Thị trường điện tử gia dụng: Thêm nhiều điểm sáng
Từ góc nhìn chuyên môn
Tại triển lãm quốc tế điện tử và thiết bị thông minh Việt Nam (IEAE) năm 2024, ngoài việc thu hút đến 600 nhà sản xuất cùng hơn 800 gian hàng trưng bày, hàng chục ngàn sản phẩm điện tử thiết bị gia dụng và linh kiện điện tử, thì sự kiện còn có thêm 5 hội thảo chuyên ngành, và các cuộc gặp gỡ riêng với từng nhà cung cấp.
Ở năm thứ 4 tổ chức, triển lãm không chỉ gia tăng sản phẩm, về mẫu mã, về gian hàng… mà còn ghi nhận sự gia tăng đột biến về quy mô, gấp 3 lần so với trước. Dựa trên các báo cáo từ thị trường ngành điện và điện tử tiêu dùng năm 2023, bà Đỗ Thị Thúy Hương, ỦVBCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho biết: “Quy mô thị trường đồ gia dụng trong nước trị giá ước tính lên đến 12,5 – 13 tỉ USD, nhu cầu mua sắm các thiết bị điện gia dụng, thiết bị nhà bếp sẽ tiếp tục tăng cao cho đến năm 2025. Tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 10% mỗi năm và mỗi hộ gia đình Việt Nam đã chi tiêu trung bình khoảng 8,4 triệu đồng cho các thiết bị gia dụng.”
"Hiện nay, các thương hiệu hàng gia dụng trong nước đang chiếm 80% thị phần hàng gia dụng, 20% thuộc về các thương hiệu ngoại. Tuy nhiên, trong 80% thị phần các doanh nghiệp tại Việt Nam, thì chủ yếu vẫn là nguồn hàng có xuất xứ từ Trung Quốc thông qua “bắt tay” với doanh nghiệp nội, chẳng hạn như Sunhouse, Kangaroo...”, bà Hương cho biết.
Nhận định về xu hướng tiêu dùng thiết bị điện tử thông minh trong thời gian tới, bà Đỗ Thị Thúy Hương cho rằng: hiện nay các sản phẩm điện tử, thiết bị thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phổ biến, tạo nên xu hướng cho mọi tầng lớp người dùng. Tính tiện ích và giá thành hợp lý đang là hai yếu tố mang lợi thế cho các sản phẩm gia dụng thông minh.
Xu hướng tiêu dùng có nhiều thay đổi
Theo Euromonitor, mặc dù thu nhập bình quân mới gần đạt đến con số 3.000 USD/người/năm, nhưng nhu cầu mua mới hoặc đổi các sản phẩm điện máy gia dụng cơ bản tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng lên, dù 70% hộ gia đình ở Việt Nam vẫn đang sở hữu các sản phẩm gia dụng cơ bản. Con số này góp phần tạo nên một sân chơi sôi động hơn trong thời gian tới, đặc biệt là trong những năm gần đây, các thương hiệu lớn từ nước ngoài đã chọn Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng để đầu tư và phát triển.
Ngay từ năm 2022, khi dịch covid vẫn còn ảnh hưởng nặng nền thì thị trường điện tử gia dụng tại Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Sự phân bổ thương hiệu cũng trở nên rõ rệt hơn. Cụ thể, chiếm thị phần cao nhất lúc đó là GE và Toshiba (với 6% mỗi thương hiệu), theo sau là Bosch và Samsung (với 4% mỗi thương hiệu), tiếp đến là LG, Panasonic, Moulinex, Siemens và Whirlpool với thị phần khiêm tốn hơn. Rõ ràng sự phân bổ thị phần tại thị trường điện tử gia dụng tại Việt Nam cho thấy các thương hiệu lớn còn phải nỗ lực nhiều hơn để cải thiện vị thế của mình. Trong đó, giá cả là một nhân tố quan trọng, bởi người tiêu dùng ngày nay có xu hướng tìm kiếm thông tin về giá cả và sản phẩm trước khi quyết định mua hàng. Tiếp theo đó là các yếu tố về công nghệ, năng suất, chi phí vận hành… Đáng chú ý sau mỗi lần ‘nâng cấp’ thì người tiêu dùng thường có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm có chất lượng tốt hơn, đến từ các thương hiệu uy tín.
Một nghiên cứu khác từ Statista (Công ty nghiên cứu thị trường của Đức với nền tảng hơn 1.000.000 thống kê, 80.000 chủ đề, từ 22.500 nguồn và 170 ngành khác nhau) cũng cho biết, thị trường thiết bị gia dụng Việt Nam năm 2023 đạt 8,2 tỷ đô (tương đương gần 200.000 tỷ đồng). Đặc biệt từ nay đến năm 2028, thị trường thiết bị gia dụng Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng bình quân khoảng 5,15% mỗi năm. Trong đó, đáng chú ý là xu hướng chuyển đổi sang công nghệ mới và tiết kiệm năng lượng. Qua đó, thị trường này sẽ được chia thành 2 phân khúc: phân khúc chính là các sản phẩm tủ lạnh, tủ đông, máy rửa bát, máy giặt, bếp, lò vi sóng, điều hòa không khí,… và các thiết bị phụ trợ như máy hút bụi, máy sấy tóc, bàn là (bàn ủi), lò nướng,… Đáng chú ý, nhóm sản phẩm thiết bị phụ trợ với giá thành rẻ hơn và tuổi thọ thấp hơn đang được người dùng ưu tiên mua sắm đơn giản và nhanh chóng. Chính vì thế đây cũng là nhóm sản phẩm đóng góp lớn vào doanh thu của nhà bán hàng trong một vài năm tới.
Một báo cáo từ Tổng cục thống kê cũng cho thấy, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam đang tăng đều ở cả thành thị và nông thôn. Ví dụ năm 2022, thu nhập bình quân ở khu vực thành thị đạt gần 5,95 triệu đồng (tăng 10,4 điểm % so với năm 2021) cao gấp 1,54 lần thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn là 3,86 triệu đồng (tăng 10,8 điểm % so với năm 2021). Báo cáo này cũng cho biết, trung bình mỗi hộ gia đình tại Việt Nam chi tiêu khoảng 8,4 triệu đồng cho thiết bị gia dụng trong năm 2023 vừa qua. Với quy mô dân số gần 100 triệu dân cùng nhu cầu tiêu dùng như trên, Việt Nam được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng.
Cơ hội nào cho các nhà sản xuất?
5G, Internet vạn vật, cùng với trí tuệ nhân tạo AI sẽ góp phần đáng kể vào sự mở rộng của các ứng dụng nhà thông minh. Tại Việt Nam, các thiết bị điện tử gia dụng thông minh đang tập trung vào việc cải thiện khả năng nhận dạng thực phẩm, phân tích và đưa nó vào các ứng dụng nhà bếp như tủ lạnh, lò nướng… Cụ thể Samsung, LG, Bosch, GE… đều đã giới thiệu các sản phẩm tủ lạnh có thể xác định và giám sát thực phẩm bên trong tủ, đưa ra đề xuất món ăn phù hợp với sở thích và thói quen của người dùng. Đồng thời bằng việc tích hợp trí tuệ nhân tạo AI, người dùng có thể giám sát nhà bếp từ xa, sử dụng điện thoại di động hay ứng dụng nhà thông minh để điều khiển các thiết bị này ở bất cứ đâu trong nhà, từ phòng khách, phòng ngủ hay phòng đọc sách, phòng giặt đồ….
Chưa kể, thiết bị nhà bếp thông minh còn đưa ra các thông báo hữu ích như đề xuất tính năng tiết kiệm năng lượng, đề xuất thời gian và chu trình giặt sấy, nấu nướng, thông báo chỉ số tiêu thụ điện năng trong ngày, trong tuần, trong tháng để người dùng có thể kịp thời điều chỉnh thói quen sử dụng, giúp tiết kiệm năng lượng tối ưu.
Để mang đến trải nghiệm hoàn toàn mới cho người dùng, không ít nhà sản xuất đã tiến thêm một bước tiến mới, đó là tích hợp API nấu ăn vào trong nền tảng của họ. Từ đó, người dùng có thể dễ dàng kích hoạt thiết bị bằng giọng nói, từ cài đặt nhiệt độ của bếp, tự động điều chỉnh chế độ của máy hút khói khử mùi phù hợp với món ăn và nhiệt độ trong vùng bếp. Hay khi đang thảnh thơi giải trí ở phòng khách thì TV/ điện thoại di động thông báo máy giặt, máy rửa bát, robot hút bụi lau nhà đã hoàn thành chu trình, người dùng có thể ra lệnh để máy giặt chuyển sang chế độ sấy, hay máy rửa chén có thể tự động hé cửa để chén bát được khô ráo hơn…
Hiện nay, hầu hết các sản phẩm gia dụng thông minh của AEG, Bosch, Samsung, LG… đều đã được trang bị các tính năng này, mang đến trải nghiệm thật sự thú vị cho người dùng. Thậm chí, một số lò nướng thông minh còn có thể kết nối với Wifi và thực hiện nấu món ăn yêu thích từ internet.
Tại một số quốc gia trong khu vực, ví dụ như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…. nhu cầu tiêu dùng gia dụng thông minh cũng đang tăng mạnh. Tại Trung Quốc, thiết bị gia dụng đã mở rộng thành ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la. Tại Nhật Bản, thị trường thiết bị gia dụng thông minh đang ngày càng gia tăng do nhận thức cao. Hầu hết người dùng Nhật Bản đều có xu hướng sử dụng trợ lý giọng nói và AI cho các sản phẩm nhà thông minh của họ. Trong đó, robot hút bụi được xem là một thiết bị gia dụng thông minh đang dần trở nên phổ biến ở quốc gia này.
Tại Việt Nam, với quy mô của thị trường đồ gia dụng ước đạt 12,5 đến 13 tỉ USD, tương đương với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 8- 10% mỗi năm, dự báo, nhu cầu mua sắm các thiết bị điện tử gia dụng thông minh sẽ tiếp tục tăng cao đến năm 2025, đặc biệt là các thiết bị nhà bếp.
“Trong tổng số 11 nhóm ngành hàng chính thì ngành hàng điện tử gia dụng đang đứng thứ 4 về quy mô tiêu dùng, điều này cho thấy tiềm năng lớn của ngành này, đặc biệt là khi người tiêu dùng đang có sự thay đổi lớn trong tư duy về các thiết bị số, về các thương hiệu gia dụng cũng như mong muốn tìm kiếm sản phẩm chất lượng.” Bà Đỗ Thị Thúy Hương, ỦVBCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam kết luận.