Đằng sau hệ sinh thái AISVN - Trường quốc tế có khuôn viên lớn nhất TPHCM
Khó khăn tài chính, nợ lương người lao động
Học sinh phải nghỉ học do phần đông nhân sự của trường chưa đi làm lại, liên quan đến tình trạng nợ lương, vi phạm các cam kết hay việc nợ bảo hiểm xã hội… là những gì đang diễn ra tại Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) những ngày gần đây.
Trong buổi tiếp xúc giữa đại diện trường và một nhóm phụ huynh ngày 19/03, bà Nguyễn Thị Út Em – Chủ tịch HĐQT của Trường thừa nhận tình trạng khó khăn về tài chính và có tiếp xúc với hai quỹ đầu tư, trong đó có một quỹ đánh tiếng muốn mua ít nhất 70% cổ phần của trường và nắm quyền điều hành. Cả hai quỹ đều muốn là tổ chức tài chính mua phần lớn cổ phần của trường.
Nội dung Email phụ huynh nhận được từ Trường AISVN về việc cho học sinh nghỉ họcNguồn: Người Lao Động
Bà Nguyễn Thị Út Em.
Theo tìm hiểu, Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) do bà Nguyễn Thị Út Em (sinh năm 1963) sáng lập vào tháng 08/2006, với tầm nhìn một trường quốc tế phổ thông liên cấp, từ mẫu giáo đến lớp 12, không giới hạn về số lượng học sinh là người Việt Nam.
Học phí của trường AISVN thuộc hàng đắt đỏ tại TPHCM, mỗi năm từ 280 đến 725 triệu đồng từ bậc mầm non cho tới lớp 12. Nếu cho con theo học tất cả cấp tại AISVN, phụ huynh có thể phải bỏ ra số tiền hơn 7.8 tỷ đồng học phí. Đó là chưa kể các khoản không được hoàn lại như phí đăng ký nhập học 1.5 – 2.5 triệu đồng tùy lớp, phí ghi danh 20 – 40 triệu đồng, phí chương trình phát triển Anh ngữ 40 – 50 triệu đồng, phí cho các chương trình hoạt động học tập trải nghiệm, phí sách giáo khoa, phí xe đưa đón… Thậm phí phụ huynh còn phải chịu thêm phí nộp muộn 0.05%/ngày trên tổng số khoản phí cần được thanh toán nếu phụ huynh đóng sau thời hạn đã được trường thông báo.
Mức học phí năm học 2023-2024 của Trường AISVN. Nguồn AISVN.
AISVN tự giới thiệu là trường quốc tế có diện tích lớn nhất TPHCM với 6.5ha, tọa lạc tại huyện Nhà Bè. Webiste AISVN cho biết họ là “Trường quốc tế IB toàn phần hoạt động theo tiêu chí phi lợi nhuận, các khoản doanh thu sẽ được tái đầu tư vào việc phát triển, mở rộng cơ sở vật chất cũng như nâng cao chất lượng hoạt động dạy và học tại trường. Hiện riêng tại cơ sở Nhà Bè, trường có hơn 1.2 ngàn học sinh từ khối dự bị tiểu học 4 tuổi đến lớp 12.
Nợ trái phiếu hàng trăm tỷ đồng
Trường AISVN được quản lý bởi CTCP Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS (AIE). Công ty này từng gây chú ý khi nhiều lần nợ và gia hạn thời gian thanh toán trái phiếu.
Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), AIE đang lưu hành lô trái phiếu duy nhất mã AIECH2224002 trị giá trị 317.8 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm, lãi suất 10.5%/năm và trả lãi định kỳ 3 tháng/lần vào mỗi cuối kỳ, gốc trả một lần khi đến hạn. Trái phiếu phát hành ngày 08/09/2022, kỳ hạn 24 tháng đến 08/09/2024 và có tổ chức lưu ký là CTCP Chứng khoán Dầu khí (HNX: PSI).
Trước đó, AIE từng phải gia hạn thời gian tất toán lô trái phiếu khác là AIECH2223001 thêm 6 tháng đến ngày 26/01/2024, đồng thời điều chỉnh lãi suất mới lên 12%/năm. Được biết, 250 tỷ đồng trái phiếu AIECH2223001 phát hành vào ngày 26/01/2022, ban đầu có kỳ hạn 18 tháng đến 26/07/2023, lãi suất cố định 11.5%/năm và tổ chức lưu ký là CTCP Chứng khoán Bảo Việt (HNX: BVS).
Giữa năm 2023, Trường AISVN gây xôn xao với việc hàng loạt phụ huynh lên tiếng đòi nợ trường theo hợp đồng vay vốn thông qua hình thức đóng học phí cho con.
Theo hợp đồng này, phụ huynh sẽ đóng một khoản tiền lớn gọi là đầu tư hoặc cho vay vốn với số tiền hàng tỷ đồng, đổi lại phụ huynh sẽ không phải đóng học phí trong quá trình con theo học tại trường và sẽ trả lại số tiền vay từ phụ huynh khi trẻ kết thúc chương trình tại trường hoặc hoàn thành thủ tục chuyển trường. Nhiều trường hợp phụ huynh cho trường vay 2 - 3 tỷ đồng, có người cho vay đến chục tỷ đồng. Trường nhiều lần hẹn thanh toán, nhưng phụ huynh không nhận được tiền. Cao điểm, vào tháng 09/2023, nhiều phụ huynh đã đến trường giăng băng rôn đòi nợ.
Khuôn viên trường tại huyện Nhà Bè. Ảnh: AISVN.
Hệ sinh thái giáo dục
Bà Út Em đang là Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật cho nhiều pháp nhân trong hệ thống AISVN.
Ở cấp tiểu học, bà Út Em sở hữu AIE nói trên. Theo tìm hiểu, AIE thành lập ngày 15/10/2018, trụ sở tại số 220 Nguyễn Văn Tạo, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TPHCM. Vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng, trong đó bà Út Em nắm 90%, ông Hồ Quang Trung nắm 9.9% và ông Hồ Quang Tri 0.1%. Chỉ 10 ngày sau đó, Công ty nâng vốn lên 1,000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được công bố.
Ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, bà Út Em sở hữu CTCP Tập đoàn Quốc tế Mỹ. Công ty có tiền thân là CTCP Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Mỹ thành lập ngày 11/01/2018. Vốn điều lệ ban đầu 90 tỷ đồng, bà Út Em nắm 70%, ông Hồ Quang Trung 20% và bà Nguyễn Thị Anh Thư 10%.
Thời điểm thành lập, Công ty đặt trụ sở tại số 220 Nguyễn Văn Tạo, đến tháng 10/2018 thì chuyển về số 209/1B Tôn Thất Thuyết. Tháng 07/2019, Công ty đổi tên thành CTCP Tập đoàn Quốc tế Mỹ như hiện nay.
Ở cấp giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông, bà Út Em sở hữu CTCP Đầu tư Giáo dục Quốc tế Mỹ (AIC Education) thành lập vào ngày 03/12/2013.
Theo cập nhật ngày 08/06/2017, AIC Education có vốn điều lệ 745.3 tỷ đồng, trụ sở từ 102C Nguyễn Văn Cừ, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM về số 220 Nguyễn Văn Tạo. Đến tháng 10/2018, ngành nghề kinh doanh chính đổi thành giáo dục trung học phổ thông và dời trụ sở về số 209/21B Tôn Thất Thuyết.
Về đào tạo sơ cấp, hệ sinh thái có CTCP Tập đoàn Giáo dục Quốc tế (International Education Group). Tuy nhiên, ban đầu Công ty này được lập ra vào ngày 11/12/2017 với ngành nghề kinh doanh chính là giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Nguồn: VietstockFinance.
Vốn điều lệ ban đầu của International Education Group là 300 tỷ đồng do bà Út Em (Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật) nắm 80%, ông Hồ Quang Trung 15% và bà Trần Thị Tường Vân 5%. Công ty cũng có địa chỉ ban đầu tại số 220 Nguyễn Văn Tạo nhưng sau đó dời về số 209/21B Tôn Thất Thuyết vào tháng 10/2018. International Education Group đổi ngành nghề kinh doanh chính sang lĩnh vực đạo tạo sơ cấp từ tháng 08/2019.
Ngoài ra, hệ sinh thái còn có một Công ty khác hiện không hoạt động chính trong lĩnh vực giáo dục, nhưng lại có tên “rất giáo dục” là CTCP Đầu tư Đại học quốc tế Mỹ (AIU), thành lập vào 07/03/2017, trụ sở tại 220 Nguyễn Văn Tạo. Vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng, bà Út Em (Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật) nắm 96%, bà Trần Thị Tường Vân và ông Hồ Quang Trung nắm 2%. Ngành nghề chính lúc này là đào tạo đại học và sau đại học.
Trong quá trình hoạt động, AIU tăng vốn lên 200 tỷ đồng vào tháng 06/2017; chuyển trụ sở chính về số 209/21B Tôn Thất Thuyết vào tháng 10/2018; đổi ngành nghề chính sang đào tạo thạc sỹ vào tháng 10/2019, sau đó bất ngờ chuyển sang mảng cho thuê máy móc, thiết bị và đồ dùng hữu hình khác không kèm người điều khiển. Ở thời điểm đó, vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật chuyển từ bà Út Em sang bà Lê Thị Thu Hiền. Tới tháng 03/2021, bà Út Em quay trở lại vai trò này.