thảo nghị định đang xem xét, ban hành; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định và 2 dự thảo quyết định đang xem xét ban hành. Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành 86 thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính - NSNN.
2025 là năm ngành Tài chính phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tài chính - NSNN; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; điều hành chính sách tài khóa chủ động, mở rộng hợp lý, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; quyết liệt trong công tác thu, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi thường xuyên NSNN để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ thực hiện có hiệu quả công tác sắp xếp, tinh giản bộ máy theo kết luận của Trung ương, sớm đưa bộ máy mới đi vào hoạt động, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả…