Ấn Độ tăng sản xuất nội địa, mở rộng vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Ấn Độ tăng sản xuất nội địa, mở rộng vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã cho hay: Ấn Độ muốn tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thay thế vai trò của Trung Quốc thông qua các kế hoạch khuyến khích sản xuất và đà tăng trưởng của thị trường tiêu dùng nội địa.

 

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman

Chia sẻ tại diễn đàn của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson hôm 10/04, bà Sitharaman cho biết các sáng kiến kích thích sản xuất của Ấn Độ bao phủ 13 lĩnh vực, trong đó có sản phẩm bán dẫn. "Các sáng kiến này sẽ mang chuỗi giá trị toàn cầu đến Ấn Độ”, bà cho biết. “Bằng cách đó, chúng tôi hy vọng sản xuất lượng lớn hàng tiêu dùng" để đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.

“Thật phi thực tế khi nghĩ rằng mọi công ty sẽ rút khỏi Trung Quốc”, bà Sitharaman cho biết. Bà nói thêm các công ty đã trở nên cẩn trọng hơn và đang đa dạng hóa vì lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng, điều này mang lại cơ hội cho nền kinh tế lớn thứ 3 tại châu Á.

Ấn Độ tháng trước đề ra mục tiêu tham vọng là đạt mốc kim ngạch xuất khẩu 2,000 tỷ USD cho đến năm 2030. Quốc gia Nam Á này cố gắng trở thành điểm đến hàng đầu cho các công ty muốn chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.

Trong ngày 10/04, bà Sitharaman dẫn chứng về sản xuất điện thoại. Năm 2014, Ấn Độ sản xuất rất ít thiết bị, nhưng giờ thì họ đã trở thành một trong những nước xuất khẩu điện thoại lớn nhất thế giới.

Thời gian gần đây, Ấn Độ tích cực theo đuổi các thỏa thuận thương mại tự do song phương với nhiều nước, trong đó có Australia, Anh và Canada. Họ đã chuyển từ cách tiếp cận chậm thông thường sang các thỏa thuận này. Trong ngày 10/04, bà Sitharaman cho biết quốc gia 1.4 tỷ dân cũng đang thúc đẩy thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) và Canada.

Gần đây, nhiều công ty cũng có ý định đa dạng hóa sản xuất sang Ấn Độ, đáng chú ý nhất là Foxconn Technology Group – công ty cung ứng cho Apple. Công ty này lên kế hoạch xây nhà máy mới trị giá 700 triệu USD tại Ấn Độ để sản xuất linh kiện iPhone. Hãng lắp ráp AirPods GoerTek cũng có kế hoạch mở nhà máy ở Việt Nam và đang cân nhắc mở rộng sang Ấn Độ.

Thủ tướng Narendra Modi phát biểu về kế hoạch Make in India

Những "cơn gió thuận chiều"

Theo đánh giá của các chuyên gia, quá trình chuyển đổi kinh tế của Ấn Độ đang diễn ra khá mạnh mẽ và Thủ tướng Narendra Modi đang nỗ lực để nắm bắt các cơ hội. Hiện nay, Ấn Độ đang có trong tay 4 yếu tố thuận lợi để phát triển.

Thứ nhất, kể từ khi lên nắm quyền từ năm 2014 đến nay, Thủ tướng Modi đã bắt đầu xúc tiến kế hoạch "Make in India" (sản xuất tại Ấn Độ), trong đó hướng tới các ngành sản xuất chính như điện tử, ô tô, y tế, máy móc hạng nặng, điện năng, năng lượng mặt trời, chế biến thực phẩm, hóa chất và dệt may. Việc này đã mang lại những kết quả khả quan cho Ấn Độ. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước này đang khá tốt. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của Ấn Độ sẽ tăng 6% vào năm 2023.

Ngân hàng Morgan Stanley dự đoán Ấn Độ sẽ đóng góp 1/5 tổng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thập niên này. Ấn Độ cũng sẽ trở thành một trong 3 nước duy nhất có thể tạo ra mức tăng trưởng GDP hơn 400 tỉ USD hằng năm. Trong khi đó, Bloomberg Economics dự báo thu nhập bình quân đầu người của Ấn Độ sẽ ngang bằng với một số nước phát triển trong khoảng thời gian đó, đưa mục tiêu của ông Modi - biến Ấn Độ thành nước phát triển trong 25 năm tới - nằm trong tầm tay.

Tăng trưởng GDP tiềm năng sẽ dần đạt đỉnh khoảng 8,5% vào đầu thập niên tới, được thúc đẩy bởi việc cắt giảm thuế doanh nghiệp, khuyến khích các nhà sản xuất và tư nhân hóa tài sản công. Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (Anh) dự báo Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế trị giá 10.000 tỉ USD vào năm 2035.

Thứ hai, Ấn Độ đã có sự thay đổi lớn về chính sách đất đai và các cải cách về cơ chế nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chính quyền New Delhi đã thông qua kế hoạch cấp đất tại các khu vực bỏ trống hoặc tại các đặc khu kinh tế (SEZ) cho các doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời cam kết cung cấp hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng cho các nhà đầu tư khi họ quyết định rót vốn vào thị trường Ấn Độ.

Thứ ba, Ấn Độ cũng đã tận dụng được môi trường cạnh tranh phức tạp bên ngoài để biến mình thành một điểm đến hấp dẫn cho các khoản FDI. Cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc đang tạo ra "cơn gió thuận chiều" cho Ấn Độ. Các nhà phân tích chuỗi cung ứng đánh giá, Ấn Độ và Việt Nam là hai quốc gia hưởng lợi lớn khi các công ty nước ngoài hướng tới chiến lược "Trung Quốc cộng 1", theo đó các công ty chuyển một phần dây chuyền sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á

Thứ tư, Ấn Độ áp dụng chính sách "trung dung" trong một thế giới đa cực để mọi quốc gia đều muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với họ. Hiện nay, rất nhiều công ty cảm thấy rằng với quy mô của của một nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực châu Á, với dân số đông và trẻ, với sức mạnh và ảnh hưởng đáng kể trong các vấn đề quốc tế, Ấn Độ là nơi mà họ nên đến.

Trước đó, Ấn Độ hiện đã thiết lập kế hoạch "PM Gati Shakti" (Sức mạnh của tốc độ) với hy vọng cải thiện các dự án cơ sở hạ tầng thông qua công nghệ để các công ty toàn cầu chọn làm trung tâm sản xuất quốc tế.  

Tham vọng trở thành "công xưởng" tiếp theo của thế giới mà Ấn Độ đang theo đuổi sẽ khó có thể trở thành hiện thực trong một sớm một chiều, nhất là trong bối cảnh các nhà đầu tư lớn của thế giới có xu hướng đa dạng hóa nguồn cung và đối tác để ứng phó các tác động từ sự bất ổn địa chính trị toàn cầu và dịch bệnh… Điều quan trọng hiện nay là Ấn Độ cần phải sớm nhận biết các "điểm yếu", các thách thức và các khoảng trống cần bù đắp trong hệ sinh thái hạ tầng nhằm hiện thực hóa tham vọng kinh tế lớn lao của mình.