Đại học Córdoba (Tây Ban Nha) đã xử phạt nhà khoa học Rafael Luque vì đứng chân làm nhà nghiên cứu tại Đại học King Saud ở Riyadh (Saudi Arabia) và Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga ở Matxcơva, trong khi vẫn có hợp đồng công chức toàn thời gian ở Tây Ban Nha.
Nhà khoa học Rafael Luque - Ảnh: Innovators Under 35.
Ông Luque, sinh ra ở thành phố Córdoba 44 năm trước, là một trong những nhà khoa học giỏi nhất ở Tây Ban Nha. Ông có niềm đam mê giảng dạy khoa học và lối sống xanh. Tại Khoa Hóa học Hữu cơ tại Đại học Córdoba (Tây Ban Nha), Nhà khoa học Luque tập trung vào cách biến dư lượng sinh khối và chất thải tài nguyên, chẳng hạn như chất thải thực phẩm, thành nguyên liệu có giá trị để sản xuất vật liệu, hóa chất và năng lượng. Ông cho biết: “ Chúng ta cần coi rác thải là một nguồn tài nguyên chứ không phải là một vấn đề".
Theo tìm hiểu, ông đã công bố khoảng 700 nghiên cứu, chủ yếu trong lĩnh vực được gọi là hóa học xanh. Trong quý đầu tiên của năm 2023, ông đã xuất bản 58 công trình. Trong 5 năm qua, nhà hóa học Luque nằm trong danh sách các nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất thế giới, theo tổng hợp của công ty phân tích dữ liệu Mỹ Clarivate Analytics.
Các đại học trên khắp thế giới rất muốn thuê các nhà khoa học như ông Luque, vì một tên tuổi tầm cỡ như vậy có thể đưa trường thăng lên hàng trăm bậc trên các bảng xếp hạng học thuật quốc tế, đồng nghĩa với việc thu hút được nhiều sinh viên và học phí hơn.
“Không có tôi, Đại học Córdoba sẽ giảm 300 điểm. Họ đã tự bắn vào chân mình”, ông Luque nói sau khi nhận quyết định ngưng công tác.
Dù ông Luque thừa nhận đã bỏ qua các quy định của Đại học Córdoba để hợp tác với các tổ chức khác, nhưng ông khăng khăng cho rằng việc xử phạt là do "ghen tị và thiếu hiểu biết".
Nhà hóa học nổi tiếng tuyên bố: “Trong tài khoản ngân hàng của tôi, họ sẽ không tìm thấy một xu nào từ Nga hay Saudi Arabia hay bất kỳ nơi nào khác”.
Ông khẳng định chưa bao giờ nhận tiền “trực tiếp” từ người Saudi Arabia hay Nga, ngoài tài trợ cho các phân tích của mình.
Trên một vài diễn đàn về nghiên cứu khoa học, có ý kiến của một số nhà khoa học tỏ ra nghi ngờ các công trình nghiên cứu của ông Luque có liên quan đến việc mua bán mờ ám tư liệu nghiên cứu. Nhưng tất cả chỉ dừng ở mức nghi vấn.
Hơn một thập kỷ trước, các trường đại học hàng đầu của Saudi Arabia đã triển khai các chương trình tuyển dụng các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới.
Ví dụ, Đại học King Abdulaziz bắt đầu cung cấp cho các nhà nghiên cứu khoảng 76.000 USD/năm, với điều kiện họ chỉ dành một tuần/năm hoạt động trong khuôn viên trường và tất nhiên, thêm tên của đại học ở Saudi Arabia vào nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học.
Thông tin thêm cho bạn:
Trong hệ thống khoa học hiện tại, các nhà nghiên cứu được đánh giá theo số lượng nghiên cứu mà họ công bố trên các tạp chí được bình duyệt và theo số lần các bài báo này được các đồng nghiệp khác trích dẫn.