Hà Giang và Tập đoàn VNPT ký kết hợp tác giai đoạn mới 2023 – 2025
Được biết, trước đó vào năm 2014, UBND tỉnh Hà Giang và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ký thỏa thuận hợp tác về Viễn thông - Công nghệ thông tin (VT-CNTT) với mục tiêu phát triển CNTT làm phương tiện để phát triển Kinh tế -Xã hội (KTXH).
Sau 8 năm hợp tác, Tập đoàn VNPT đã nỗ lực không ngừng mang những giải pháp công nghệ hàng đầu, cùng trang thiết bị hiện đại và kinh nghiệm của mình để góp phần xây dựng Hà Giang thành Tỉnh có cơ sở hạ tầng VT-CNTT phát triển rộng khắp, ổn định. Đây cũng là tỉnh tiên phong ứng dụng công nghệ vào phát triển KTXH và an ninh quốc phòng. Tính đến nay VNPT đã đầu tư hạ tầng mạng di động, băng thông rộng, cáp quang, cung cấp dịch vụ hạ tầng điện toán đám mây… phù hợp với sự phát triển và xu hướng ứng dụng công nghệ. Đồng thời đảm bảo an toàn thông tin, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu thông tin liên lạc của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, cũng như yêu cầu triển khai Chính quyền điện tử của tỉnh.
Đến thời điểm này, Hà Giang đã ứng dụng mạnh mẽ các ứng dụng số, các giải pháp CNTT vào nhiều lĩnh vực của đời sống KTXH. Trong đó đáng chú ý là Xây dựng chính quyền số, sản phẩm phần mềm Quản lý Văn bản điều hành VNPT iOffice đã được triển khai đến 100% cơ quan trên địa bàn tỉnh; Hoàn thành triển khai kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng đến 100% cơ quan quản lý nhà nước các cấp (Tỉnh/Huyện/Xã) trên địa bàn tỉnh; Hoàn thành triển khai nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu (LGSP) tỉnh kết nối liên thông với dữ liệu Quốc gia (NGSP); Cùng với đó là các giải pháp kết nối liên thông Phần mềm Một cửa điện tử - VNPT iOffice, Giải pháp định danh xác thực một lần (SSO)…
VNPT cũng đã phối hợp UBND Thành phố Hà Giang xây dựng Trung tâm Điều hành giám sát IOC - Thành phố Hà Giang, khai trương và đưa Trung tâm đi vào hoạt động từ ngày 20/06/2020 với 09 phân hệ bao gồm: Hệ thống Điều hành chỉ tiêu, sản xuất phát triển Kinh tế xã hội; Hệ thống Điều hành chỉ tiêu ngân sách; Hệ thống Giám sát Văn bản điện tử; Hệ thống Giám sát Hành chính công; Hệ thống Điều hành Y tế; Hệ thống Điều hành Giáo dục; Hệ thống Giám sát thông tin Du lịch; Hệ thống Camera An ninh và Giao thông; Hệ thống tương tác chính quyền người dân (Ứng dụng MyCity)…
Trong lĩnh vực Y tế, hiện đã có 04 bệnh viện của tỉnh sử dụng hiệu quả phần mềm Quản lý bệnh viện VNPT-HIS. Các giải pháp số trong lĩnh vực y tế đang được sử dụng rộng rãi như quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử, Y tế Cơ sở (HMIS), Trung tâm Điều hành Y tế cho Cơ quan quản lý, Cơ sở khám chữa bệnh (Bệnh viện, Trung tâm Y tế...)
Các ứng dụng số về giáo dục như Cổng thông tin, Website, phần mềm VNPTiOffice, đường truyền Internet, phần mềm QL nhà trường vnEdu, Sổ liên lạc điện tử, VNPT-CA… cũng đã và đang được triển khai cho 667 cơ sở giáo dục trên toàn Tỉnh.
Dựa trên những kết quả đạt đã được, mới đây Tập đoàn VNPT và UBND tỉnh Hà Giang đã ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2023 - 2025 nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi số mà Tỉnh đã đề ra. Trong đó, tập trung triển khai toàn diện hơn nữa các giải pháp về chính quyền số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, trong đó đồng bộ với quyết sách, nền tảng từ cấp Trung ương và thực hiện theo lộ trình phù hợp với thực tiễn tại Hà Giang.
Chia sẻ tại lễ ký kết vừa được tổ chức ngày hôm qua, 15/2/2023, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, là địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, tỉnh Hà Giang xác định lấy chuyển đổi số là cơ hội để bứt phá, vươn lên, là đòn bẩy phát triển KTXH. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trong đó đặt mục tiêu chuyển đổi số tạo ra giá trị tăng trưởng mới trong phát triển KTXH, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động của Tỉnh.
Với mục tiêu đến năm 2025, Hà Giang đạt 100% thủ tục đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 90% hồ sơ công việc được xử lý và ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trên môi trường mạng; 80% cơ sở dữ liệu được kết nối, chia sẻ dữ liệu mở, phục vụ người dân và phát triển KTXH; phát triển hạ tầng mạng băng rộng phủ trên 80% hộ gia đình; 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được thực hiện trực tuyến…
“Đây là những mục tiêu lớn, với nhiều nội dung mới, phạm vi triển khai rộng, tác động đến việc hoàn thành 3 đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Do đó, Hà Giang cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, nhiều cấp ngành, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông có uy tín như VNPT”, ông Nguyễn Văn Sơn nói.
Đại diện cho Tập đoàn VNPT, ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch HĐTV khẳng định, VNPT sẽ ưu tiên triển khai các dịch vụ, sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số, công nghệ số tiên tiến nhất trong quá trình triển khai chuyển đổi số, đảm bảo bám sát kế hoạch chuyển đổi số cũng như định hướng phát triển KTXH. VNPT sẽ luôn chung vai sát cánh để đưa Hà Giang trở thành địa phương đi đầu về chuyển đổi số, thăng hạng trong các bảng chỉ số đánh giá và phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy Hà Giang, của Đảng, của Bộ Chính trị đã đề ra.