Đấu giá lại tần số 3800-3900 MHz cho 5G: Mobifone có 'quyết đấu'?
Theo thông báo, cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần Tần số 3800-3900 MHz do Cục Tần số vô tuyến điện phối hợp tổ chức lúc 14h00 ngày 9/7/2024, tại Hội trường tầng 10 Cục Tần số vô tuyến điện (Hà Nội). Tài sản đấu giá do Bộ Thông tin và Truyền thông ủy quyền. Doanh nghiệp trúng đấu giá được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm.
Giá khởi điểm quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 3800-3900 MHz là hơn 2.580 tỷ đồng. Tiền đặt trước là 130 tỷ đồng, bước giá là 25 tỷ đồng.
Cuộc đấu giá được tổ chức bằng bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng tại cuộc đấu giá và theo phương thức trả giá lên. Việc bỏ phiếu trả giá được tiến hành nhiều vòng cho đến khi không còn doanh nghiệp trả giá thì doanh nghiệp cuối cùng có mức giá trả cao nhất là doanh nghiệp trúng đấu giá.
Trước đó, Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 Quốc gia thông báo hủy cuộc đấu giá băng tần C3 (3800-3900 MHz) cho mạng 5G. Lý do không đủ doanh nghiệp đáp ứng điều kiện tham gia, cụ thể là nộp tiền đặt cọc. Số lượng ứng viên hợp lệ thấp hơn mức tối thiểu quy định, buộc ban tổ chức phải hoãn phiên đấu giá dự kiến.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao giấy phép cho 2 nhà mạng Viettel và VNPT. Ảnh: VNPT
Bộ TT&TT quy định, các doanh nghiệp đã trúng đấu giá băng tần B1 (2.500-2.600 MHz dành cho 4G, 5G) và khối băng tần C2 (3.700-3.800 MHz dành cho 5G) không được tham gia đấu giá khối băng tần C3. Như vậy Viettel, VNPT không được tham gia đấu giá băng tần này. Cơ hội chỉ dành cho các nhà mạng còn lại đang hoạt động dịch vụ di động tại Việt Nam: MobiFone, Vietnamobile, Gmobile...
Ưu điểm băng tần 3800-3900 MHz cho 5G
Băng tần 3800-3900 MHz mang đến nhiều lợi thế đáng kể cho công nghệ 5G.
Đầu tiên, Băng tần 3800-3900 MHz cung cấp tốc độ truyền dữ liệu nhanh nhất trong 3 khối băng tần mà Bộ TT&TT đã thực hiện đấu giá, băng tần này đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về băng thông lớn trong kỷ nguyên số. Độ trễ cực thấp của băng tần 3800-3900 MHz tạo điều kiện thuận lợi cho các ứng dụng thời gian thực như thực tế ảo (AR), thực tế tăng cường (VR) và Internet vạn vật (IoT) trong công nghiệp.
Đặc biệt, khả năng hỗ trợ số lượng lớn kết nối đồng thời giúp băng tần này trở nên lý tưởng cho các khu vực đô thị đông đúc, trung tâm thương mại hay sân vận động. Những ưu điểm này khiến băng tần 3800-3900 MHz trở thành lựa chọn hàng đầu cho việc triển khai các dịch vụ 5G hiệu suất cao, mở ra cơ hội cho nhiều ứng dụng và mô hình kinh doanh sáng tạo trong tương lai.
Nhược điểm băng tần 3800-3900 MHz cho 5G
Băng tần 3800-3900 MHz cũng đối mặt với một số hạn chế đáng kể. Thứ nhất, phạm vi phủ sóng của băng tần 3800-3900 MHz khá hạn chế, hẹp nhất trong 3 khối băng tần mà Bộ TT&TT đã thực hiện đấu giá. Với băng tần này, đòi hỏi Nhà mạng phải triển khai nhiều trạm phát (BTS) hơn để đảm bảo độ phủ rộng, đặc biệt là ở các khu vực địa lý lớn như khu vực nông thôn.
Điều này dẫn đến chi phí triển khai cao. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng dày đặc có thể tạo ra gánh nặng tài chính cho các nhà mạng, khiến các nhà mạng đánh giá hiệu quả đầu tư với băng tần này.
Cuối cùng, khả năng xuyên nhiễu qua vật cản của băng tần này không mạnh, gây khó khăn trong việc truyền tín hiệu qua tường dày hoặc các cấu trúc phức tạp, có thể ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ trong nhà hoặc ở các khu vực đô thị đông đúc.
Đây chính là những hạn chế có thể làm giảm sự hấp dẫn của băng tần đối với một số nhà mạng, đặc biệt là trong giai đoạn đầu triển khai 5G.
Nhà mạng lựa chọn hướng đi khác đầu tư 5G và khai thác tối đa 4G hiệu quả hơn?
Hiện nay, nhu cầu sử dụng data di động tại Việt Nam không ngừng tăng cao, khiến các nhà mạng phải cạnh tranh, đổi mới để mang lại trải nghiệm 4G tốt nhất. Theo Cục Viễn Thông, số lượng thuê bao data di động tại Việt Nam 12/2023 đạt hơn 87 triệu thuê bao. Trước khi mạng 5G phổ cập tới người dân, các nhà mạng đang khẩn trương khai thác tối đa công nghệ 4G hiện có và tăng tốc thương mại hóa 5G.
MobiFone thử nghiệm 5G tại 17 tỉnh thành phố trên toàn quốc. Ảnh MobiFone
Theo dự báo của GSMA, đến năm 2030 tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, số lượng kết nối di động 4G vẫn chiếm 55% tổng số kết nối di động.
Được biết, Bộ TT&TT quy hoạch các băng tần 700 MHz, băng tần 2300-2400 MHz triển khai 4G/5G tại Việt Nam. Dự kiến, việc đấu giá các băng tần sẽ được thực hiện trong năm nay.
Băng tần dưới 1000 MHz nói chung và băng tần 700 MHz nói riêng có giá trị sử dụng cao đối với thông tin di động do có khả năng truyền sóng tốt, mang lại hiệu quả đầu tư cao. Các băng tần này có thể được sử dụng để cung cấp vùng phủ rộng tại khu vực nông thôn, ngoại ô và có khả năng phủ sóng sâu trong nhà tại các khu vực đô thị lớn, có mật độ cao về dân cư và công trình xây dựng. Băng tần 700 MHz có vai trò quan trọng để triển khai mở rộng các mạng 4G và làm nền tảng triển khai các mạng 5G trong tương lai gần, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn, miền núi.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị di động (GSA) tháng 6/2022, trên thế giới có 205 nhà mạng đã đầu tư xây dựng mạng LTE trong băng tần 700 MHz, trong đó có 165 nhà mạng đầu tư theo quy hoạch APT 700 MHz (band 28) với 153 nhà mạng đã được cấp phép băng tần và 74 nhà mạng trong số đó đã triển khai 4G LTE hoặc 5G thương mại. Số nhà mạng triển khai theo phương án quy hoạch US 700 MHz ít hơn, với 98 nhà mạng.
Băng tần 700 MHz có giá trị thương mại cao đối với thông tin di động vì có ưu điểm lớn về khả năng phủ sóng, đâm xuyên tốt, mang hiệu quả đầu từ cao.Trong bối cảnh quỹ tần số dưới 1 GHz cho thông tin di động là hữu hạn, băng tần 900 MHz đã được cấp phép hết và còn được sử dụng cho hệ thống 2G và 3G, các doanh nghiệp viễn thông xem băng tần 700 MHz như là một giải pháp quan trọng, hiệu quả khi triển khai công nghệ 4G để mở rộng vùng phủ, triển khai các mạng IoT. Do vậy, nhu cầu sử dụng băng tần 700 MHz cho thông tin di động là rất lớn.
Có thể nói, Băng tần 700 MHz có thể được coi là lựa chọn tốt hơn cho việc triển khai 5G đặc biệt ở các nước đang phát triển hoặc có địa hình đa dạng. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tiềm năng của 5G, việc kết hợp cả hai băng tần sẽ mang lại hiệu quả tối ưu.
Trong cuộc đua 5G tại Việt Nam, MobiFone có lẽ là ứng viên sáng nhất cho băng tần này. Nhà mạng Viettel và VNPT lần lượt nắm giữ quyền sử dụng các băng tần 2500-2600 MHz (hỗ trợ cả 4G và 5G) và 3700-3800 MHz cho 5G, trong khi Vietnamobile tỏ ra “thờ ơ” với cuộc đua 5G.
MobiFone đã tiến hành thử nghiệm 5G tại nhiều địa bàn trên cả nước, bao gồm các thành phố lớn, các điểm du lịch hay các khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp... Quá trình thử nghiệm đã cung cấp những cơ sở dữ liệu ban đầu để nhà mạng đánh giá và xây dựng các phương án mở rộng mạng lưới trong tương lai.
Đâu là tần số để MobiFone thương mại hóa 5G cạnh tranh với các nhà mạng khác, chúng ta cùng chờ xem.