Thông qua Luật Giao dịch điện tử - Khi hành lang pháp lý bắt nhịp công nghệ
Đánh giá Luật Giao dịch điện tử 2005 ra đời đã cung cấp cơ sở pháp lý phù hợp cho các giao dịch điện tử trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và và trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước cũng như những bước phát triển của công nghệ thì dự luật này cần được thay đổi cho phù hợp và sớm được thông qua để đáp ứng yêu cầu của thời cuộc.
Đồng bộ hoá hành lang pháp lý trong giao dịch điện tử
Hiện nay, trong môi trường thương mại điện tử, internet vạn vật, dữ liệu lớn... sửa đổi Luật Giao dịch điện tử là yêu cầu tất yếu của nền kinh tế hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như Việt Nam.
Dự thảo Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) được trình Quốc hội khoá XV tại kỳ họp thứ tư.
Đặc biệt, sửa đổi Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa vô cùng hệ trọng trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam, thể hiện quyết tâm cao độ của Đảng, nhân dân và hệ thống cơ quan Nhà nước trong việc đồng bộ hóa chính sách, pháp luật liên quan đến giao dịch điện tử, tạo dựng hành lang pháp lý thông thoáng để phát triển kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số.
Liên quan đến dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), ông Huỳnh Thiên Tứ, Giảng viên trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh cho biết, dự thảo đã loại bỏ Điều khoản về tài khoản định danh điện tử để tránh trùng lặp với điều khoản tương tự đã có trong những văn bản quy phạm pháp luật khác.
Dự thảo cũng đã loại bỏ nghĩa vụ công bố công khai thuật toán sử dụng để khuyến nghị, hiển thị nội dung, hiển thị quảng cáo cho người dùng; sửa đổi và không còn đưa ra tiêu chí phân loại quy mô nền tảng số, đồng thời giao nhiệm vụ cho Chính phủ quy định chi tiết về cách thức phân loại quy mô nền tảng số...
Mặc dù vậy, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vẫn còn tồn tại những vấn đề bất cập chưa được sửa đổi như điểm c, khoản 1 Điều 48, quy định về trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin bảo đảm sẵn sàng thực hiện kết nối kỹ thuật phục vụ giám sát, kiểm tra, báo cáo số liệu hoạt động với hệ thống giám sát của cơ quan nhà nước theo quy định nhưng quy định này chưa rõ ràng và có nguy cơ gây ra trở ngại mới trong môi trường kinh doanh.
Ngoài ra, tại Chương V chưa thấy quy định về tính pháp lý của giao dịch điện tử diễn ra giữa cơ quan nhà nước và cá nhân, tổ chức ngoài cơ quan nhà nước; nhất là chưa thấy nguyên tắc pháp lý chung mà cơ quan nhà nước phải tuân thủ khi xử lý dữ liệu cá nhân, dữ liệu nhạy cảm liên quan đến cá nhân.
Theo Nghị quyết số 02/2022 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Với vai trò là luật quy định về hình thức của các giao dịch điện tử, Ban soạn thảo dự thảo Luật giao dịch điện tử sửa đổi cần tập trung vào những vấn đề kỹ thuật xoay quanh giao dịch điện tử, vốn là một nhóm của giao dịch dân sự.
Cơ sở để xây dựng nền tảng số
Theo Luật sư Lê Thu Minh, Công ty luật Baker & McKenzie Việt Nam, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đang định nghĩa nền tảng số là hệ thống thông tin tạo môi trường điện tử cho phép các bên thực hiện giao dịch hoặc cung cấp, sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc sử dụng để phát triển sản phẩm, dịch vụ. Nền tảng số, bao gồm nền tảng số trung gian và các nền tảng số khác. Còn nền tảng số trung gian là nền tảng số mà chủ quản nền tảng số độc lập với các bên thực hiện giao dịch.
Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) được thông qua sẽ là nền tảng pháp lý quan trọng cho các hoạt động kinh tế - xã hội trên nền tảng internet.
Những định nghĩa này vẫn đang khá rộng và không cụ thể, dẫn đến nguy cơ nền tảng số có thể bao gồm tất cả loại dịch vụ kỹ thuật số/dịch vụ trực tuyến liên quan trực tiếp đến giao dịch điện tử.
Do đó, nên thu hẹp định nghĩa nền tảng số là hệ thống thông tin tạo môi trường điện tử được thể hiện dưới dạng trang thông tin điện tử (website) hoặc ứng dụng di động (application) cho phép các bên thực hiện trọn vẹn quy trình giao dịch trong quá trình cung cấp, sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Nền tảng số, bao gồm nền tảng số trung gian và các nền tảng số khác.
Riêng Điều 52 của dự thảo hiện tại có quy định về việc bảo vệ thông điệp dữ liệu, nhưng vấn đề bảo mật thông tin và an ninh mạng đã được điều chỉnh bởi Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và Nghị Định hướng dẫn thi hành số 53 nên có sự trùng lặp không cần thiết. Thông điệp dữ liệu, về bản chất cũng là một loại dữ liệu không có tính đặc thù nổi bật như dữ liệu cá nhân, nên không cần thiết phải được bảo vệ chuyên biệt.
Đối với loại dữ liệu đặc thù, cần bảo vệ nghiêm ngặt hơn các loại dữ liệu khác là dữ liệu cá nhân và hiện nay Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang triển khai xây dựng Nghị định về Bảo vệ Dữ liệu cá nhân.
Trên thực tiễn về bảo vệ dữ liệu ở các nước, chỉ có các sự cố và vi phạm xâm hại trực tiếp đến dữ liệu cá nhân của người dùng mới cần phải thông báo đến người dùng.
Các sự cố khác không liên quan đến dữ liệu người dùng, nếu được thông báo cho người dùng, sẽ tạo ra sự phiền nhiễu không đáng có, lãng phí tài nguyên kỹ thuật của nhà cung cấp dịch vụ và của quốc gia.
Nhằm xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), cũng như phát triển thương mại điện tử, bà Trần Thị Thanh Thư, chuyên gia Công ty Luật TNHH ALB & Partners đề xuất, sửa đổi quy định tại khoản 8 Điều 3 dự thảo Luật thành chứng từ điện tử là chứng từ được thể hiện dưới dạng dữ diện điện tử do tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khấu trừ thuế cấp cho người nộp thuế hoặc do tổ chức thu thuế, phí, lệ phí cấp cho người nộp bằng phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật phí, lệ phí, pháp luật thuế.
Vì nếu chứng từ điện tử là chứng từ được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu do tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khấu trừ thuế cấp cho người nộp thuế hoặc do tổ chức thu thuế, phí, lệ phí cấp cho người nộp bằng phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật phí, lệ phí, pháp luật thuế.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí Điện tử và Ứng dụng số 02 tháng 04/2023)