Ngày 29/6, tại Hà Nội, Tạp chí Đồ uống Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo "Văn hóa uống và trách nhiệm với cộng đồng".
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Đồ uống Việt Nam cho biết: Ngành bia - rượu - nước giải khát Việt Nam là một ngành kinh tế kỹ thuật có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mỗi năm, toàn ngành đóng góp khoảng 60 nghìn tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, giải quyết trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Chương, Phó tổng biên tập phụ trách Tạp chí Đồ uống Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Đặc biệt trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế (2022-2023), ngành đồ uống là một nhân tố quan trọng để phục hồi và phát triển dịch vụ du lịch (bao gồm lưu trú và ăn uống).
Tuy nhiên, sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 kéo dài, hiện nay, ngành đồ uống đang phải chống chịu với nhiều khó khăn trong bối cảnh mới. Doanh thu năm 2020 của ngành đồ uống giảm 16% so với năm 2019, kéo theo lợi nhuận giảm khoảng 20%. Trong điều kiện bình thường mới, ngành cũng vấp một loạt thách thức như đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu tăng phi mã (giá malt tăng 50%, giá bột trợ lọc tăng 60%, giá nắp chai tăng 35%...). Bên cạnh đó, nhiều quy định quản lý chưa phù hợp, có nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng thu hẹp sản xuất, kinh doanh trong ngành và những hệ lụy đối với xã hội.
Năm 2023 được dự báo ngày càng có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp ngành đồ uống. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có điều kiện phục hồi, phát triển, các doanh nghiệp trong ngành đồ uống mong muốn Nhà nước chưa nên xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) phát biểu.
Chính vì thế, Chủ tịch VBA Nguyễn Văn Việt kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có thêm sự hỗ trợ và cho thêm thời gian để phục hồi. Cụ thể, giữ ổn định mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn phục hồi, quản lý chặt chẽ rượu phi chính thức.
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Phát triển Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: ngành đồ uống nước ta thông qua các sản phẩm đồ uống chất lượng có trọng trách gợi dẫn nâng cao nhận thức cho con người (địa phương và du khách) về các tri thức khoa học thường thức cần thiết về văn minh ẩm thực, đặc biệt là “thức uống” đảm bảo chất lượng.
Toản cảnh Hội thảo.
Trên thực tế, khi người tiêu dùng biết cách sử dụng đồ uống một cách thông minh và hợp lý sẽ mang lại giá trị tốt cho sức khỏe, thậm chí có loại đồ uống còn là bài thuốc dân gian chữa bệnh cho con người.
Hội thảo “Văn hóa uống và trách nhiệm với cộng đồng” là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, phát huy tốt vai trò truyền thông về ngành Đồ uống Việt Nam, vì sự phát triển bền vững của ngành.
Để ngành Đồ uống Việt Nam tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có những chương trình ý nghĩa với cộng đồng thì rất cần sự ổn định về chính sách, sự cảm thông, chia sẻ của cộng đồng, hiểu rõ hơn về ngành để cùng với các ngành kinh tế khác phục hồi và phát triển sau đại dịch và những khó khăn hiện nay.