Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp mặt 68 thầy cô giáo tiêu biểu
Báo cáo tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Kim Quy cho biết, Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Từ năm 2015 đến nay, đã lựa chọn và tôn vinh hơn 400 giáo viên thuộc các đối tượng giáo viên “cắm bản”; giáo viên công tác tại các trường thuộc huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo; giáo viên mang quân hàm xanh; giáo viên dạy học sinh khuyết tật; giáo viên trực tiếp giảng dạy cho các học sinh là người dân tộc thiểu số; giáo viên là người dân tộc thiểu số; giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.
Năm nay, sau hơn 2 tháng phát động, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022 đã nhận được 123 hồ sơ gương thầy, cô giáo từ 56 tỉnh, thành phố và các tổ chức giới thiệu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi trò chuyện vui vẻ cùng các nhà giáo tiêu biểu.
Hội đồng xét chọn đã họp và lựa chọn được 68 gương giáo viên tiêu biểu xuất sắc để tuyên dương. Đây là những thầy cô có thành tích nổi bật, có học sinh tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế; có nhiều sáng kiến đổi mới việc dạy và học đã được áp dụng vào thực tế và đạt kết quả cao; đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc từng tham gia giảng dạy, có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thời gian công tác, được xã hội ghi nhận.
Trong đó có 10 GV là người dân tộc thiểu số. Đặc biệt có 2 GV đã đào tạo HS tham gia các cuộc thi quy mô quốc tế. Đó là cô giáo Nguyễn Thị Văn, Trường THPT chuyên Bình Long, TX. Bình Long, Bình Phước và thầy giáo Lê Việt Hoàng, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội). Thầy Hoàng đã dẫn dắt đội tuyển vật lý của Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên đạt 3 huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế (năm học 2021 - 2022), trong đó có 1 HS lớp 10 đạt huy chương vàng và cũng là HS lớp 10 đầu tiên của VN đạt được huy chương vàng của kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, nhiều thầy cô đã bày tỏ sự tâm huyết với nghề nghiệp và cũng nói thẳng, nói thật về những khó khăn của nhà giáo hiện nay. Theo các thầy cô thì bên cạnh những khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy do ở những vùng sâu, vùng xa thì hiện nay nhiều GV phải đối mặt về áp lực thành tích, phong trào không thiết thực, khiến GV, HS và lãnh đạo nhà trường đều không cảm thấy hạnh phúc.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những cống hiến, đóng góp quý báu của 68 gương được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022. Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt, coi công tác giáo dục và đào tạo là một trong những quốc sách hàng đầu, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và các đối tượng thuộc diện chính sách.
Theo Phó thủ tướng, sự học quyết định vận mệnh, tương lai của từng người và của đất nước. Dân tộc nào giáo dục được chú ý sẽ phát triển tốt. Vì vậy, bằng mọi cách phải phát triển giáo dục. Việt Nam đã chú ý phát triển giáo dục hơn nhiều nước và những năm gần đây có tiến bộ, đổi mới.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng cho rằng hiện giáo dục còn gặp nhiều khó khăn như: điều kiện vật chất để nuôi dạy HS vùng sâu vùng xa, lương GV còn thấp, nhất là GV mới ra trường ở vùng đô thị... Vì vậy, Phó thủ tướng mong muốn toàn xã hội, cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm hơn đến giáo dục, có chính sách thiết thực để thầy cô bớt phần vất vả. Đồng thời các thầy cô cần kiên trì vượt qua khó khăn để làm tốt hơn nữa sự nghiệp trồng người. “Các thầy cô nắm trong tay số phận, tương lai của HS. Có nhiều trường hợp thầy cô không nỗ lực mà buông tay thì các em sẽ đi chệch hướng”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
68 gương giáo viên tiêu biểu xuất sắc đã được Hội đồng xét chọn để tuyên dương.
Phó Thủ tướng đề nghị Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, đồng hành, chăm lo thầy và trò ở vùng sâu, vùng xa; phối hợp chặt chẽ với tổ chức Đoàn, Hội các cấp triển khai thêm nhiều hoạt động thiết thực, phát huy trí tuệ, sức mạnh của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Thủ tướng tin tưởng các đại biểu chương trình sẽ không ngừng phấn đấu, rèn luyện, trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm với nghề, ngày càng hoàn thiện về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “trồng người”.
Chiều cùng ngày, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Tọa đàm “Chia sẻ cùng thầy cô”. Đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cùng 68 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đại diện cho đội ngũ giáo viên cả nước cùng chia sẻ câu chuyện về những khó khăn, những bài học kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy, sự tiếp nối truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của các thế hệ thầy và trò, những yêu thương, ân tình của thầy và trò ở mọi miền Tổ quốc trong hành trình “trồng người”. Phát biểu tại Tọa đàm, anh Nguyễn Kim Quy – Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam mong rằng, thông qua những gửi gắm, tâm huyết của các thầy, cô giáo chia sẻ tại Tọa đàm sẽ góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa câu chuyện về sự yêu thương, chân thành, nỗ lực dìu dắt, cảm hóa những học trò của mình trên con đường chinh phục tri thức và hoàn thiện nhân cách. Đó sẽ là sự khơi gợi mạnh mẽ để các bạn thanh niên, sinh viên, học sinh tiếp tục phát huy truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, thể hiện những hành động thiết thực để tri ân thầy cô giáo, sẽ không ngừng phấn đấu, rèn luyện để không phụ công những người lái đò thầm lặng. Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia giáo dục đã góp tiếng nói gìn giữ truyền thống "tôn sư trọng đạo" trong thời đại mới khi mà mối quan hệ giữa thầy – trò, học sinh thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc. Theo GS. TS. NGND Vũ Minh Giang, “Tiên học lễ, hậu học văn” dạy làm người và dạy chữ chính là hai chức năng lớn. Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần cho sự phát triển mà tinh hoa của nền văn hoá quốc gia chính là giáo dục, đào tạo. Do đó chúng ta có thể đi học khắp thế giới nhưng cuối cùng cái quan trọng nhất vẫn là đứng trên đôi chân của mình. Nhà giáo Vũ Minh Giang mong muốn, thầy cô phải giúp học trò nhận thức chính mình, đánh giá đúng mình, tự tin biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh, thì Việt Nam mới có thể hùng cường. NGƯT, TS. Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ, nghề giáo là nghề cao quý tạo ra năng lực, nhân cách và cả tương lai cho học trò. Nếu có giáo viên giỏi sẽ cảm hoá được học sinh. Nghề giáo không có thắng và thua, chỉ có niềm tự hào và nỗi ân hận. Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, nhân cách không chỉ được hình thành bởi những gì nghe và nói mà chủ yếu phải được hình thành từ sự nỗ lực hành động của mỗi cá nhân. Thầy cô phải khách quan việc nhìn nhận đánh giá thiếu sót của học sinh, giúp học sinh thấy rõ những cái lợi cái hại để học sinh tự lựa chọn cách ứng xử sao cho hợp chuẩn mực chung xã hội. Còn theo PGS.TS Trần Thành Nam, dạy học đang là một nghề ngày càng được xã hội, cộng đồng đòi hỏi, kỳ vọng và yêu cầu cao. Trong bối cảnh hiện tại, đây cũng là một nghề có rủi ro nghề nghiệp cao, do luôn đòi hỏi phải có sự mô phạm nhưng vẫn phải đáp ứng những yêu cầu đổi mới. Khi sự đấu tranh giữa cái cũ kỹ giáo điều và lý giáo dục mới vẫn chưa kết thúc khiến cho giáo viên bị cạn kiệt về cảm xúc. Trong thời đại nhấn mạnh đến sự phát triển kinh tế, tôn vinh các công ty khởi nghiệp, khuyến khích tinh thần doanh nhân, đề cao các yếu tố công nghệ, giải trí thì nghề giáo và vị thế người giáo viên có thể không còn ở vị trí trung tâm, không còn được tôn trọng như trước đây. Dẫu vậy, nghề giáo vẫn là một trong những ngành nghề tốt nhất, đáng ngưỡng mộ nhất trên thế giới. Để xã hội “tôn sư trọng đạo” cộng đồng cần hiểu rõ sự ảnh hưởng quan trọng của người thầy đối với sự phát triển xã hội. Giáo viên tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc và làm thay đổi những cuộc đời. Nghề giáo phải có tấm lòng của những người mẹ và tâm hồn sáng tạo của những người nghệ sỹ, những kiến trúc sư của những ngôi trường hạnh phúc. Mặc dù giáo viên ngày càng phải đáp ứng nhiều yêu cầu và trách nhiệm trong giảng dạy nhưng nghề này cho phép mỗi thầy cô được thỏa sức sáng tạo trong mỗi bài học. Chỉ nghề giáo mới tạo cho chúng ta cơ hội để thử ngay những ý tưởng mới mẻ, điều chỉnh ngay trong quá trình học dựa trên quan sát thực tế để làm cho tiết học thật vui, thật thú vị thu hút người học. Sự phát triển của một quốc gia xuất phát từ nguồn nhân lực cao và trách nhiệm xây dựng con người phù hợp với thời đại mới là của những người thầy. Không còn điều gì quan trọng hơn thế. |