Đại học RMIT Việt Nam tổ chức chương trình cộng đồng thực hành thường niên
40 giảng viên và cán bộ quản lý từ các trường đại học trong nước vừa kết thúc loạt hoạt động của Cộng đồng thực hành thường niên do Đại học RMIT Việt Nam khởi xướng. Tại đây, các thầy cô đã bày tỏ những vướng mắc cũng như mong muốn liên quan đến kiến thức chuyển đổi số, công nghệ và đổi mới mang tính ứng dụng, và cơ hội giao lưu kết nối.
Giám đốc phụ trách sinh viên của RMIT Việt Nam, Phó giáo sư Seng Kiat Kok ghi nhận rằng, “tất cả chúng ta đều đang đi trên những hành trình chuyển đổi số khác nhau, nhưng chúng ta đều biết chuyển đổi số đang thực sự diễn ra”.
Giảng viên và người làm công tác quản lý từ các trường đại học trong nước được trải nghiệm các công cụ số khác nhau mà các thầy cô có thể ứng dụng tại trường của mình.
Ông hy vọng qua các phiên thảo luận và chia sẻ cách làm tốt nhất, thành viên của Cộng đồng thực hành có thể tìm ra hướng áp dụng các công nghệ học tập giúp họ trên hành trình của riêng mình, nhằm phục vụ không chỉ cho giới học thuật mà còn cho các ngành nghề cũng như thế hệ tương lai.
Qua các buổi hội thảo, người tham dự có dịp nghe lãnh đạo các khoa thuộc Đại học RMIT Việt Nam chia sẻ câu chuyện thành công khi áp dụng phương pháp sư phạm đặc trưng của trường – active (chủ động), applied (ứng dụng) và authentic (chân thật).
Phương pháp sư phạm 3A của trường cùng Kế hoạch giáo dục đến năm 2025 “Học tập qua cuộc sống và công việc” được xây dựng với mục tiêu thu hút sinh viên tích cực tham gia các hoạt động học tập dựa trên thử nghiệm và giải quyết vấn đề.
Cách làm này giúp sinh viên phát triển các kỹ năng thiết yếu cho công việc và cuộc sống, thông qua nghiên cứu và học tập hợp tác với doanh nghiệp, tận dụng những công nghệ tương lai. Từng khoa áp dụng phương pháp này theo cách riêng nhằm điều chỉnh trải nghiệm học tập phù hợp với đặc thù riêng của các môn học cũng như với nơi làm việc trong tương lai.
Giám đốc phụ trách sinh viên Đại học RMIT Việt Nam, Phó giáo sư Seng Kiat Kok (trái) tham gia một hoạt động cùng các thầy cô tham dự chương trình.
Các thầy cô tham dự Cộng đồng thực hành còn được thử nghiệm và tìm hiểu nhiều hướng tiếp cận đổi mới khác nhau trong khi tự xây dựng bản kế hoạch chuyển đổi số cho đơn vị mình trong ba đến năm năm tới.
Giám đốc Học vụ và hỗ trợ sinh viên RMIT, ông Glen O’Grady nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo học thuật qua tập huấn nội bộ nhằm tiếp thêm động lực cho các thầy cô.
Phòng thiết kế học tập của RMIT Việt Nam đã giới thiệu với các thầy cô những nguyên tắc thiết kế phương pháp học tập đa hình thức và kỹ thuật số, và cách thức áp dụng các nguyên tắc này vào xây dựng những mô hình học tập kỹ thuật số ý nghĩa và thu hút. Nhóm còn chia sẻ các chuỗi thiết kế học tập nhằm kết nối những hoạt động trước, trong và sau giờ học, cũng như cách sử dụng các công cụ và nền tảng số để tạo ra các hoạt động tương tác.
Bên cạnh đó, các thầy cô còn có cơ hội nghe về một số sáng kiến hỗ trợ sinh viên, bao gồm ví dụ điển hình từ đánh giá dựa theo hoạt động thực tế trong một môn học tại Khoa Kinh doanh, cũng như những công cụ số đang nổi mà các thầy cô và đội ngũ quản lý có thể đưa vào công tác giảng dạy và học tập đa nền tảng.
Dùng các công cụ và ví dụ thực tế, như Mentimeter, Padlet và AI, các thầy cô được thỏa sức thử nghiệm những hướng phát triển môi trường và nền tảng số cho trường của mình. Các phiên chia sẻ mang lại cho các thầy cô cái nhìn toàn diện về chuyển đổi số mà nhiều người trong số họ có thể chưa có cơ hội được trải nghiệm ở môi trường trong nước. Đây còn là cơ sở tốt cho những kế hoạch hành động chuyển đổi số mà các trường dự kiến hoặc đang xây dựng, cũng như mục tiêu chiến lược cho tương lai.
Đại biểu từ Đại học Thái Bình Dương (tỉnh Khánh Hòa), ông Trần Minh Sơn cảm kích với kinh nghiệm thực tế, cùng nhiều công cụ khác nhau và hiểu biết vô giá mà ông có được từ Cộng đồng thực hành.
“Các chủ đề chia sẻ trong Cộng đồng thực hành lần này diễn ra đúng thời điểm, giải đáp thắc mắc cho những ai đang trăn trở về chuyển đổi số trong giáo dục đại học như chúng tôi”, ông Sơn nói.
Các thầy cô khác đồng tình rằng chặng đường phía trước vẫn còn dài nhưng việc được tiếp xúc với các bài học thực tế, được khám phá và hiểu thêm về quy trình là một điều tốt.
Phó giáo sư Kok nhấn mạnh rằng có những thắc mắc không thể giải đáp ngay bây giờ. Ông nhắc đồng nghiệp từ các trường bạn hãy lập bản đồ DNA của đơn vị mình “để xác định rõ bạn muốn trở thành gì chứ không chỉ thay đổi để thay đổi mà thôi”.
Các thầy cô từ các trường đại học khác nhau ở Việt Nam tham gia Cộng đồng thực hành do Đại học RMIT Việt Nam khởi xướng.
“Phương pháp sư phạm đặc trưng và DNA là kim chỉ nam để RMIT phát triển các chương trình cấp tiến hoặc thử các phương pháp sư phạm mới”, Phó giáo sư Kok cho biết.
Ông kêu gọi các đại biểu hãy đặt con người làm trọng tâm trong bất kỳ kế hoạch nào mà họ dự tính thực hiện vì công nghệ chỉ làm một phần của chuyển đổi số, chính con người mới thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thay đổi.
“Chuyển đổi số là một hành trình và bạn cần đưa mọi người đi cùng trên chuyến phiêu lưu này, giống như những gì chúng ta đang làm cùng nhau hiện nay – chung tay thúc đẩy hợp tác qua Cộng đồng thực hành”, ông kết lời.
Từ năm 2020, Đại học RMIT đã cho ra mắt và chủ trì hoạt động của Cộng đồng thực hành với sự tham dự của nhiều trường đại học ở Việt Nam, nhằm thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy và học tập trong thời đại kỹ thuật số.
Năm nay đánh dấu năm thứ tư nhà trường tổ chức chuỗi hội thảo thường niên về chuyển đổi số, phản ánh chiến lược “Biến tri thức thành hành động” của nhà trường và củng cố vai trò đầu tàu trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến. Sáng kiến sẽ tiếp tục mở rộng, dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian tới.