Ngày 7-9, Tập đoàn công nghệ Tencent Holdings của Trung Quốc đã chính thức giới thiệu mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) ngôn ngữ mang tên Hunyuan. Hunyuan được cho là có khả năng giao tiếp bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh, thậm chí vượt trội hơn so với ChatGPT của OpenAI ở một số lĩnh vực như viết văn bản dài hàng nghìn từ và giải quyết một số vấn đề toán học cụ thể.
Gian trưng bày của Tencent tại một sự kiện ở Thượng Hải - Ảnh: CHINA DAILY
Theo Tencent, xác suất Hunyuan tạo ra thông tin không chính xác, hay còn được gọi là "ảo giác", ít hơn 30% so với Llama 2 của Meta. Đây là một bước tiến đáng chú ý trong việc phát triển công nghệ AI ngôn ngữ.
Hiện tại, Hunyuan đã được tích hợp vào hơn 50 sản phẩm và dịch vụ trong hệ sinh thái của Tencent. Mô hình này đã được đào tạo với hơn 100 tỉ thông số và sử dụng hơn 2.000 tỉ token, các chỉ số quan trọng để đo lường khả năng của các mô hình AI.
So với các mô hình AI ngôn ngữ tiêu biểu khác, Hunyuan sở hữu sức mạnh vượt trội. Mô hình của OpenAI được công bố chứa 175 tỉ thông số vào năm 2020, trong khi Llama 2 của Meta chỉ có 70 tỉ thông số vào năm 2023.
Sự ra đời của Hunyuan là một phản ứng rõ ràng trong cuộc đua giữa các công ty công nghệ Trung Quốc để phát triển mô hình AI ngôn ngữ. Baidu, một "đại gia" công nghệ của Trung Quốc, cũng vừa giới thiệu ứng dụng ERNIE không lâu trước để cạnh tranh với ChatGPT.
Thời gian qua, sự thành công nhanh chóng của ChatGPT đã thúc đẩy cuộc đua phát triển các ứng dụng cạnh tranh trên toàn thế giới. Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ AI cũng gây ra nhiều lo ngại về khả năng lạm dụng và thông tin sai lệch.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các quy định mới về phát triển AI vào tháng 8 vừa qua, nhằm đảm bảo sự tiến bộ trong cuộc đua công nghệ nhưng vẫn kiểm soát chặt chẽ thông tin trực tuyến.