Nậm Xe: Hành trình đem con chữ tới những nẻo đường vùng cao
Nậm Xe là xã biên giới của huyện Phong Thổ có tổng diện tích tự nhiên 10.275,67 ha, xã có đường biên giới Quốc gia giáp với huyện Kim Bình, Vân Nam, Trung Quốc dài 2,437 km; xã có địa hình chia cắt chủ yếu là đồi núi cao và nhiều khe suối sâu. Toàn xã có 17 bản với 6.987 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Dao chiếm 42,8%, dân tộc Thái chiếm 24,8%, dân tộc Giáy chiếm 20,6%, dân tộc Mông chiếm 11%, dân tộc Kinh chiếm 0,7%, dân cư phân bổ rải rác không tập trung, bản cách trung tâm xã xa nhất là 15 km.
Con đường đến với cái chữ muôn vàn khó khăn của các em trường PTDTBT TH Nậm Xe
Nậm Xe là địa phương đặc biệt khó khăn tại huyện Phong Thổ, tỷ lệ đói nghèo cao, đời sống của phần lớn dân cư còn nghèo nàn lạc hậu, hệ thống cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, địa hình phức tạp, giao thông đi lại vô cùng khó khăn.
Đây cũng là trở ngại lớn khiến trẻ em nơi đây nhiều năm qua khó được tiếp cận với kiến thức ở trường. Đó cũng là trăn trở lớn với đội ngũ thầy cô giáo trường PTDTBT TH Nậm Xe.
Các em học sinh Trường tiểu PTDTBT TH Nậm Xe vẫn hàng ngày vượt bao khó khăn đi tìm con chữ
Chia sẻ với chúng tôi, đại diện trường PTDTBT TH Nậm Xe cho biết, Nậm Xe là một xã vùng cao biên giới, giao thông đi lại khó khăn, địa bàn rộng, phức tạp. 100% người dân sống trên địa bàn là đồng bào dân tộc thiểu số. Một số điểm trường lẻ còn thiếu nước sinh hoạt.
Những căn nhà xập xệ, sơ sài là nơi các em học sinh lớn lên với những ước mơ
Điều kiện kinh tế của đa số bà con nhân dân địa phương còn gặp nhiều khó khăn, một số phụ huynh để con ở nhà đi làm ăn xa, tình trạng ly hôn phổ biến, còn nhiều ngày lễ, kiêng kị theo phong tục địa phương (Tủ cải, cấm bản). Nên phần nào cũng ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Động lực học tập của học sinh còn thấp. Mặt khác, nhiều gia đình phụ huynh thiếu quan tâm đến việc học hành của con em.
Về cơ sở vật chất nhà trường tuy đã được cải thiện, nhưng để đảm bảo đủ phòng học 2 ca nhà trường đã phải khắc phục tình trạng trên bằng cách đi thuê nhà dân và mượn trường cùng đóng trên địa bàn xã.
Do thiếu phòng học nên nhà trường phải sử dụng nhà xe làm phòng học tạm
Số giáo viên văn hóa đảm bảo 1GV/lớp, tuy nhiên nhà trường còn thiếu giáo viên dạy tiếng Anh nên học sinh phải học bằng hình thức trực tuyến.
Trong công tác giảng dạy giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn. Đa số học sinh là người dân tộc thiểu số nên việc phát âm, hiểu nghĩa từ, dùng từ đặt câu, viết văn còn nhiều hạn chế, Một số kiến thức bài trừu tượng đối với học sinh. Nhiều phụ huynh đi làm ăn xa giao con cho ông bà chăm sóc, ít quan tâm tới học sinh, giao phó cho nhà trường và các thầy cô giáo.
Chia sẻ từ nhà trường, tuy Nậm Xe thuộc vùng khó khăn, nhưng hiện nay học sinh không được cấp phát SGK, vở viết nên gia đình phải tự túc hoàn toàn, giá sách giáo khoa cao so với mức thu nhập của người dân. Nhiều học sinh đồ dùng học tập, vở viết không có, một số phụ huynh có tư tưởng phó thác cho giáo viên.
Các điểm bản xa, không có máy chiếu và kết nối mạng mạng internet, nên giáo viên không ứng dụng được công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Đường lên các điểm bản
Đường lên các điểm bản đi lại gặp nhiều khó khăn nhất là vào những ngày mưa gió, giáo viên và học sinh đi lại rất vất vả.
Dù gặp muôn vàn khó khăn, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Đảng ủy, HĐND, UBND các đoàn thể xã hội đóng trên địa bàn xã, cùng sự quan tâm chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ, sự phối kết hợp chặt chẽ của Hội cha me học sinh, trường PTDTBT TH Nậm Xe luôn cố gắng vượt qua khó khăn, đem đến khiến thức cho các em học sinh nơi đây.
Ông Phan Tiến Dũng - Hiệu trưởng trường PTDTBT TH Nậm Xe cho biết, với đội ngũ giáo viên, nhân viên, linh hoạt trong công tác lãnh chỉ đạo nhà trường. Cùng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, trẻ khỏe, nhiệt tình trong công tác có trình độ đào tạo đạt chuẩn, có phẩm chất đạo đức lối sống lành mạnh, luôn yên tâm công tác. Có tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Nên dù gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và điều kiện đi lại, nhưng nhà trường luôn cố gắng nâng cao chất lượng giáo dục cho các em học sinh nơi đây.
Vườn rau xanh đã cải thiện đáng kể bữa ăn cho thầy cô và các em học sinh trường PTDTBT TH Nậm Xe
Theo ông Dũng, nhà trường mong muốn tất cả em nhỏ tại Nậm Xe được lớn lên trong tình yêu thương, tiếp nhận những con chữ, kiến thức giống như bao đứa trẻ khác. Việc cùng đồng hành với những học trò thân yêu mà bản thân ông và đội ngũ thầy cô giáo nhà trường đã dìu dắt suốt bao năm qua cho thấy nỗ lực rất lớn của tập thể nhà trường và các em học sinh.
Trong thời gian tới, trường PTDTBT TH Nậm Xe mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm hơn nữa, hỗ trợ kinh phí để xây dựng phòng học; mua sắm trang thiết bị dạy học (máy chiếu, loa, tranh ảnh, đồ dùng học tập, SGK, giấy vở viết),... Hỗ trợ các điểm bản còn khó khăn về nguồn nước sinh hoạt.