65 năm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị-Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương ghi nhận và biểu dương những thành tích mà ngành Di sản văn hóa đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt trong năm 2024, năm kỷ niệm 65 năm sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị toàn ngành tập trung tiếp tục triển khai các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các Đề án, Chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch triển khai Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa - nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, tập trung vào công tác nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về di sản văn hóa, đặc biệt là xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa năm 2024, tạo thành hành lang pháp lý thuận lợi để công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được triển khai hiệu quả trên thực tế.
Đồng thời, tháo gỡ các rào cản chính sách, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa, khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội, tạo động lực phát huy sức mạnh mềm, nội sinh của văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội.
Hội nghị - Hội thảo “65 năm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá”.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình số hóa di sản văn hóa giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư liệu hóa hệ thống tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
Tích cực, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế; Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đổi mới tư duy của đội ngũ công chức, viên chức trong ngành...
Phát biểu tại Hội nghị-hội thảo, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh, 65 năm qua, kể từ khi Sắc lệnh số 65/SL được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, cùng với tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta quan tâm, coi trọng, để lại nhiều dấu ấn và thành quả.
Hiện nay, trên cả nước có hơn 40.000 di tích và khoảng gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê. Trong đó có: 34 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh (gồm 8 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 16 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và 10 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO ghi danh); 138 di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng, 3.653 di tích quốc gia… Toàn quốc có 203 bảo tàng gồm 127 bảo tàng công lập và 76 bảo tàng ngoài công lập, lưu giữ và trưng bày trên 4 triệu tài liệu hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập, hiện vật đặc biệt quý hiếm.
TS Lê Thị Thu Hiền thông tin, trên phương diện quốc tế, Việt Nam đã khẳng định là một trong những nước thành viên tích cực tham gia các Công ước của tổ chức UNESCO, đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực cho việc bảo tồn di sản văn hóa của nhân loại. Di sản văn hóa đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương và vào sự phát triển chung của đất nước.
“Di sản văn hóa đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương và vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, trên con đường phát triển, chúng ta cần phải nhận diện được một số khó khăn, thách thức để cùng vượt qua. Cơ chế chính sách cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cần hoàn thiện; nhận thức xã hội về di sản văn hóa cần được nâng cao hơn nữa để thật sự đồng đều, sâu sắc và toàn diện, nhất là trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; nguồn kinh phí đầu tư cho cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cần được tăng cường để đáp ứng nhu cầu thực tế”., Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền khẳng định.
Hội nghị-hội thảo “65 năm sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa” là diễn đàn để tiếp tục khẳng định những thành tựu của sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời tổng kết kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Tại Hội nghị - Hội thảo, tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nguyên lãnh đạo Cục Di sản văn hóa đã tập trung đánh giá những thành tựu 65 năm sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đánh giá thực trạng, những kết quả đạt được, những tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; phân tích nguyên nhân thành công và hạn chế; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; gợi mở những giải pháp nhằm làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thời kỳ đổi mới trên con đường hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.