Hơn 3.000 người dân TP. Hồ Chí Minh được khám sàng lọc H.Pylori dạ dày và các bệnh không lây nhiễm
Đây là chặng cuối cùng và có quy mô lớn nhất trong năm 2024, thu hút hơn 3.000 người dân tham gia sàng lọc vi khuẩn H.Pylori dạ dày và các bệnh không lây nhiễm.
Trước đó, chương trình đã được triển khai từ ngày 23/11-8/12/2024 tại 5 tỉnh, thành phố gồm Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng và thủ đô Hà Nội, thu hút gần 9.000 người dân tham gia. Các đối tượng được khám, sàng lọc vi khuẩn H.Pylori và các bệnh không lây nhiễm, khám chuyên khoa, cấp phát thuốc miễn phí và nhận quà tặng sức khỏe ý nghĩa.
Chương trình đặc biệt chú trọng đến đối tượng người trưởng thành từ 18-72 tuổi, ưu tiên người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, và những người có tiền sử gia đình mắc bệnh không lây nhiễm hoặc có dấu hiệu bệnh dạ dày, tiêu hóa.
Chương trình là chuỗi hoạt động nối tiếp thành công của các chương trình khám tầm soát vi khuẩn H.Pylori dạ dày do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Manulife Việt Nam tổ chức.
Hơn 3,000 người dân được tham gia được khám nội tổng quát, khám tim mạch, tiểu đường, hô hấp, tai mũi họng, khám chuyên khoa, siêu âm, đo điện tim, chụp X- quang phổi thẳng, đo loãng xương, xét nghiệm đường máu, mỡ máu, tầm soát ung thư vú, tầm soát ung thư phổi, xét nghiệm H.Pylori qua máu và tầm soát ung thư dạ dày, kê đơn phát thuốc miễn phí theo đơn.
Hơn 3.000 người dân TP. Hồ Chí Minh được khám sàng lọc H.Pylori dạ dày và các bệnh không lây nhiễm.
Ngoài ra, người dân đã nhận được những lời khuyên thiết thực về cách chăm sóc sức khỏe, chế độ ăn uống, và lối sống lành mạnh để ngăn ngừa các bệnh lý nghiêm trọng, phổ biến về việc cấm tuyệt đối thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Đối với đối tượng có nghi ngờ ung thư phổi, ung thư vú và ung thư dạ dày, người bệnh được cấp phiếu của Ban tổ chức để tiếp tục kiểm tra bằng chụp cắt lớp vi tính, chụp X-quang mamo hoặc nội soi dạ dày phát hiện ung thư tại bệnh viện Lê Văn Thịnh, bệnh viện Thủ Đức, bệnh viện phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp, bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh.
Việc tổ chức các chương trình tầm soát và chăm sóc sức khỏe cộng đồng không chỉ giúp phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm mà còn tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng. Đây là một hoạt động ý nghĩa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết trong cộng đồng cũng như cung cấp thông tin quan trọng về cơ cấu bệnh tật tại Việt Nam. Chương trình cũng là nơi để các y bác sĩ của Hội tiếp cận với những công nghệ tiên tiến nhất trong khám, tầm soát, kiểm soát các bệnh lý nguy hiểm, tăng cường thực hiện chuyển đổi số Y tế.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức cũng trao tặng 20 phần quà cho thanh niên công nhân và lao động tự do trên địa bàn thành phố, đây cũng là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện sự quan tâm đến khối đối tượng lao động sản xuất còn nhiều khó khăn này.
Nhân dịp này, Trung ương Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam đã trao tặng 7 bằng khen tập thể và 14 bằng khen cho những cá nhân xuất sắc của tham gia triển khai chuỗi hoạt động , đóng góp to lớn, tích cực vào hoạt động an sinh xã hội. Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cũng trao tặng bệnh viện Lê Văn Thịnh – TP Thủ Đức một hệ thống vi tính xử lý dữ liệu lớn, 100,000 lượt đọc AI phổi miễn phí chẩn đoán bệnh ung thư phổi và lao phổi cùng 200 lượt chụp cắt lớp vi tính đối với bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi sau sàng lọc chụp X-quang.
ThS DS Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết “Qua chương trình khám tại 6 tỉnh thành phố: Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng và Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, với hơn 12,000 người dân là đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi, người có yếu tố nguy cơ cao, lao động tự do và thanh niên, sinh viên được sàng lọc vi khuẩn H.Pylori và các bệnh không lẫy nhiễm. Đã phát hiện hàng ngàn người đã được phát hiện sớm dấu hiệu bệnh và được chuyển xác định, điều trị sớm tại các cơ sở Y tế.
Tỉ lệ nhiễm H.Pylori tại cộng đồng sau 6 đợt khám là khoảng 25-30%, chỉ bằng ½ so với con số nghiên cứu sàng lọc tại các bệnh viện tuy nhiên các ca nghi ngờ và chẩn đoán ung thư dạ dày thì đều dương tính với H.Pylori điều này cho thấy H.Pylori dạ dày và các bệnh mạn tính là những vấn đề sức khỏe đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn đe dọa tương lai của mỗi gia đình và xã hội.
Thông qua hoạt động này, chúng tôi mong muốn gửi đến người dân thông điệp rằng: sức khỏe không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà còn là trách nhiệm chung của cả cộng đồng và cần sự chung tay của toàn xã hội, cho một thời kỳ mới vươn mình mạnh mẽ của dân tộc”.