Tình hình tài chính và khó khăn của Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam
Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN). Ảnh: AISVN.
Mới đây, gần 1.400 học sinh của Trường Quốc tế Mỹ tại Việt Nam (AISVN) đã phải nghỉ học vào ngày 18/03/2024 để trường tập trung tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề tài chính khó khăn, cũng như điều chỉnh chính sách nhằm bảo vệ lợi ích của toàn bộ học sinh hiện tại.
Bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch Hội đồng trường, thừa nhận với báo chí rằng AISVN đang đối mặt với vấn đề tài chính và đã không thể trả lương cho giáo viên và nhân viên trong nhiều tháng qua. Mặc dù lãnh đạo trường đã nỗ lực tìm giải pháp, nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết.
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội TP.HCM, tính đến hết tháng 1/2024, AISVN là một trong những đơn vị nợ BHXH trong suốt 9 tháng, với số tiền chậm đóng lên đến gần 202 triệu đồng.
Trường Quốc tế Mỹ tại Việt Nam có trụ sở tại số 220 Nguyễn Văn Tạo, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM, bao phủ một khuôn viên lớn rộng 6,5 hecta. Hiện trường có hơn 1.300 học sinh, trong đó khoảng 90% là học sinh Việt Nam và phần còn lại đến từ 21 quốc gia khác. Trường theo mô hình giáo dục quốc tế từ mẫu giáo đến lớp 12, và không có hạn chế về số lượng học sinh Việt Nam. Mục tiêu của trường là phi lợi nhuận, tập trung vào việc cung cấp một môi trường học quốc tế cho học sinh.
Đây là một trong những trường có học phí cao nhất cả nước, với mức học phí từ 512 triệu đồng đến 724 triệu đồng từ tiểu học đến trung học phổ thông.
Ngoài ra, để tham gia khối tiểu học chuẩn bị cho năm học 2023 - 2024, học phí riêng nếu thanh toán trước ngày 30/06/2023 đã là 350 triệu đồng (không tính phụ phí, vật phẩm học tập, ...).
AISVN bắt đầu được xây dựng từ năm 2009, với tổng vốn đầu tư lên đến 1.500 tỷ đồng. Công ty Quản lý Tài nguyên Tri thức là nhà đầu tư ban đầu, thành lập vào năm 2010, do bà Út Em và các cổ đông Hồ Quang Tri, Hồ Quang Trung sở hữu, với tỷ lệ lần lượt là 80%, 0,1% và 19,9%.
Tài nguyên Tri thức hiện có trụ sở tại Lô 14, Công viên phần mềm Quang Trung, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM. Vào tháng 5/2020, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) thông báo cho Tài nguyên Tri thức và bà Nguyễn Thị Út Em về việc tạm giữ 5.646 m2 đất và tài sản kèm theo tại lô số 14, Công viên Phần mềm Quang Trung, quận 12, TP.HCM để thu hồi nợ. Lô đất này sau đó được SCB đưa ra đấu giá với giá khởi điểm là 191 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Út Em (phải) - Chủ tịch HĐQT AISVN. Ảnh: ais.edu.vn
Đơn vị chủ quản của Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam AISVN: Khất nợ trái phiếu đến hạn
Công ty CP Giáo dục Quốc tế Mỹ (AIS) hiện là đơn vị điều hành của AISVN, doanh nghiệp được thành lập năm 2018, trụ sở tại TP.HCM. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giáo dục. Tại thời điểm thành lập, công ty có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Thị Út Em nắm 90% vốn, ông Hồ Quang Trung nắm 9,9% và ông Hồ Quang Tri nắm 0,1%.
Chỉ 2 tuần sau, vốn điều lệ Công ty đột ngột tăng vọt lên 1.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông lúc này không được tiết lộ. Bà Nguyễn Thị Út Em hiện là người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT công ty.
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho thấy, Công ty CP Giáo dục Quốc tế Mỹ (AIS) đã có 2 lần huy động vốn từ trái phiếu, thu về 500 tỷ đồng.
Hồi đầu năm 2022, CTCP Giáo dục quốc tế Mỹ AIS đã phát hành lô trái phiếu AIECH2223001 trị giá 250 tỷ đồng, đáo hạn ngày 26/7/2023. Lãi suất cố định 11,5%/năm.
Hoạt động thanh toán lãi trái phiếu của AIS diễn ra bình thường cho đến tháng 7/2023, đơn vị này thông báo gia hạn thời gian tất toán lô trái phiếu trên thêm 6 tháng, đến 26/1/2024 với lãi suất điều chỉnh là 12%/năm. Tổng mệnh giá còn đang lưu hành là 200 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn lô trái phiếu AIECH2224002 phát hành ngày 8/9/2022, kỳ hạn 2 năm, lãi suất cố định 10,5%/năm. Tổng giá trị theo mệnh giá đang lưu hành gần 318 tỷ đồng. CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) là đại lý lưu ký thanh toán cho lô trái phiếu này.
Đáng chú ý, liên quan đến lô trái phiếu này, ngày 20/9/2023, Chứng khoán Dầu khí cho biết doanh nghiệp đã không thanh toán đầy đủ đúng hạn tiền lãi vào ngày đến hạn thanh toán và không thể khắc phục được trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày đến hạn.
Dữ liệu chúng tôi cho thấy, trong năm 2018 nhưng AIS đã ghi nhận 108,2 tỷ đồng doanh thu thuần. Tổng tài sản cuối năm 2018 của AIS là 3.987 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 1.468 tỷ đồng, nợ phải trả chiếm 2.519 tỷ đồng, trong đó nợ vay dài hạn 2.079 tỷ đồng.
Do sử dụng đòn bẩy tài chính lớn nên AIS phải gánh chi phí lãi vay lên đến 66,3 tỷ đồng, "bào mòn" lợi nhuận đạt được, khiến doanh nghiệp này lỗ sau thuế 24,5 tỷ đồng.
Sang năm 2019, doanh thu thuần tăng mạnh lên 439,5 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận cuối năm vẫn khá hạn chế với 19,7 tỷ đồng do gánh nặng chi phí vận hành, lãi vay. Vốn chủ sở hữu thời điểm này của AIS tăng nhẹ, đạt 1.487 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả cũng tăng lên với 2.745 tỷ đồng.
Sang năm 2020, AIS tiếp tục sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao. Thời điểm 31/12/2020, nợ phải trả của AIS đã lên 3.056 tỷ đồng, nợ vay dài hạn 2.189 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu giảm còn 965,6 tỷ đồng và AIS cũng ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 334 tỷ đồng.