Trạm xăng 'di động' cho xe chạy điện
Sơ lược về bức tranh toàn cầu
Thị trường xe điện trong những năm gần đây đang phát triển rất mạnh mẽ với 3 thị trường dẫn đầu là Trung Quốc, Tây Âu và Hoa Kỳ. Doanh số xe điện bán ra tại các thị trường này luôn ở mức hai con số và xu hướng được dự báo là sẽ còn tiếp tục kéo dài. Chính phủ nhiều nước cũng đang hết sức cổ xúy cho xe điện và triển khai các gói trợ giá cực lớn cho cả nhà sản xuất lẫn người dùng cuối. Một số quốc gia đã đưa ra lộ trình dừng sản xuất mới xe chạy xăng vào năm 2030 và chấm dứt sử dụng xe động cơ đốt trong vào năm 2050 để đạt tiêu chuẩn không khí thải vào giữa thế kỷ này.
Cùng với sự phát triển của xe điện, ngành công nghiệp sạc, tương tự như hệ thống cung ứng xăng dầu, bao gồm việc sản xuất, lắp đặt các trạm sạc điện, cũng như các dịch vụ có liên quan, cũng phát triển rất mạnh mẽ. Hiện Trung quốc được đánh giá là đi đầu với khoảng bốn triệu trạm sạc, trong đó tư nhân chiếm khoảng 2/3, đã được xây dựng, và trong thời gian tới con số này chắc chắn còn tăng trưởng tiếp. Châu Âu tuy được coi là đi đầu trong lĩnh vực này, nhưng do các quốc gia có chính sách khác nhau, định hướng và tiêu chuẩn cũng rất khác nhau nên hiện đã bị Trung quốc bỏ xa. Dự kiến, đến năm 2025 các nước EU sẽ có 1 triệu trạm sạc và phấn đấu tới năm 2030 con số này sẽ được nâng lên 3 triệu.
Hoa Kỳ tuy là quê hương của nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới Tesla, nhưng tổng lượng xe điện cũng như trạm sạc điện hiện “khiêm tốn” hơn 2 thị trường nói trên. Tuy nhiên, tiềm năng của họ không thể bàn cãi, nhất là khi cả ba ông lớn gồm GM, Ford và Chrysler hiện đều xác định chiến lược tập trung phát triển xe điện. Theo dự báo, chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi, doanh số xe điện cảu bộ ba này sẽ vượt Tesla. Chưa kể tới việc các thương hiệu xe châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang tung nhiều mẫu xe điện tân tiến nhắm vào thị trường này. Tất nhiên, điều đó sẽ kéo theo sự “bùng nổ” của hệ thống sạc điện.
Tại Hoa Kỳ hiện nay, hệ thống các trạm sạc của Tesla đang chiến tỷ trọng áp đảo. Công nghệ sạc nhanh của họ cũng được coi là thuộc loại tân tiến nhất, tuy nhiên các trạm sạc này khá “ích kỷ”, nói chung chỉ ưu tiên phục vụ cho xe mang thương hiệu Tesla. Thế nhưng, sự độc quyền của Tesla được dự báo sẽ nhanh chóng bị phá vỡ khi ngày càng có nhiều các nhà phát triển nhảy vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, chính phủ Mỹ cũng đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ, điển hình là “Electrify America” (tạm dịch Điện khí hóa nước Mỹ) nhằm mau chóng nâng con số trạm sạc đa năng cũng như trải đều khắp các vùng miền tại quốc gia này.
Việt Nam đang ở đâu?
Người tiêu dùng Việt Nam thực sự biết và quan tâm tới xe hơi chạy điện chỉ sau khi VinFast chính thức tuyên bố đoạn tuyệt với xe động cơ đốt trong và tung ra cùng lúc nhiều mẫu xe điện cũng như các gói kích cầu, khuyến mại, thuê pin hấp dẫn. Tất nhiên, VinFast cũng gặp phải “rào cản trạm sạc” và dù đã có rất nhiều cố gắng đột phá nhưng thành công vẫn ở mức rất khiêm tốn.
VinFast có thế mạnh được hỗ trợ từ hệ sinh thái Vin với các khu đô thị, trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng trải khắp đất nước. Các trạm sạc điện tập trung của VinFast thường có tối thiểu 5 trụ sạc nhanh DC30kW (công suất 30kW), 5 trụ sạc AC11kW, cùng lúc có thể cho phép nhiều xe sạc điện. Tại các tòa nhà chung cư, văn phòng, tùy theo quy mô công ty cũng triển khai từ 1-2 trụ sạc ô tô DC30kW kèm các trụ sạc AC11kW. Hiện các điểm sạc của VinFasst đã lên đến con số hàng ngàn và các công sạc là hàng chục ngàn, nhưng con số này vẫn còn là quá ít, chưa kể tới độ phủ của các trạm sạc cũng còn còn rất hạn chế.
Hạ tầng sạc VinFast chủ yếu tập trung vào các khu đô thị do VinGroup sở hữu, ngoài ra là một số các điểm dừng nghỉ trên xa lộ. Tuy nhiên, quan sát cho thấy, các điểm sạc tại “đất nhà” của Vin chưa phát huy tác dụng, rất nhiều trạm nguyên ngày không có xe điện nào sạc mà thay vào đó lại trở thành điểm đỗ cho xe … xăng. Các điểm sạc trên xa lộ cũng thường xuyên vắng bóng xe sạc, điều này gây nên sự lãng phí rất lớn về nguồn lực đầu tư hạ tầng.
Ngoài VinFast, trên thị trường gần đây cũng đã xuất hiện một số công ty bên thứ ba cung cấp giải pháp sạc điện cho xe hơi. Các mô hình trạm sạc này được đánh giá cao nhờ cung cấp khả năng sạc cho nhiều loại xe, cũng như được đặt ở các vị trí khác nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng. Tuy nhiên, việc triển khai không hề đơn giản bởi đòi hỏi nguồn lực lớn, thời gian đầu tư lâu và đặc biệt là khó khăn về quỹ đất.
Có thể so sánh một cách đơn giản, để nạp đầy xăng ta chỉ cần tối đa 15 phút, trong khi để nạp đầy điện con số này lên tới nhiều giờ. Suy ra, diện tích cần cho các trạm sạc điện sẽ lớn hơn rất nhiều so với diện tích của các trạm xăng. Đây là bài toán vô cùng nan giải, nếu không muốn nói là hoàn toàn bế tắc, xét theo hoàn cảnh thực tế nước ta hiện nay.
Ngoài những khó khăn nêu trên, còn rất nhiều rào cản đã và chưa lường hết. Đơn cử như các quy định về phòng cháy chữa cháy chưa “cởi trói” để có thể lắp đặt trạm sạc tại các tầng hầm chung cư, địa điểm không thể thích hợp hơn cho việc lắp trạm sạc. Như vậy có thể thấy, để hạ tầng trạm sạc có thể phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu người sử dụng và đáp ứng các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra, rất cần sự chung tay của toàn bộ các thành phần trong xã hội. Cần sự ủng hộ từ người dân, sự sáng tạo và quyết tâm của các doanh nghiệp và tất nhiên cần nhất là sự hỗ trợ từ Chính quyền các cấp, thông qua các quyết sách phù hợp, thiết thực và mang tính khả thi cao.
“Ánh sáng cuối đường hầm”
Dù bức tranh toàn cảnh về các trạm sạc tập trung tại Việt Nam vẫn mang một màu xám “chủ đạo”, nhưng cũng vẫn còn có một giải pháp mang tính khả thi cao, đó là mô hình các trạm sạc tại gia và sạc di động theo xe. Đây cũng là nội dung chính mà bài viết muốn đề cập.
VinFast tiếp tục công ty đi đầu trong việc cung cấp trạm sạc tại gia / sạc di động cho các dòng xe điện của mình. Bên cạnh đó, trên thị trường cũng đã xuất hiện một số doanh nghiệp cung cấp các thiết bị này cho các dòng xe thương hiệu VinFast nói riêng và xe ô tô chạy điện nói chung.
Tại sự kiện gặp mặt chủ sở hữu xe điện toàn quốc diễn ra vào đầu năm nay, ông Nguyễn Mạnh Cường - Chủ tịch Công ty Cổ phần EverEV - một trong các nhà tài trợ chính của sự kiện cho biết: “Trong tháng 3, Vinfast giao được 915 xe điện thì Công ty cũng đã bán được hơn 300 bộ sạc gia đình”. Điều này chứng tỏ nhu cầu về sạc tại nhà của các khách hàng mua xe điện là rất lớn. Rõ ràng, trong khi hạ tầng sạc công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu thì đây là một giải pháp hữu hiệu, mặc dù người mua sẽ phải trả thêm một khoản tiền ngoài tiền mua xe.
Bộ sạc gia đình (home charger) hiện nay đang được chào bán rộng rãi có thể phân làm 3 hạng theo công suất. Sạc AC có công suất lớn 22kW và 11kW phù hợp để sạc cho các loại xe con AV, nhưng đòi hỏi sử dụng nguồn điện 3 pha. Phổ thông nhất là Sạc AC sử dụng nguồn điện 1 pha có công suất 7kW, rất phù hợp khi sử dụng tại gia đình. Loại sạc này có thể lắp trong gara kín hoặc ở ngoải sân, nơi bạn thường xuyên đậu xe, nhưng cần có che chắn bảo vệ tốt, tránh các tác động của thời tiết.
Một lựa chọn được nhiều người ưa thích đó là sạc di động, có thể mang theo xe và sạc tại bất cứ nói nào có điện lưới. Với sạc di động, chủ nhân nên mua loại có khả năng chỉnh định dòng điện (công suất sẽ tăng, giảm theo yêu cầu), vì không phải nơi nào cũng có đủ nguồn điện 7kW 1 pha (tương ứng với Aptomat 40A), nếu bạn sạc “full power” thì buộc phải tắt các thiết bị khác.
Thêm một lưu ý, cũng tương tự như ổ cắm điện gia dụng, các quốc gia và cùng lãnh thổ hiện nay có các quy định riêng, không hoàn toàn thống nhất về ổ sạc điện cho xe hơi. Thậm chí các nhà sản xuất lớn như Tesla còn có chuẩn riêng cho mình, tạm hiểu là “xe điện nào phải cắm sạc điện ổ đó”. Tuy nhiên, với sự xuất thiện của các nhà sản xuất bên thứ ba, trên thị trường đã xuất hiện các ổ sạc đa năng, có thể đáp ứng việc sạc cho nhiều dòng xe khác nhau. Đây cũng là một trong những hướng đi đúng đắn nhằm đơn giản hóa việc sạc điện, đem lại sự tiên dụng cho người dùng.
Có thể bạn muốn biết?
Xây nhà mới phải kèm sạc điện
Theo thống kê, tại Anh có khoảng 80% xe điện được sạc tại nhà. Chính phủ Anh dưới thời Thủ tướng Boris Johnson đã chuẩn bị dự luật buộc các tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại xây mới phải lắp hệ thống sạc điện cho xe hơi. Việc thực thi sẽ giúp nước Anh tăng thêm khoảng 150.000 trạm sạc mỗi năm.
Một số quốc gia đã có quy định, các chung cư / khu đô thị phải có ít nhất 10% vị trí đỗ xe ưu tiên được trang bị bộ sạc xe điện cho xe EV.
Xạc kèm pin dự phòng
Gần đây, trên thị trường đã xuất hiện một số mấu xạc di động kèm pin dự phòng, có thể cung cấp điện đủ cho xe di chuyển thêm vài chục cây số, trước khi đến điểm có thể sạc từ điện lưới. Các bộ sạc này có ưu điểm là gọn nhẹ, trong lượng chỉ vài kilogram, nhưng khá đắc dụng khi cung cấp “một miếng khi đói” cho các chủ xe điện.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí Điện tử và Ứng dụng số 02 tháng 04/2023).