Không cấp phép trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội có tên miền gây hiểu lầm là báo chí
Hội nghị là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin điện tử, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cùng thảo luận để đưa ra các giải pháp giải quyết căn cơ, làm lành mạnh môi trường trên không gian mạng.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, lĩnh vực thông tin điện tử bao gồm nội hàm rất rộng lớn, có sự đan xen giữa lẫn nhau giữa cái tốt và cái chưa tốt. Người dùng và người xem rất khó phân biệt đâu là báo, đâu là trang thông tin điện tử, đâu là nguồn tin chính thống và đâu là những nguồn tin khi xem thì phải cảnh giác.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội nghị.
Mặt khác, với sự tham gia của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới nhưng vẫn chưa chịu sự quản lý của pháp luật Việt Nam, càng khiến nội dung trên không gian mạng dễ gây tác động tiêu cực đến người dùng.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng Phòng Thông tin điện tử, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, tính đến ngày 30/11, cả nước có 1.980 trang thông tin điện tử còn hiệu lực, trong đó có 474 trang được cấp phép bởi Cục. So với cùng kỳ 2021, số lượng cấp phép giảm 31,3%. Về số lượng cấp phép mạng xã hội, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp 956 giấy phép, giảm 11% so cùng kỳ năm 2021.
Điều này một phần là do Bộ TT&TT chỉ đạo siết chặt việc cấp phép nhằm ngăn chặn tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Đồng thời, nâng cao tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu, độc, tin giả, sai sự thật trên mạng internet; ngăn chặn, xử lý game không phép, thúc đẩy kết nối, phát triển game Việt; xử lý tình trạng quảng cáo tràn lan vi phạm pháp luật trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội.
Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, trong đó bổ sung một loạt các quy định mới để chống tình trạng “báo hóa” như không cấp phép trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội có tên miền gây hiểu lầm là báo chí; yêu cầu định danh người dùng mạng xã hội; bổ sung trách nhiệm cho chủ mạng xã hội không cho thành viên lợi dụng mạng xã hội để hoạt động báo chí; đẩy mạnh công tác đấu tranh với các nền tảng cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam; siết chặt quản lý đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước có hợp tác với doanh nghiệp xuyên biên giới về quảng cáo...
Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, phát hành trò chơi điện tử trong nước nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và tính cạnh tranh trên thị trường; ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực game online giai đoạn 2022-2027; xử lý cơ bản tình trạng tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.