Sau thời gian "nóng" điều tra ngành đăng kiểm vừa qua, Hà Nội chỉ còn 10 trung tâm đăng kiểm với năng lực kiểm định được hơn 1 nghìn xe mỗi ngày chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu nên người dân Thủ đô cần phải sớm mang phương tiện đi kiểm định để đảm bảo lưu hành theo quy định của pháp luật.
Theo cập nhật từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến ngày 4/3, tại Hà Nội chỉ còn 10/31 trung tâm đăng kiểm với 19 dây chuyền còn hoạt động. Chiều 3/3 đã có thêm một trung tâm đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động là trung tâm đăng kiểm 29-30D ở Yên Nghĩa, Hà Đông.
Vì vậy với 10 trung tâm đăng kiểm còn hoạt động, người dân Thủ đô đang phải xếp hàng dài từ tối hôm trước ở phía trước các trung tâm đăng kiểm để chờ đến hôm sau.
Với 10 trung tâm đăng kiểm hoạt động thì tình trạng kẹt xe sẽ còn tiếp diễn dài.
Theo tính toán Cục Đăng kiểm Việt Nam, mỗi dây chuyền kiểm định năng suất đạt khoảng 60 xe/ngày. Như vậy, với số dây chuyền hiện có, mỗi ngày Hà Nội chỉ kiểm định được 1.140 xe, một tháng kiểm định được 30.780 xe (đã trừ đi các ngày chủ nhật, trung tâm đăng kiểm nghỉ). Trong khi đó, số xe đến hạn kiểm định trong tháng này tại Hà Nội là 75.682 xe, chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của người dân.
Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục khuyến cáo, người dân ở Hà Nội chủ động đưa xe sang các trung tâm đăng kiểm ở các tỉnh lân cận để thực hiện kiểm định xe, tránh phải chờ lâu, ùn tắc ở Hà Nội.
Ngoài ra việc chủ động bảo dưỡng xe, tra cứu và nộp phạt nguội trước khi đi kiểm định xe cũng được khuyến cáo để người dân thực hiện, giúp giảm thời gian làm các thủ tục đăng kiểm cũng như tránh bị những hạng mục không đạt phải đưa xe đi sửa chữa và quay lại trong khi đã vất vả xếp hàng từ trước.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc ùn tắc, quá tải đăng kiểm diễn ra trong tháng 3/2023 là điều Cục Đăng kiểm Việt Nam đã dự đoán từ trước khi theo chu kỳ kiểm định, nhu cầu đăng kiểm của người dân sẽ tăng cao trở lại trong khi nhân sự đăng kiểm viên đang thiếu hụt nghiêm trọng và hàng loạt các trung tâm đăng kiểm đã đóng cửa.
Để duy trì hoạt động các trạm đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, có nguy cơ phải tạm dừng hoạt động trong sáng 4/3 do thiếu nhân sự, được biết, đơn vị này đã nỗ lực vận động các đăng kiểm viên đã nghỉ việc quay trở lại phục vụ người dân.
Nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân Thủ đô là rất lớn.
Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ về việc cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam được ký hợp đồng lao động tại các đơn vị trực thuộc Cục cho đến khi tuyển dụng đủ viên chức theo quy định, nhằm tháo gỡ khó khăn khi thiếu nhân sự nghiêm trọng trong giai đoạn hiện nay.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra chiều 3/3, xung quanh vấn đề được dư luận quan tâm về vụ việc đăng kiểm, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: cơ quan công an 28 địa phương đã khởi tố 42 vụ án, khám xét 62 trung tâm đăng kiểm, 4 chi cục đăng kiểm, khởi tố 379 bị can với các tội danh môi giới hối lộ, đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác, sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng công cụ, thiết bị phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; che giấu tội phạm.
Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định: So sánh như vụ Việt Á, số bị can trong vụ này chắc chắn không dừng lại và các tỉnh đang tiếp tục làm. Với hoạt động đăng kiểm, có ba mảng chính là kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy và hoán cải phương tiện. Tuy nhiên, cơ quan công an đang tiếp tục điều tra một số hoạt động khác, ví dụ kiểm định phương tiện nội thủy cũng có "rất nhiều vấn đề".
Qua xác minh ban đầu, các cán bộ của Cục Đăng kiểm và Trung tâm đăng kiểm nhận hối lộ để bỏ qua lỗi. Chẳng hạn, lỗi không đưa phương tiện thủy lên kiểm tra, không kiểm tra máy chạy thử phương tiện, phương tiện không có đèn tín hiệu, thiếu thiết bị an toàn… nhưng vẫn lập báo cáo kiểm định an toàn, đạt yêu cầu và cấp giấy chứng nhận an toàn và bảo vệ môi trường.
Thêm nữa, việc việc hoán cải phương tiện cũng có nhiều tiêu cực. Một số nhân viên phòng đăng kiểm lập công ty "sân sau", móc nối các công ty này để bỏ qua lỗi qua quá trình thẩm định; lập hồ sơ giả trong thi công, hoán cải, sau đó chỉ nộp tiền hợp thức hóa, móc nối các trung tâm đăng kiểm để cấp giấy chứng nhận.
Trước đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin đã, đang thiếu hụt nghiêm trọng nhân sự làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ tại các đơn vị đăng kiểm sau khi lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm sai phạm bị khởi tố, bắt tạm giam.
10 trung tâm đăng kiểm còn hoạt động tại Hà Nội 1. Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-03V (phường Láng Thượng, quận Đống Đa). 2. Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-17D (tổ 16, đường Nguyễn Văn Linh, phường Thạch Bàn, quận Long Biên). 3. Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-32D (số 9 đường Pháp Vân, tổ 15, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai). 4. Trung Tâm Đăng Kiểm Xe Cơ Giới 29-01V (Km 15+200 Quốc lộ 1A, Thôn Yên Phú - Xã Liên Ninh - Thanh Trì - Hà Nội). 5. Trung Tâm Đăng Kiểm Xe Cơ Giới 29-04V (Km 8, đường Võ Văn Kiệt, xã Quang Minh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội). 6. Trung Tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-08D (Lô 6, cụm CN Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội). 7. Trung Tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-11D (Địa chỉ: Km31, QL 6, Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội). 8. Trung Tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-13D (Địa chỉ: Thôn Sơn Du, Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội). 9. Trung Tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-22D (Khu đất số 10 đường 254 phố Tây Sơn, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Tp. Hà Nội). 10. Trung Tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-06V (Địa chỉ: Km 4 Đường 70, Tam Hiệp, Thanh trì, Hà Nội). |