Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Góp ý đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhằm thảo luận giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thế Kiên
Tham dự hội thảo có các đại diện của các uỷ ban của Quốc hội, các cơ quan bộ ngành, hiệp hội và đông đảo các doanh nghiệp, và chuyên gia kinh tế.
Theo các đại biểu, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) năm 2008 đã qua 04 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, 2015 và năm 2022 để phù hợp với thực té và yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn. Thực tiễn hiện nay cho thấy cần sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Đề nghị xây dựng Luật đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo lần này có nhiều nội dung sửa đổi quan trọng, tác động lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, nhiều nội dung đáng lưu ý và còn nhiều ý kiến trái chiều là việc bổ sung nước giải khát (NGK) có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm giảm thiểu rủi ro đối với bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là bệnh thừa cân béo phì. Góp ý hoàn thiện dự thảo, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về tính hiệu quả của công cụ thuế trong việc phòng tránh nguy cơ thừa cân béo phì (TCBP) và nâng cao sức khỏe người dân, trong khi đó lại có thể gây ra những tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp NGK và của cả nền kinh tế.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia trình bày tham luận tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ những lý do chính gây ra TCBP. Đó là chế độ dinh dưỡng không hợp lý (tiêu thụ nhiều thực phẩm có hàm lượng calo cao), thiếu vận động thể chất, do di truyền hoặc nội tiết. Ngoài ra căng thẳng, thiếu ngủ và tuổi tác cũng có thể gây ra chứng thừa cân béo phì.
Cũng theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, các báo cáo về dinh dưỡng cho thấy đồ uống có đường không phải là nguồn cung cấp năng lượng và calo lớn nhất cho cơ thể. Tại Việt Nam nước giải khát có đường chỉ chiếm khoảng 1,1% tổng số năng lượng đưa vào cơ thể từ thức ăn và đồ uống.
Trong khi đó, theo báo cáo An ninh Lương thực và Dinh dưỡng ASEAN (2021), kể cả các thực phẩm có chứa đường và đồ ngọt nói chung cũng chỉ cung cấp khoảng 3,6% tổng năng lượng đưa vào cơ thể từ thức ăn và đồ uống, trong khi đó nguồn năng lượng chiếm nhiều nhất là ngũ cốc (51,4%), thịt (15,5%), các thực phẩm khác là (11,5%), rau và hoa quả (6,9%).
Vì vậy, việc áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường sẽ không thể giải quyết được vấn đề thừa cân, béo phì trong bối cảnh có nhiều các loại thực phẩm có chứa đường hoặc hàm lượng calo trên thì trường.
Nhấn mạnh quan điểm trên, Ông Trần Ngọc Trung, Trưởng Tiểu ban Pháp luật, Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội, cho rằng dự thảo cần cân nhắc yếu tố công bằng giữa các ngành hàng. Hiện nay, dự thảo đang tạo ra sự phân biệt đối xử thông qua việc tập trung vào đồ uống có đường mà bỏ qua các thực phẩm có đường khác hoặc các thực phẩm có nguy cơ gây hại sức khoẻ khác, ông Trung chia sẻ.
Theo một khảo sát của Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế, đối với nhóm học sinh phổ thông tại Việt Nam, bà Lâm cho hay, thực phẩm học sinh ở cả thành thị và nông thôn sử dụng nhiều nhất là ngũ cốc, chất đạm, chất béo và sữa, tiếp đó là bánh, kẹo, kem, rồi cuối cùng là các loại đồ uống khác nhau. So với nước ngọt, tỷ lệ trẻ em tiêu thụ các sản phẩm có đường khác (bánh kẹo, kem chè …) còn cao hơn rất nhiều chiếm 51,1% ở khu vực thành thị và 56,4% ở khu vực nông thôn.
Cạnh đó, nhóm học sinh tiểu học mắc TCBP thường tiêu thụ chất béo nhiều hơn nhóm không mắc TCBP (78,3 % với 75,1%). Ngoài ra, mặc dù học sinh ở thành thị có tỷ lệ TCBP cao hơn ở nông thôn (41,9% với 17,8%) nhưng lại có tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt thấp hơn nhiều (lần lượt là 16,1,% và 21,6%).
Ngoài ra, theo một báo cáo về Thực phẩm và Dinh Dưỡng ở các nước ASEAN, khoảng 86,7% thanh thiếu niên Việt Nam ở độ tuổi từ 11 đến 17 thiếu các hoạt động thể chất. Đây là một nguyên nhân đáng lưu ý của sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm, bao gồm thừa cân, béo phì.
Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho biết, Việt Nam là một trong 10 nước có người dân lười vận động nhất thế giới. Cục Y tế dự phòng, và Viện Dinh Dưỡng Bộ Y tế cũng đồng tình với quan điểm này, cho rằng tố chất thể lực, sức mạnh và sức bền của thanh niên Việt Nam xếp vào mức kém so với tiêu chuẩn khi có đến 30% người Việt trưởng thành thiếu vận động thể lực. Ngoài ra, trung bình một người Việt chỉ đi bộ 3.660 bước mỗi ngày, trong khi khuyến nghị của WHO là 10.000 bước.
Theo ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, chia sẻ về thực tiễn tại một số quốc gia sau một thời gian áp dụng thuế TTĐB lên mặt hàng nước giải khát có đường lại có tỷ lệ thừa cân béo phì không giảm mà lại tăng qua các năm. Ví dụ, ở Chile tỷ lệ TCBP giai đoạn 2009-2010 ở nam và nữ giới lần lượt là 19,2% và 30,7%. Năm 2014 Chile bắt dầu áp dụng thuế đối với NGK có đường, nhưng 3 năm sau đó tỷ lệ này không giảm mà thậm chí còn tăng 30,3% ở nam giới và 38,4% ở nữ giới.
Còn quốc gia châu Âu như Bỉ năm 2014 tỉ lệ béo phì ở nam giới nước này là 13,9% còn ở nữ giới là 14,2%. Đến năm 2016 nước này bắt đầu áp dụng thuế đối với nước ngọt, nhưng đến 2019 tỉ lệ TCPB ở nam giới đã tăng lên 17,2% và nữ giới là 15,6%.
Tương tư, ở Mê-hi-cô năm 2012 tỉ lệ béo phì ở nam giới là 26,8% còn nữ giới là 37,5%. Nước này bắt đầu áp dụng thuế đối với đồ uống có đường từ năm 2014 nhưng đến 2018-2019 thì tỉ lệ TCBP đã tăng lên 30,5% ở nam giới và 40,2% ở nữ giới.
Do không có tác động đến sức khỏe, nhiều nước đã từ bỏ công cụ thuế này. Theo báo cáo của WHO, cho đến nay, Đan Mạch và Nauy đã chính thức bãi bỏ sắc thuế TTĐB áp dụng với nước giải khát có đường. Chính phủ tuyên bố bãi bỏ thuế này nhằm tạo việc làm và giúp đỡ nền kinh tế địa phương, ông Thành cho hay.
Góp ý tại hội thảo, bà Nguyễn Minh Thảo, trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng cần xem xét các tác động của chính sách thuế này đối với không chỉ ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần.
Theo một báo cáo được CIEM thực hiện vào năm 2018-2021, nếu bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% và nâng thuế GTGT thêm 2% với mặt hàng này thì sẽ khiến doanh thu của ngành sản xuất nước giải khát thiệt hại khoảng 3.791,4 tỷ đồng, trong khi đó mức doanh thu thuế tăng thêm cho ngân sách nhà nước chỉ đạt 2.722,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, chính sách thuế này nếu được áp dụng sẽ kéo theo hàng loạt tác động lan tỏa đối với tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị theo chiều dọc như các doanh nghiệp bao bì, vận chuyển, bán lẻ, mía đường, … và cả nền kinh tế nói chung. Xét tổng thể, giá trị tăng thêm của cả nền kinh tế (GVA) giảm 0,135%, GDP giảm 0,115%, thu nhập của người lao động từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,155%, thặng dư sản xuất giảm 0,083%, lao động giảm 0,092%; thu ngân sách qua thuế gián thu giảm khoảng từ 0,065% – 0,085%.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu – Bia – NGK.
Chia sẻ thêm về quan điểm này, Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu – Bia – NGK, dẫn chứng số liệu của Tổng cục thống kê mới công bố về tình hình kinh tế nửa đầu năm. Theo đó, GDP quý II ước tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước nhưng kết quả này chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020, giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng tăng 3,29% trong khi lạm phát cơ bản tăng 4,74%. Thêm vào đó, các doanh nghiệp chỉ mới phục hồi sau đại dịch nhưng cùng lúc chịu sức ép trách nhiệm tài chính từ các chính sách khác như thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2024. Nếu cải cách các loại thuế nếu không phù hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của doanh nghiệp và mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ.