Mua nhà ở xã hội, hai vợ chồng thu nhập 11 triệu/tháng cần bao năm?
Người lao động chỉ tiết kiệm được khoảng 2,7 triệu đồng/tháng với mức thu nhập dưới 11 triệu đồng - Nguồn: Ban IV
Theo quy định, người mua nhà ở xã hội phải đóng 20% giá trị nhà lần đầu, sau đó đóng phần còn lại theo định kỳ thỏa thuận, tính từ thời điểm nhận nhà; và thời hạn tối thiểu để thuê mua nhà ở xã hội là 5 năm, tính từ ngày bàn giao nhà cho bên thuê.
Giá nhà ở xã hội theo dự án được phê duyệt là 19.523.116 đồng/m2 (đã bao gồm VAT và không bao gồm chi phí bảo trì), với chi phí bảo trì là 371.869 đồng/m2. Vì vậy, một căn hộ khoảng 70 m2 sẽ có tổng số tiền khoảng 1,36 tỷ đồng, và người lao động phải thanh toán ít nhất 273 triệu đồng.
Ban IV tính toán rằng người lao động có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng chỉ có khả năng tiết kiệm trung bình khoảng 2,7 triệu đồng/tháng. Do đó, họ sẽ phải mất tới 7 năm để tích luỹ đủ tiền cho khoản đóng góp ban đầu (hoặc 3-4 năm nếu cặp vợ chồng đều có thu nhập dưới 11 triệu đồng và đóng góp cùng nhau), điều này khiến việc tiếp cận nhà ở xã hội trở nên khó khăn.
Ngoài ra, người lao động đã gặp nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị hồ sơ và giấy tờ cần thiết để mua nhà ở xã hội hoặc để vay vốn ưu đãi.
Mức lãi suất ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội cần ổn định dưới 8% trong ít nhất 10 năm. Tính toán của các chuyên gia cho thấy mức lãi suất 8,2%/năm đang được áp dụng là quá cao đối với khả năng tài chính của người có thu nhập trung bình ở các khu vực đô thị, gây ra rủi ro không thể đáp ứng được mục tiêu của các dự án nhà ở xã hội.
Ban IV đề xuất rằng "Mức lãi suất ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội cần phải được giữ ổn định dưới 8% trong ít nhất 10 năm để phù hợp với đa số người lao động có thu nhập không cao, đủ để tham gia mua nhà ở xã hội..."
Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu muốn thực hiện được mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội, các cấp, chính quyền phải vào cuộc, nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp cùng làm, đặt mình vào địa vị của người khác, "trong tôi có anh, trong anh có tôi", đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động.
Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc dầu tư hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025 (Hà Nội 3 dự án, 1.700 căn đáp ứng 9%; TP HCM 7 dự án, 4.996 căn đáp ứng 19%; Đà Nẵng 5 dự án, 2.750 căn đáp ứng 43%...). Một số địa phương không có dự án nhà xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay là Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu…
Có thể bạn quan tâm


Xác thực điện tử qua VNeID: Đơn giản hóa thủ tục, tăng cường bảo mật
Phần mềm - Ứng dụng
Nhà sản xuất Baby Three cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam và đổi trả sản phẩm từ 30/3
Cuộc sống số
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Định
Cuộc sống số