Trên thế giới, khái niệm chuyển đổi kỹ thuật số hay chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ở Việt Nam, khái niệm này ngày càng trở nên phổ biến đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia vào ngày 03/6/2020.
Công dân số là gì?
Công dân kỹ thuật số (công dân số) là một thuật ngữ được quan tâm và phát triển trong cộng đồng học thuật cũng như trong các chương trình giáo dục.
NetSafe định nghĩa công dân kỹ thuật số: là người sử dụng CNTT-TT tự tin và có khả năng sử dụng công nghệ để tham gia vào các hoạt động giáo dục, văn hóa và kinh tế, sử dụng và phát triển các kỹ năng tư duy phản biện trong không gian mạng, hiểu về ngôn ngữ, ký hiệu và văn bản của công nghệ kỹ thuật số, nhận thức được những thách thức về CNTT-TT và có thể quản lý chúng một cách hiệu quả, sử dụng CNTT để liên hệ với những người khác theo những cách tích cực, có ý nghĩa, thể hiện sự trung thực và chính trực và hành vi đạo đức trong việc sử dụng CNTT của họ, tôn trọng các khái niệm về quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận trong thế giới kỹ thuật số, đóng góp và tích cực thúc đẩy các giá trị của công dân số13.
Theo Hội đồng châu Âu “Kỹ năng công dân số (KNCDS) xác định cách chúng ta hành động và tương tác trực tuyến; bao gồm các giá trị, thái độ, kỹ năng, kiến thức và hiểu biết quan trọng cần thiết để điều hướng một cách có trách nhiệm trong thế giới kỹ thuật số không ngừng phát triển và định hình công nghệ để đáp ứng nhu cầu của chính chúng ta thay vì bị nó định hình”.
Giáo dục kỹ năng công dân số là một chủ đề được nhiều nước quan tâm trong những năm gần đây. Chương trình Giáo dục Công dân Kỹ thuật số (DCE) của Hội đồng Châu Âu được thiết kế với mục tiêu cung cấp cho các công dân trẻ cơ hội sáng tạo để phát triển các giá trị, thái độ, kỹ năng và kiến thức cần thiết để mọi công dân tham gia đầy đủ và đảm nhận trách nhiệm của họ trong xã hội.
Danh tính số là gì?
Sổ tay giáo dục công dân kỹ thuật số của Hội đồng Châu Âu cung cấp thông tin, công cụ và thực tiễn tốt để hỗ trợ phát triển các năng lực này phù hợp với sứ mệnh nhằm trao quyền và bảo vệ trẻ em, giúp chúng có thể chung sống bình đẳng trong các xã hội dân chủ đa dạng về văn hóa ngày nay, cả trực tuyến và ngoại tuyến.
Danh tính số theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Danh tính số là tập hợp thông tin số cho phép xác định duy nhất một cá nhân hoặc tổ chức trong các giao dịch điện tử trên môi trường mạng. Danh tính số ánh xạ một cá nhân hoặc một tổ chức trên môi trường mạng tới duy nhất một cá nhân hoặc một tổ chức trong xã hội thực.
Theo Khung năng lực số dành cho học sinh phổ thông (Đề tài nghiên cứu của Bộ GDĐT, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phối hợp với UNICEF - 2022), danh tính số là tổng hợp thông tin về một cá nhân trên môi trường số hóa, được lưu trữ và xác thực trên các hệ thống và thiết bị điện tử. Danh tính số cá nhân bao gồm các thông tin như: họ và tên, ngày sinh, giới tính, tính cách, sở thích, tín ngưỡng, quan điểm chính trị, số điện thoại, địa chỉ nhà, địa chỉ email....
Dấu chân số
Dấu chân số Trong thời đại bùng nổ Internet ngày nay, hầu hết mọi người sử dụng các công cụ tìm kiếm, các trang truyền thông xã hội và trình duyệt web để tìm hiểu về con người và thế giới xung quanh họ. Cho dù chúng ta đang sử dụng thiết bị di động hay máy tính để bàn, máy tính xách tay, mọi hành động chúng ta thực hiện trực tuyến đều để lại dấu vết kỹ thuật số có thể theo dõi.
Theo từ điển Oxford (2021), Dấu chân số (digital footprint) là thông tin về một người cụ thể tồn tại trên Internet do các hoạt động trực tuyến của họ. Thuật ngữ “dấu chân số” được Công ty an ninh mạng đa quốc gia Kaspersky định nghĩa là: “…dấu vết dữ liệu bạn để lại khi sử dụng Internet.”
Dấu chân đôi khi được gọi là "bóng kỹ thuật số" (shadow). Dấu vết dữ liệu này có thể là cố ý, chẳng hạn như đăng nhận xét trên nền tảng truyền thông xã hội hoặc xuất bản blog. Tuy nhiên, bất kỳ hoạt động nào bạn thực hiện trên web đều để lại dấu vết dữ liệu, cho dù người dùng có chủ ý hay không.
Theo Khung năng lực số dành cho học sinh phổ thông (Đề tài nghiên cứu của Bộ GDĐT, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phối hợp với UNICEF - 2022), dấu chân số là thông tin hoặc dấu vết dữ liệu mà một cá nhân tạo ra từ hoạt động trực tuyến của họ như từ các trang web mà người đó đã truy cập, các email đã gửi, các dịch vụ trực tuyến đã sử dụng, các hoạt động đã thực hiện trên mạng xã hội; tập hợp dấu chân số sẽ tạo nên danh tính số và dấu chân số tồn tại vĩnh viễn, ngay cả khi một số thông tin hoặc hoạt động đã bị xóa.
Giáo dục kỹ năng công dân số tại Việt Nam thực sự rất cần thiết cho thời đại mới vì nhiều lý do:
Thế giới ngày càng số hóa, việc trang bị kỹ năng công dân số giúp người Việt Nam hòa nhập và cạnh tranh với cộng đồng quốc tế. Kỹ năng này bao gồm hiểu biết về an toàn thông tin, giúp mọi người bảo vệ thông tin cá nhân và tránh các rủi ro liên quan đến an ninh mạng. Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế số, do đó kỹ năng công dân số sẽ giúp người lao động và doanh nghiệp tận dụng các công nghệ số để nâng cao hiệu quả công việc và kinh doanh.
Ngoài kỹ thuật số, kỹ năng công dân số còn bao gồm các kỹ năng mềm như tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề và làm việc nhóm trực tuyến. Kỹ năng số cũng giúp người dân tiếp cận và sử dụng các công cụ số để phát triển ý tưởng, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Với khả năng tiếp cận thông tin và tài nguyên học tập trên mạng, kỹ năng công dân số giúp mọi người học tập liên tục và nâng cao trình độ một cách hiệu quả.
Giáo dục kỹ năng số góp phần xây dựng cộng đồng trực tuyến an toàn, lành mạnh, ý thức sử dụng và chia sẻ thông tin trách nhiệm. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển bền vững.
Các bước cần thiết để phát triển giáo dục kỹ năng công dân số tại Việt Nam:
Để phát triển kỹ năng công dân số, cần tích hợp nội dung này vào chương trình giáo dục từ tiểu học đến đại học. Đồng thời, cần có chương trình đào tạo giáo viên để họ có đủ kỹ năng và kiến thức dạy kỹ năng công dân số cho học sinh. Việc cung cấp tài liệu học tập, bài giảng và các công cụ học tập trực tuyến cũng rất quan trọng để hỗ trợ việc giảng dạy và học tập.
Ngoài việc tích hợp vào hệ thống giáo dục, cần khuyến khích học tập suốt đời bằng cách tạo điều kiện để mọi người có thể học tập và nâng cao kỹ năng số thông qua các khóa học trực tuyến, hội thảo và các chương trình đào tạo ngắn hạn. Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật số, đảm bảo mọi người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa, có thể tiếp cận internet và công nghệ số cũng rất cần thiết.
Song song đó, cần tổ chức các chiến dịch tuyên truyền để nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng của kỹ năng công dân số, qua đó thúc đẩy mọi người tích cực học tập và nâng cao kỹ năng này. Những bước này sẽ giúp Việt Nam chuẩn bị tốt hơn cho tương lai, đảm bảo người dân có thể tham gia và đóng góp tích cực vào nền kinh tế và xã hội số.