Nông thôn mới thông minh sẽ gắn liền với quá trình đô thị hoá ở Bắc Ninh

Nông thôn mới thông minh sẽ gắn liền với quá trình đô thị hoá ở Bắc Ninh

Đó là mục tiêu mà tỉnh Bắc Ninh đặt ra trong kế hoạch thực hiện xây dựng dân cư nông thông văn minh trong định hướng phát triển nông thôn mới theo chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng như Chương trình hành động của Chính phủ.

Theo đó, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành kế hoạch 75/KH-UBND hướng tới xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, hiệu quả, bền vững; nông dân và dân cư nông thôn văn minh, có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới...

Theo đó, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP lĩnh vực nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 0,8-1%/năm; tỷ trọng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đạt trên 40%; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt và mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt trên 200 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 80%; có khoảng 65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trên 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; công nhận ít nhất 100 mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu...

Cùng với quá trình đô thị hoá đang diễn ra mạnh mẽ tại Bắc Ninh đã tạo đà cho tỉnh thay đổi diện mạo nông thôn nhờ vào công nghệ
Cùng với quá trình đô thị hoá đang diễn ra mạnh mẽ tại Bắc Ninh đã tạo đà cho tỉnh thay đổi diện mạo nông thôn nhờ vào công nghệ.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố tích cực tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp ở nông thôn.

Bên cạnh đó, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Cùng với đó, tỉnh Bắc Ninh xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến; đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng cường tổ chức, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chủ động hội nhập, mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng.

Ngoài ra, phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đi đôi với đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân ở khu vực nông thôn.

Tỉnh Bắc Ninh hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh, hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để tạo lập môi trường, cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn, tiệm cận với đô thị, giàu bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, địa phương hiện có 72 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao tổng diện tích 160 ha; trong đó, có 29 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích trên 154 ha, 47 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính với tổng diện tích gần 30 ha, cho thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm..