Nông dân trước vấn nạn lừa đảo đa cấp biến tướng
Trước những diễn biến phức tạp trên không gian mạng, thời gian qua, nhiều người dân, hộ gia đình "sập bẫy" các nhóm tội phạm lừa đảo khi tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp. Đa số trong số họ đã vay mượn, cầm cố tài sản để có tiền mua sản phẩm hay các gói đầu tư, với hy vọng đổi đời, có khoản thu nhập ổn định để “an toàn tài chính”, rốt cuộc bị tán gia bại sản. Chính sự mơ hồ trong nhận thức về kinh doanh đa cấp, lòng tham, muốn giàu nhanh, thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân (nạn nhân tiềm năng) đã tạo điều kiện thuận lợi để tội phạm khai thác, lợi dụng.
Các yếu tố khiến nạn nhân "sập bẫy" lừa đảo đa cấp biến tướng
Theo nghiên cứu chỉ ra rằng, nạn nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong cơ chế phạm tội. Yếu tố lỗi của nạn nhân được được phản ánh trong cơ chế tâm lý - xã hội của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (CĐTS) bằng thủ đoạn kinh doanh theo phương thức đa cấp (KDTPTĐC) như sau:
Một là, nạn nhân thiếu thông tin, hạn chế trong nhận thức của nạn nhân: Mục tiêu mà người phạm tội lừa đảo hướng tới là những người thiếu kiến thức về kinh tế, chưa hề có khái niệm về bán hàng đa cấp (BHĐC), ít cập nhật các vấn đề mới phát sinh trong đời sống. Theo khảo sát, đa số nạn nhân của vụ Liên kết Việt cư trú tại vùng nông thôn, miền núi và các đô thị nhỏ. Những gói đầu tư được quảng cáo mang lại lợi nhuận “khủng” đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người.
Nhiều hộ gia đình vay mượn, cầm cố tài sản để có tiền mua sản phẩm hay các gói đầu tư, với hy vọng đổi đời, có khoản thu nhập ổn định để “an toàn tài chính”, rốt cuộc bị tán gia bại sản. Người dân chưa được biết và hưởng lợi từ hình thức kinh doanh này là bao, nhưng những hệ lụy từ kinh doanh đa cấp (KDĐC) lừa đảo đã đẩy hàng vạn người dân nghèo thêm nghèo khó, túng quẫn, tan vỡ hạnh phúc gia đình.
Hai là, tâm lý hám lợi, muốn thoát nghèo, làm giàu nhanh chóng của nạn nhân: Do những khó khăn trong đời sống mà một bộ phận nhân dân luôn có nhu cầu kiếm tiền, muốn tận dụng mọi cơ hội để thoát nghèo, làm giàu nhanh chóng, có thu nhập ổn định để đáp ứng nhu cầu vật chất... khiến họ rất dễ “sập bẫy” của tội phạm.
Qua phỏng vấn nhiều người dân từng tham gia bán hàng đa cấp (BHĐC) và bị lừa, họ cho biết lý do sâu xa khiến họ tin theo lời dụ dỗ của các nhóm tội phạm lừa đảo, chủ yếu là vì mong muốn thoát nghèo. Tại các địa bàn này, đời sống người dân vất vả, khó khăn chật vật trong việc tìm kiếm việc làm, không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, không có nghề phụ để đa dạng hóa nguồn thu nhập; cùng với đó là những hạn chế về trình độ văn hóa và nhận thức pháp luật.
Khi đó người dân dễ bị “mờ mắt” trước món hời tưởng tượng, những khoản lãi suất rất cao được quảng cáo và dễ dàng làm theo dẫn dụ để rồi “sập bẫy” của tội phạm. Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng đại đa số nạn nhân tham gia mạng lưới đa cấp bất chính và trở thành nạn nhân vì tin vào khả năng nhanh chóng có được các khoản thu nhập cao mà không phải vất vả làm việc. Nhiều người có động cơ muốn làm giàu nhanh chóng, tăng thu nhập để đáp ứng nhu cầu vật chất.
Các thủ đạo của doanh nghiệp lừa đảo thường tổ chức hội nghị, hội thảo để thu hút người tham gia. Tại đó, chúng đánh vào lòng tham lợi của nạn nhân bằng cách đưa ra những lời quảng cáo bịp bợm về cơ hội làm giàu nhanh chóng. Người nông dân bị mờ mắt trước triển vọng lợi nhuận cao, cộng thêm hoa hồng khi giới thiệu người mới nên rất dễ sập bẫy lừa đảo.
Ngoài ra, tâm lý đám đông cuồng nhiệt tại các sự kiện, nhiều khi do đám “cò mồi” phát động, khiến những người từ chỗ còn nghi ngờ về thông tin doanh nghiệp đưa ra, đến chỗ mất khả năng tư duy độc lập, bị thúc đẩy, dẫn dụ và làm theo lời kêu gọi tham gia vào mạng lưới đa cấp. Đặc biệt, các nhóm tội phạm thường rất tinh quái khi chúng mời đến dự sự kiện những người nổi tiếng, hay quan chức để lợi dụng tên tuổi họ như một sự bảo đảm về tính nghiêm túc trong làm ăn doanh nghiệp, sự trung thực của thông điệp đưa ra.
Ba là, tâm lý luyến tiếc tài sản của nạn nhân: Một khía cạnh khác của vấn đề nạn nhân trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản (CĐTS) bằng thủ đoạn KDTPTĐC đó là vai trò thực hành của họ trong việc thực hiện tội phạm.
Nhiều người từng tham gia mạng lưới đa cấp Công ty MB24 cho biết dù nhận thức được việc không có mua bán hàng hóa thực tế mà chỉ lôi kéo người mới để hưởng hoa hồng là không đúng, nhưng vì đã bỏ tiền ra nên cố gắng thu hồi bằng cách lôi kéo thêm người vào do tâm lý tiếc tài sản và "trót đâm lao phải theo lao".
Theo tìm hiểu, đa số nạn nhân của Liên kết Việt là nông dân, lao động tự do, sinh viên, người kinh doanh nhỏ lẻ. Với đặc điểm nghề nghiệp đó, họ không cam chịu mất số tiền đã đầu tư vào doanh nghiệp lừa đảo. Khi không đòi được tiền, nhiều người cố gắng lôi kéo người quen vào hệ thống để lấy lại số tiền ban đầu.
Theo dự báo tội phạm lừa đảo CĐTS bằng thủ đoạn KDTPTĐC sẽ gia tăng, diễn biến phức tạp trên không gian mạng. Các đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng các sản phẩm thông tin số (tiền ảo, gian hàng ảo...), kinh doanh dịch vụ, đầu tư tài chính, đầu tư bất động sản đa cấp, hoặc các hình thức khác núp dưới danh nghĩa các hoạt động xã hội, vì cộng đồng...để xây dựng mạng lưới nhằm huy động tài chính trái phép và chiếm đoạt.
Bên cạnh đó, sẽ có nhiều băng nhóm tội phạm trong nước cấu kết với người nước ngoài thực hiện tội phạm trên lãnh thổ Việt Nam. Xu hướng các công ty KDĐC huy động đầu tư tài chính sẽ không còn đặt trong lãnh thổ Việt Nam, mà sẽ là hình thức công ty “mẹ” ở nước ngoài, lập văn phòng đại diện ở Việt Nam để thực hiện tội phạm. Các công ty này sẽ đưa ra các mô hình kinh doanh, những sản phẩm “ảo”, thông qua mạng lưới “chân rết”, cộng tác viên người Việt, làm nhiệm vụ lôi kéo người tham gia để huy động tài chính.
Các giải pháp phòng ngừa chủ động
Chính sự mơ hồ trong nhận thức về KDĐC, lòng tham, tâm lý hám lợi, tư tưởng chụp giật, muốn giàu nhanh, thiếu hiểu biết về pháp luật... đã tạo điều kiện thuận lợi để tội phạm khai thác, lợi dụng. Do đó, để chủ động phòng ngừa tình hình tội phạm, cần bắt đầu từ thay đổi nhận thức, hành vi của chính người dân.
Một trong những biện pháp hiệu quả là tuyên truyền để trang bị kiến thức pháp luật và cảnh báo tội phạm, giúp người dân có kiến thức để nhận biết và chủ động phòng ngừa tội phạm xảy ra với mình, tránh được những sơ hở, hay những việc làm chứa đựng những nguy cơ, rủi ro, hoặc tự đẩy mình vào tình huống nguy hiểm, bị tội phạm lợi dụng.
Thực tế cho thấy khi người dân được trang bị đầy đủ kiến thức, nắm vững các quy định của pháp luật về KDĐC, hiểu rõ phương thức thủ đoạn phạm tội, thì tự họ sẽ biết cách xa lánh, không tin vào những chiêu trò dụ dỗ của tội phạm, biết tiết chế lòng tham, tính hám lợi, biết bảo vệ tài sản, chủ động phòng tránh không để bị lôi kéo, thuyết phục bởi những “món hời” tưởng tượng dẫn đến hậu quả bị “sập bẫy” tội phạm.
Cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nhận thức cho người dân Phân tích trên đây cho thấy một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự gia tăng của tình hình tội lừa đảo CĐTS bằng thủ đoạn KDTPTĐC trong thời gian qua, đến từ chính nạn nhân của tội phạm.
Khi người dân đã nâng cao nhận thức về trách nhiệm công dân, họ sẽ tự giác và kịp thời cung cấp thông tin tội phạm cho cơ quan chức năng, góp phần cùng cộng đồng bảo vệ an ninh trật tự.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, việc truyền thông cần được triển khai dưới nhiều hình thức, để từng bước làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ, tâm lý của người dân. Định hướng người dân hướng đến việc làm ăn chân chính; nâng cao tinh thần cảnh giác, biết phản biện đối với các hình thức kêu gọi đầu tư, giao dịch mua bán, góp vốn... được quảng cáo mang lại siêu lợi nhuận; tỉnh táo trước mọi cám dỗ, không hám lợi, ham làm giàu một cách nhanh chóng... để không sập bẫy tội phạm.
Để hoạt động truyền thông thay đổi hành vi có hiệu quả, cần không ngừng đổi mới nội dung và hình thức cho phù hợp với từng đối tượng, từng hoàn cảnh, để tạo nên sự phong phú, đa dạng, dễ hiểu, dễ làm theo. Chính quyền các cấp phải xây dựng, phát triển đội ngũ tuyên truyền viên đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Các cơ quan báo chí, truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác này.
Khi xuất hiện thông tin tội phạm lừa đảo đa cấp, các cơ quan báo chí cần làm tốt vai trò cảnh báo xã hội, kịp thời tiến hành điều tra xác minh theo nghiệp vụ báo chí và đăng tải tin bài. Với sự phổ cập của Internet, viễn thông, thiết bị số... những thông tin tội phạm sẽ nhanh chóng đến với cộng đồng giúp người dân cảnh giác, đồng thời “đánh động” các cơ quan chức năng, để tiến hành giải quyết vấn đề dư luận quan tâm.