Amazon Global Selling Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Việt cất cánh toàn cầu
PV: Thưa ông Gijae Seong, ông đánh giá thế nào về TMĐT xuyên biên giới của Việt Nam trong thời gian qua? Đâu là kết quả khiến ông ấn tượng nhất?
Ông Gijae Seong: Trong 5 năm qua, Amazon đã ghi nhận sự gia tăng không ngừng của các đối tác bán hàng Việt trên thị trường toàn cầu thông qua TMĐT xuyên biên giới, trong đó có Amazon. Sự phát triển liên tục không chỉ ở quy mô mà còn là sự đa dạng danh mục sản phẩm và thương hiệu ở nhiều ngành hàng. Lượng sản phẩm bán ra trên Amazon từ các đối tác bán hàng Việt Nam tăng hơn 300%; số lượng các đối tác bán hàng Việt Nam tham gia chương trình Đăng ký Thương hiệu (Brand Registry) của Amazon tăng gấp 35 lần. Chúng tôi tin rằng điều này sẽ còn tiếp diễn, với sự tham gia sôi nổi của các nhà bán hàng thông qua TMĐT xuyên biên giới.
Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam.
Những năm qua, chúng tôi ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ trong TMĐT của các doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ về quy mô, chất lượng, mà còn ở nhiều chỉ số khác. Ban đầu, nhà bán chủ yếu tập trung vào các sản phẩm đơn giản, tạo ra lợi nhuận nhanh chóng, hướng đến lợi ích ngắn hạn. Giờ đây, nhiều doanh nghiệp đang dần hướng đến tầm nhìn dài hạn hơn. Họ không chỉ gia tăng doanh thu hay đạt được những con số triệu USD mà còn nâng cao chất lượng, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, xây dựng thương hiệu và mở rộng sang nhiều ngành hàng. Điều này cho phép chúng tôi khai thác tối đa tiềm năng phát triển của Việt Nam với TMĐT xuyên biên giới.
PV: Ông có cho rằng đấy là lợi thế của các đối tác Việt Nam trên thị trường TMĐT? Vậy theo ông, đâu là những thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu?
Ông Gijae Seong: Các đối tác bán hàng Việt Nam có nhiều lợi thế. Việt Nam rất chú trọng xuất khẩu với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các sáng kiến, chính sách của chính phủ. Nhiều nhà máy và nhà cung cấp tại Việt Nam đã có hàng chục năm kinh nghiệm xuất khẩu, mang đến lợi thế riêng biệt. Ngoài ra, còn có một cộng đồng các doanh nhân trẻ thành công không chỉ trên Amazon mà còn trên nhiều nền tảng TMĐT khác nhau. Những nhà bán hàng này thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về các động lực của TMĐT.
Ngành sản xuất của Việt Nam cũng thu hút sự đầu tư lớn khi nhiều thương hiệu quốc tế chuyển nhà máy đến đây, thúc đẩy sản lượng xuất khẩu tăng trưởng. Sự phát triển này đã góp phần củng cố chuỗi cung ứng và gia tăng năng lực sản xuất trong nước. Điều này không chỉ phục vụ cho những thương hiệu quốc tế lớn, mà đang dần được mở rộng sang các doanh nghiệp nhỏ hơn, đóng góp tích cực vào sản xuất trong nước.
Dù vậy, khi đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Đầu tiên là quyết định sản phẩm để bán. Điều này không chỉ đòi hỏi các nhà bán hàng có sự thấu hiểu nhu cầu thị trường mà còn cần nắm bắt các quy định của thị trường và sự tuân thủ về sản phẩm. Từ đó, có thể đưa ra lựa chọn sáng suốt về sản phẩm để bán ra thị trường. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển sản phẩm, các doanh nghiệp cũng cần phải rất linh hoạt để có thể phản ánh nhu cầu của khách hàng trong sản phẩm của mình; cần liên tục đáp ứng những thị hiếu mới nhất của thị trường. Đây là một phần quan trọng, đồng thời là thách thức lớn đối với nhiều người bán chưa quen với tốc độ của TMĐT xuyên biên giới nói riêng và TMĐT toàn cầu nói chung. Thách về chi phí cũng là vấn đề; chi phí về logistics, về vận chuyển đầu vào, quản lý tồn kho…
PV: Ông có thể chia sẻ những giải pháp để có thể thúc đẩy sự tăng trưởng của TMĐT xuyên biên giới?
Ông Gijae Seong: Đầu tiên, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ. Amazon Global Selling Việt Nam hiện đang làm việc chặt chẽ với Chính phủ để truyền tải những thông điệp, góc nhìn cụ thể, chính xác nhất về mô hình kinh doanh TMĐT xuyên biên giới. Chúng tôi kết nối Chính phủ với các nhà bán hàng để các Bộ, Ban, ngành có thể nắm bắt các khó khăn thực tế của các doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ công tác xây dựng và hoạch định chính sách hiệu quả hơn.
Amazon Global Selling Việt Nam đã tăng cường hợp tác với các cơ quan Chính phủ để cung cấp nhiều cơ hội đào tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Chúng tôi đã khởi động chương trình “TMĐT xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” trong khuôn khổ hợp tác cùng Cục TMĐT và Kinh tế số Bộ Công thương. Mục tiêu là nhằm đào tạo 10.000 nhân lực TMĐT xuyên biên giới. Trong giai đoạn hai của chương trình, Amazon Global Selling Việt Nam hợp tác cùng Cục TMĐT và Kinh tế số triển khai sáng kiến “Liên kết Ngành nghề”, phối hợp với các hiệp hội ngành nghề quan trọng, để cùng nhau thúc đẩy, tăng cường năng lực TMĐT xuyên biên giới cho các ngành hàng đầu tàu này.
Tại Amazon cũng cung cấp nhiều công cụ và dịch vụ hỗ trợ. Các doanh nghiệp cần tìm cách áp dụng những công cụ và chương trình này vào quy trình sản xuất để tối ưu hoá lợi ích sản xuất. Đồng thời, đàm phán với nhà cung cấp, thiết kế chuỗi cung ứng phù hợp. Từ đó, cải thiện cấu trúc chi phí, vượt qua thách thức này một cách hiệu quả. Amazon Global Selling Việt Nam cũng đang tiếp tục phát triển các sáng kiến hợp tác với các cơ quan Chính phủ, chuyên gia ngành và hiệp hội nhằm cung cấp nhiều cơ hội học tập hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương.
- Tập trung khai thác và thúc đẩy tiềm năng lớn của các sản phẩm “Made in Vietnam”; chia sẻ các kiến thức hỗ trợ các đối tác bán hàng phát triển danh mục sản phẩm mới, đa dạng hóa cách thức tìm kiếm và thu hút nhà bán hàng.
- Thúc đẩy sự phát triển TMĐT xuyên biên giới, cải thiện hệ thống hỗ trợ và mạng lưới nhà cung cấp dịch vụ, từ đó, hỗ trợ toàn diện và nâng cao hiệu quả vận hành cho các doanh nghiệp trong nước.
- Nâng cao năng lực và thành công của các đối tác bán hàng bằng cách tăng cường các chương trình và nội dung đào tạo nhà bán hàng; củng cố quan hệ hợp tác cùng Chính phủ và các hiệp hội ngành nghề; đầu tư vào các sáng kiến phát triển nhà bán hàng và hợp tác trong cộng đồng nhà bán hàng.
PV: Xin cảm ơn ông!