'IELTS hóa' trong giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam
Theo ông Stuart Turner, Quản lý cấp cao chương trình Tiếng Anh học thuật (Trung tâm ngoại ngữ RMIT tại Đà Nẵng), Khoa Tiếng Anh và Chuyển tiếp đại học, Đại học RMIT Việt Nam, IELTS là bài kiểm tra trình độ tiếng Anh, khác hẳn một khóa học hoặc phương pháp học tiếng Anh.
Điểm số IELTS là cánh cửa tiềm năng để làm việc và học tập ở nước ngoài, dẫn lối đến các chương trình học thuật và là một trong những cách đo lường trình độ tiếng Anh được công nhận rộng rãi nhất trên toàn thế giới. IELTS đã phát triển qua nhiều năm, với cả một “ngành công nghiệp”chuyên cung cấp cho thí sinh những cách tốt nhất, nhanh nhất và rẻ nhất để đạt được điểm số mong muốn.
Ông Stuart Turner, Quản lý cấp cao chương trình Tiếng Anh học thuật (Trung tâm ngoại ngữ RMIT tại Đà Nẵng) Khoa Tiếng Anh và Chuyển tiếp đại học, Đại học RMIT Việt Nam.
Như Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều chuyên gia giáo dục cũng như phụ huynh quan tâm đến vấn đề này đã chỉ ra, học để thi không giống như việc học một ngôn ngữ. Nếu chỉ tập trung vào việc đạt được điểm số cao nhất trong thời gian ngắn nhất thì phương pháp sư phạm cơ bản sẽ không được bảo đảm và thí sinh không thể học tiếng Anh theo cách ý nghĩa và thú vị.
Đáng lo ngại hơn là việc học viên nhỏ tuổi được khuyến khích học và làm bài thi vốn thiết kế dành cho những học viên trưởng thành. Điều này có thể khiến các em chán nản với tài liệu học, không hiểu chủ đề và cảm giác bị ngợp bởi các tài liệu IELTS (các bài thi không được chấm theo cấp độ vì tất cả mọi người đều thực hiện cùng một bài thi).
Học ngôn ngữ phải là một quá trình từ tốn, cân nhắc đến nhu cầu của người học và được điều chỉnh phù hợp. Tài liệu học nên hấp dẫn và không quá khó hiểu. Điều này không thể xảy ra khi người học phải gấp rút đạt được điểm số trong khoảng thời gian định trước. Thay vì dùng IELTS như một công cụ để kiểm tra thực lực, có thể họ chỉ học tiếng Anh vừa đủ để vượt qua được bài thi.
Làm thế nào để thích nghi?
Chúng ta cần tạm thời chấp nhận nhu cầu về điểm IELTS hiện nay. Bài thi IELTS là một công cụ hữu ích để đo lường trình độ và sẽ tiếp tục được các trường đại học và cơ quan di trú chấp nhận. Cách tiếp cận đúng đắn trong tương lai là sắp xếp lại thứ tự ưu tiên trong lớp học và đặt việc học ngôn ngữ lên trên điểm thi.
Điều này có thể không dễ dàng trong một thị trường với những trung tâm kém uy tín tập trung quảng bá và sẵn sàng hứa hẹn cam kết để học viên đạt điểm số cao. Tại Khoa Tiếng Anh và Chuyển tiếp đại học, chúng tôi tìm điểm giao thoa giữa phương pháp giảng dạy và nhu cầu của người học thông qua việc phát triển ngôn ngữ trước khi làm bài kiểm tra, cũng như phát triển người học với tư cách là những cá thể độc lập thông qua các kế hoạch học tập phù hợp.
Chúng tôi còn thúc đẩy tư duy phản biện để khắc phục những lỗ hổng kiến thức tổng quát và trao quyền cho các thầy cô để họ tập trung vào những khía cạnh phù hợp nhất với nhu cầu của học viên. Đó là một con đường chậm nhưng nhờ kết quả tích cực, chúng tôi có thể điều chỉnh lại hướng tiếp cận.
Tiến sĩ Lê Xuân Quỳnh, Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ, Khoa Truyền thông vàThiết kế, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, việc sử dụng IELTS phù hợp còn tùy thuộc vào ý định của người học. Nếu mục tiêu chính là công nhận năng lực tiếng Anh của thí sinh dự thi đại học thì IELTS là một trong những thước đo góp phần đánh giá tư duy và năng lực tổng thể của thí sinh.
Đối với học sinh cấp THPT nên đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia kỳ thi của bản thân và cần được hỗtrợcũng nhưkhuyến khích cải thiện năng lực tiếng Anh một cách bài bản và hiệu quả.
Ở cấp THCS, học sinh lớp tám hoặc chín có thể bắt đầu làm quen với bài thi. Nếu đạt kết quả tốt, các em nên được tuyển vào các lớp chuyên Anh hay dùng làm điểm xét tuyển chuyển lên cấp THPT.
Tuy nhiên, ở cấp học tiểu học, không nên khuyến khích các em ở độ tuổi này học IELTS bởi năng lực tư duy của các em chưa đủ để hiểu và thích ứng với nội dung học thuật cần thiết cho kỳ thi này.
Thay vào đó, học sinh cần tập trung bồi dưỡng khả năng lập luận, tổ chức thông tin, trình bày logic và hợp lý bằng tiếng Việt và nếu có điều kiện thì giao tiếp với người nước ngoài bằng tiếng Anh. Phát triển năng lực ngôn ngữ thông qua đọc và viết bằng tiếng Việt sẽ cho các em nền tảng vững chắc để tiếp tục học tập và từ đó phát triển kỹ năng ngôn ngữ tiếng Anh khi học lên các cấp cao hơn.