Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo 'bắc cầu' tinh vi nhắm vào doanh nghiệp
Theo thông tin từ anh P.V.A - Giám đốc Công ty TNHH Mỹ thuật - Truyền Thông VT, ngày 07/7/2024, một đối tượng tự xưng là Hà Văn Tú, sử dụng số điện thoại 0362839503 đã liên hệ đặt hàng 200 tấm pano tuyên truyền về phòng chống ma túy cho một Học viện tại Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội.
Đối tượng lừa đảo sử dụng sim "rác" để trao đổi đặt hàng làm pano tuyên tuyền phòng chống ma túy. Ảnh chụp mình hành sau khi đối tượng xóa kết bạn. Ảnh NVCC
Ban đầu, đối tượng này câu giờ trong hai ngày trước khi đồng ý đặt hàng với giá hơn 80 triệu đồng. Để tạo lòng tin, kẻ lừa đảo đã gửi định vị nơi làm việc và liên tục nhắn tin qua Zalo thúc giục việc cung cấp tài khoản để chuyển tiền tạm ứng. Tuy nhiên, đáng chú ý là đối tượng không đề cập đến việc ký hợp đồng dù đã được công ty của anh P.V.A đề nghị nhiều lần.
Tiếp đó, đối tượng Tú tiếp tục nhắn tin qua Zalo, nói rằng Học viện đang cần đặt gấp 50 chiếc giường tầng để đón đoàn thanh tra về cơ sở vật chất vào ngày 10/7/2024. Yêu cầu giao hàng và lắp đặt trong đêm 09/7, đối tượng nhờ anh P.V.A tìm cơ sở bán giường tầng trong khu vực.
Hình ảnh giường tầng sắt đối tượng cung cấp cho người mua hàng hộ. Ảnh: NVCC
Khi anh P.V.A không tìm được nơi bán, đối tượng đã cung cấp số điện thoại của một "nơi bán giường tầng" và đề nghị anh P.V.A đặt mua giúp, kèm theo lời hứa chia đôi lợi nhuận nếu mua được giá thấp hơn. Đáng chú ý, trong suốt quá trình trao đổi, đối tượng không hề quan tâm đến chất lượng hàng hóa và không cung cấp được mã sản phẩm, mặc dù trước đó cho biết đã từng mua mặt hàng này.
Để tạo lòng tin, kẻ lừa đảo đã gửi hình ảnh chụp màn hình giao dịch chuyển khoản 153 triệu đồng tiền cọc vào tài khoản của anh P.V.A. Tuy nhiên, sau hơn 1 giờ đồng hồ, số tiền này vẫn chưa xuất hiện trong tài khoản. Khi anh P.V.A gọi video call, đối tượng không nhận mà chỉ nhắn tin giải thích rằng có thể do hệ thống ngân hàng bị lỗi nên tiền chậm chuyển tới.
Trong khi chờ đợi, anh P.V.A đã liên hệ với "nơi bán giường tầng" do đối tượng cung cấp. Người tự xưng là Đức Mạnh, số điện thoại 0366860580, đã báo giá 4.2 triệu đồng/chiếc, giảm còn 2.65 triệu đồng/chiếc khi mua số lượng 50 chiếc. Đối tượng này cung cấp địa chỉ tại Cảng Đình Vũ, Hải Phòng và cam kết giao hàng, lắp đặt xong trong đêm 09/7.
Khi tìm kiếm thông tin trên internet, anh P.V.A phát hiện thông tin trên báo giá trùng khớp với Công ty TNHH cơ khí Lộc Thịnh Phát 68, có trụ sở chính tại TP.HCM. Sau khi liên hệ theo số điện thoại 0399558515 ghi trên ĐKKD, một người đàn ông xưng tên Thịnh xác nhận có kho hàng tại Hải Phòng và cung cấp số điện thoại 0366860580 của người phụ trách kho hàng tên Mạnh. Đối tượng này còn gửi số tài khoản công ty kèm lời nhắn “chỉ được giao dịch qua công ty, không giao dịch cá nhân”.
Số điện thoại của người mang tên Nguyễn Văn Thịnh trong ĐKKD của Công ty TNHH cơ khí Lộc Thịnh Phát 68 trao đổi thông tin với anh P.V.A. Ảnh: NVCC
Qua trao đổi, nhận thấy nhiều điểm bất thường, anh P.V.A yêu cầu Mạnh gọi video call hoặc quay phim, chụp ảnh có hiển thị vị trí, nhưng bị từ chối với lý do điện thoại “cùi bắp”. Trong khi đó, đối tượng liên tục thúc giục chuyển tiền tạm ứng và gửi hình ảnh hàng đang được bốc lên xe.
Nghi ngờ đây là một nhóm đối tượng cấu kết để lừa đảo, anh P.V.A thông báo sẽ trực tiếp xuống Hải Phòng để mua hàng. Ngay lập tức, các đối tượng đã lộ rõ bản chất bằng cách thu hồi toàn bộ tin nhắn, xóa bạn trên Zalo và khóa tài khoản.
Đăng ký kinh doanh đối tượng Hà Văn Tú cung cấp khi nhờ mua hàng hộ. Anh P.V.A nghi ngờ ĐKKD này cũng được các đối tượng làm giả. Ảnh: NVCC
Chia sẻ về vụ việc, anh P.V.A lưu ý người dân và doanh nghiệp cần nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo tinh vi như trên. Khi giao dịch trên không gian mạng, cần kiểm tra kỹ thông tin trực tiếp với đơn vị bán hàng và không vì lợi nhuận hấp dẫn mà mất đi sự tỉnh táo. Anh cũng đề nghị cơ quan chức năng điều tra thông tin về Công ty TNHH cơ khí Lộc Thịnh Phát 68 để ngăn chặn và răn đe các đối tượng lợi dụng chính sách mở cửa của Nhà nước trong các hoạt động kinh tế thị trường.
Đây được xem là chiêu thức lừa đảo mới nhắm vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cửa hàng. Đối tượng thường sử dụng nhiều trang mạng và số điện thoại khác nhau để thúc giục, gây áp lực thời gian, thao túng tâm lý khiến nạn nhân hành động theo kịch bản của chúng.
Để phòng tránh, người dân và doanh nghiệp cần bình tĩnh nhận diện các chiêu thức lừa đảo công nghệ cao, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP cho bất kỳ ai. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để xử lý kịp thời.
Vụ việc này là một lời cảnh tỉnh cho cộng đồng về sự tinh vi ngày càng tăng của tội phạm mạng. Việc chia sẻ thông tin cảnh báo rộng rãi sẽ góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn loại tội phạm này, bảo vệ an toàn cho người dân và doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh trực tuyến.