Dự thảo Luật Các Tổ Chức Tín Dụng (sửa đổi) được trình lên kỳ họp Quốc hội bắt đầu từ ngày 23-10 với mục tiêu quan trọng là giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông lớn. Đây được cho là biện pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng sở hữu chéo ngân hàng.
Theo TS. Lê Đạt Chí, sự phát triển của các công cụ tài chính đã tạo điều kiện cho sở hữu chéo ngày càng tinh vi hơn, không chỉ cho vay trực tiếp mà còn sử dụng các công cụ để tài trợ lẫn nhau nhằm mục đích chi phối ngân hàng.
Biện pháp này được coi là một trong những cách hạn chế tình trạng sở hữu chéo, giảm xung đột lợi ích khi cấp tín dụng và tăng độ an toàn cho các ngân hàng thương mại. Theo đó, dự thảo đề xuất giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại một ngân hàng so với quy định hiện tại. Cụ thể, tỷ lệ sở hữu tối đa của cá nhân giảm từ 5% xuống còn 3%, của tổ chức giảm từ 15% xuống 10% và của nhóm cổ đông liên quan giảm từ 20% xuống 15%.
Hiện nay, việc kiểm tra và xử lý sở hữu cổ phần vượt quá giới hạn, sở hữu chéo tại các ngân hàng không phải là chuyện đơn giản. Bởi vì các cổ đông lớn và người liên quan thường tìm cách che giấu sự nắm giữ cổ phần, thậm chí dùng người khác làm người đứng tên để tránh luật lệ. Tình trạng này thường dẫn đến việc cổ đông lớn có thể kiểm soát ngân hàng khi cấp tín dụng cho khách hàng.
Ví dụ một ngân hàng B có vốn điều lệ hơn 4.500 tỉ đồng, nhưng 80% cổ phần lại nằm trong tay của chủ của một tập đoàn bất động sản và hàng chục doanh nghiệp khác. Đáng chú ý, người thân của chủ tập đoàn bất động sản lại đang giữ chức vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị của ngân hàng B.
Để giải quyết tình trạng trên, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã đề nghị tăng cường thanh tra tình hình sở hữu cổ phần, cho vay… tại các tổ chức tín dụng. Các hành động tiếp theo sẽ bao gồm xem xét chuyển cơ quan điều tra khi có dấu hiệu tội phạm. Nhằm ngăn ngừa việc chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu có thể dẫn đến thâu tóm, chi phối hoặc cấp tín dụng cho khách hàng lớn trong lĩnh vực bất động sản.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Cơ chế xử lý tình trạng lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động ngân hàng thương mại cũng sẽ được hoàn thiện khi Luật Các Tổ Chức Tín Dụng (sửa đổi) được dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6".
Ngay tại kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Nghị quyết Trung ương nêu chấm dứt sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, mạnh như thế, chứ không nói hạn chế nữa đâu”.
Đây cũng là nội dung được các đại biểu thảo luận nhiều nhất, thu hút sự quan tâm của cử tri và truyền thông.
Theo đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng, nhằm hạn chế tình trạng thao túng hoạt động ngân hàng, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng. So với luật hiện hành, Dự thảo Luậtcó điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân/cổ đông là tổ chức/ cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó đang lần lượt từ mức: 5%/15%/20% xuống còn 3% - 10% và 15%.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Chí Cường cho rằng trong thực tế có thể phát sinh việc thuê, nhờ người khác đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần nhằm chi phối, kiểm soát tại một số tổ chức tín dụng.
Ở các nước có nền tài chính phát triển, các tập đoàn lớn, có doanh thu hàng trăm tỷ USD/năm cũng chỉ sở hữu vài ba công ty con. Trong khi, doanh nghiệp Việt Nam có tới hàng trăm công ty con, thậm chí công ty cháu, công ty chắt.
Trên thực tế, có tình trạng thông qua nhiều người quen biết, lập hàng trăm công ty con để nắm cổ phần chi phối ngân hàng mà chưa được kiểm soát hiệu quả. Tỷ lệ sở hữu thực tại các ngân hàng được che dấu trong ma trận công ty con và hệ sinh thái chằng chịt.
Cho đến nay, chưa có quy định nào để kiểm soát các tập đoàn có mối liên hệ mất thiết với ngân hàng. Chẳng hạn trường hợp doanh nghiệp Vạn Thịnh Phát với 762 doanh nghiệp có liên quan, một con số quá lớn, gây lũng đoạn ngân hàng, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.
“Vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao trong thực tiễn? Vấn nạn sở hữu chéo tại các ngân hàng có thể giải quyết căn cơ khi giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần? Đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá, làm rõ nguyên nhân sở hữu chéo xuất phát từ quy định của pháp luật hay trong tổ chức thực thi? Mặt khác, cũng cần có sự đánh giá tác động với các cổ đông đang sở hữu cổ phần cao hơn quy định trong dự thảo. Nếu giữ nguyên quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu như dự thảo thì làm thế nào để bảo đảm lợi ích nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược có tâm huyết?”, ông Trần Chí Cường nêu ý kiến.
Theo các đại biểu, việc sở hữu chéo tại các ngân hàng ai cũng nhận ra được, ai cũng biết, nhưng để chỉ mặt, đặt tên thì rất khó. Có một sự lòng vòng và rất lắt léo trong hệ thống tín dụng nếu đánh giá về sở hữu chéo.
“Theo số liệu, hiện nay chúng ta có khoảng 50 ngân hàng. Số lượng ngân hàng như vậy có phải là quá nhiều với quy mô kinh tế Việt Nam? Trước hết, cần phải có một sự rà soát để trả lời câu hỏi này. Trong số 50 ngân hàng nói trên, có những ngân hàng rất lớn nhưng cũng có không ít ngân hàng chưa đạt chuẩn. Tôi đề nghị chúng ta phải rà soát lại số không đạt chuẩn này, cần phải thiết kế các quy định trong luật để tạo ra các hàng rào kỹ thuật đối với các ngân hàng kém minh bạch, không đạt chuẩn”, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai kiến nghị.