Báo cáo quốc gia 2024 về thực hiện Chính sách ở Việt Nam
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, GS. TS. Lại Quốc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN cho biết: Ở Việt Nam, trong bối cảnh đất nước chuyển đổi nhanh chóng, tạo ra những thay đổi lớn về kinh tế - xã hội, việc thực hiện các chính sách của chính phủ là một lĩnh vực nghiên cứu mới với nhiều vấn đề quan trọng mà các cấp chính quyền đang cố gắng giải quyết. Với tốc độ phát triển hiện nay, bên cạnh những thuận lợi đáng kể, có thể thấy rõ những thách thức của quá trình xây dựng chính sách hay thực hiện các chính sách đó trên thực tế để có thể đạt được các kết quả mong muốn.
GS.TS. Lại Quốc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Chuỗi Báo cáo Quốc gia về các vấn đề kinh tế - xã hội của Việt Nam là một trong những hoạt động hợp tác nghiên cứu và tư vấn chính sách nổi bật của Nhà trường. Đây là số thứ bảy trong chuỗi Báo cáo Quốc gia Việt Nam nhờ sự hợp tác rất thành công giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), Đại học Justus Liebig Giessen (CHLB Đức) và Tổ chức Hanns Seidel Stiftung (CHLB Đức), phản ánh một tầm nhìn chung về việc thúc đẩy đối thoại, khuyến khích nghiên cứu liên ngành và tạo ra tri thức ứng dụng. Bằng cách vượt qua các ranh giới về địa lý và chuyên môn, sự hợp tác này minh chứng cho sức mạnh của nỗ lực tập thể trong việc nâng cao hiểu biết và đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Báo cáo lần này cũng là Báo cáo Quốc gia thứ bảy về Việt Nam, sau các báo cáo trước đây về môi trường, già hóa dân số, số hóa, hệ quả chiến tranh, phụ nữ, và thị trường lao động. Tiếp nối sự thành công của các báo cáo trước đây, ấn phẩm lần này có sự tham gia, đóng góp của các nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực đến từ các đơn vị uy tín trong và ngoài nước: Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Đại học Justus-Liebig Giessen và các khoa Khoa học Chính trị, Khoa Xã hội học, Khoa Quốc tế học, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Báo cáo Quốc gia về Việt Nam số này tập trung vào chủ đề việc thực hiện các chính sách công tại Việt Nam. Nghiên cứu về vấn đề này hướng đến cách Chính phủ và cơ quan nhà nước cố gắng tác động tích cực đến thực tế xã hội thông qua luật pháp, quy định và các biện pháp khác, ví dụ như giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế, giáo dục hoặc môi trường. Mặt khác, mục tiêu chính của nghiên cứu về chủ đề này là xác định mức độ thành công của các cơ quan, tổ chức trong thực hiện chính sách công. Ngoài ra, các đề xuất có cơ sở khoa học về các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình thực hiện chính sách cũng được đưa ra.
Tọa đàm “Báo cáo Quốc gia về Việt Nam 2024: Thực hiện Chính sách ở Việt Nam”.
Tương tự các ấn phẩm trước, báo cáo này cũng được chia thành nhiều phần. Phần thứ nhất cung cấp cái nhìn tổng quan về vấn đề hoạch định và thực hiện chính sách hiện nay, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và trường hợp Việt Nam (tác giả Detlef Briesen). Hai nghiên cứu trực tiếp thảo luận về việc thực hiện chính sách công bao gồm: thực thi chính sách trong khu vực công (tác giả Nguyễn Thị Thúy Hằng) và việc thực thi chính sách khí hậu ở CHLB Đức và Việt Nam (tác giả Detlef Briesen và Nguyễn Thị Thùy Trang).
Các nghiên cứu tiếp theo đề cập đến việc thực thi chính sách công trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam, bao gồm: đổi mới giáo dục – đào tạo (tác giả Lưu Bích Ngọc), chính sách xã hội tại các đô thị (tác giả Nguyễn Văn Chiều và Hoàng Thanh Lịch), tăng cường việc làm thỏa đáng (tác giả Nguyễn Tuấn Anh), việc thực hiện vai trò giới qua trường hợp nghiên cứu phụ nữ bán hàng rong (tác giả Dương Kim Anh), cải cách hành chính (tác giả Vũ Thị Anh Thư) và hợp tác và hội nhập quốc tế (tác giả Nguyễn Thị Thùy Trang và Nguyễn Văn Đáp). Cuối cùng, báo cáo có một nghiên cứu mang tính tổng hợp về những thay đổi và các yếu tố liên quan đến hoạch định và thực hiện chính sách ở Việt Nam (tác giả Nguyễn Thị Thùy Trang).
Chia sẻ về Báo cáo Quốc gia số này, GS.TS. Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) cho biết: “Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng với những thách thức liên kết với nhau – từ biến đổi khí hậu đến bất bình đẳng kinh tế xã hội, nhu cầu về những nghiên cứu giàu thông tin nhằm kết nối tri thức học thuật với các giải pháp thực tiễn ngày càng tăng. Ấn phẩm Báo cáo Quốc gia về Việt Nam số này thể hiện sức mạnh của hợp tác quốc tế trong việc định hướng những vấn đề cấp bách đó. Ấn phẩm mang đến nhiều góc nhìn đa dạng, những phân tích chặt chẽ và cách tiếp cận đổi mới, cung cấp các góc nhìn giá trị không chỉ dành cho các nhà hoạch định chính sách và học giả mà cả đông đảo công chúng đang đối diện với những thách thức này trên thực tế.”
Theo ông Michael Siegner, Trưởng đại diện Quỹ Hanns Seidel Stiftung tại Việt Nam: “Ấn phẩm Báo cáo Quốc gia số này phân tích một số lĩnh vực quan trọng từ góc độ thực thi chính sách. Qua đó, đóng góp vào lĩnh vực nghiên cứu mới về thực thi chính sách ở Việt Nam, đồng thời mang lại những kiến thức thực tế về tình hình thực hiện chính sách trong các lĩnh vực và ngành này”.