Bộ Thông tin và Truyền thông họp báo thường kỳ
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm chủ trì họp báo.
Dự họp báo có lãnh đạo Cục Viễn Thông, Cục An toàn thông tin, Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử, Văn phòng Bộ, Trung tâm Thông tin và đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ TT&TT cùng các nhà báo, phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm chủ trì họp báo
Tại buổi họp báo, đại diện Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử, Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin đã cung cấp thông tin và làm rõ các vấn đề đang được dư luận quan tâm, như: Biện pháp xử lý đối với ca sỹ, nghệ sỹ vi phạm trên không gian mạng; cuộc gọi deepfake (sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo giả mạo hình ảnh) để lừa đảo; tin đồn về việc nhận cuộc gọi rác bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng và một số vấn đề liên quan đến cuộc gọi, tin nhắn có nội dung rác, lừa đảo sau khi các nhà mạng tiến hành đối chiếu thông tin thuê bao; tình hình quản lý thông tin thuê bao sau khi đối chiếu thông tin, tiến hành khóa 2 chiều; tình hình khắc phục sự cố của các tuyến cáp quang quốc tế.
Ông Đỗ Công Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin mời các phóng viên đặt câu hỏi tại họp báo
Hạn chế hình ảnh ca sỹ, nghệ sỹ vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong hoạt động biểu diễn
Trả lời câu hỏi của phóng viên về biện pháp xử lý đối với các ca sỹ, nghệ sỹ vi phạm trên không gian mạng, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết, từ trước tới nay, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử chưa bao giờ sử dụng cụm từ “phong sát” hay “cấm sóng” nghệ sỹ.
Ông Lê Quang Tự Do cũng cho biết, tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022 và định hướng nhiệm vụ năm 2023 diễn ra cuối năm 2022, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã nêu rõ, qua nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của một số nước gần với nước ta, như Trung Quốc, Hàn Quốc có sử dụng biện pháp "phong sát", "tẩy chay", "cấm sóng" nghệ sỹ vi phạm. Tuy nhiên, áp dụng vào Việt Nam, Bộ TT&TT và Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) thống nhất quan điểm là hạn chế hình ảnh những nghệ sỹ vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong hoạt động biểu diễn.
Theo ông Lê Quang Tự Do, sở dĩ Việt Nam không dùng các cụm từ “phong sát” hay “cấm sóng”, là bởi khi dùng các từ này sẽ coi như một quy định pháp luật. Theo luật pháp Việt Nam, để cấm một hoạt động của công dân, nội dung bị cấm phải được đưa vào luật.
Bộ VHTT&DL và Bộ TT&TT dự kiến sử dụng 1 biện pháp mềm, đó là vận động các cơ quan báo chí, cơ quan tổ chức sự kiện ủng hộ Nhà nước, cùng chung tay làm sạch môi trường hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Cụ thể, không cổ vũ, không khuyến khích, không mời những nghệ sĩ có vi phạm về đạo đức, có lối sống lệch chuẩn theo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã được Bộ VHTT&DL ban hành.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo
Kiểm tra toàn diện Tiktok từ ngày 15/5
Về kế hoạch kiểm tra toàn diện hoạt động của Tiktok tại Việt Nam, ông Lê Quang Tự Do cho biết, Bộ TT&TT đã lập đề cương và kế hoạch kiểm tra, đồng thời đã có công văn gửi các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan đề nghị cử người tham gia đoàn kiểm tra.
Dự kiến đoàn kiểm tra trực tiếp Tiktok sẽ làm việc từ ngày 15/4 đến hết tháng 5/2023.
Phóng viên các cơ quan báo chí đặt câu hỏi tại họp báo
Tình hình xử lý sự cố đứt cáp quang biển
Trả lời các câu hỏi của phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết: Hiện Việt Nam có tổng số 5 tuyến cáp quang biển đi quốc tế (IA, AAG, APG, AAE-1, SEA-ME-WE3), cập bờ tại 02 trạm (Vũng Tàu, Đà Nẵng). Việc xảy ra sự cố đồng thời với cả 5 tuyến cáp quang biển vừa qua là trường hợp hy hữu, bất khả kháng, ảnh hưởng không chỉ với Việt Nam mà cả các nước có sử dụng các tuyến cáp này.
Ngay khi xảy ra sự cố, Cục Viễn thông đã chủ động nắm bắt thông tin, đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện ngay các phương án:
Chủ động, khẩn trương phối hợp với thành viên hệ thống tuyến cáp bị sự cố triển khai đo đạc, xác định vị trí, phân loại sự cố để tiến hành sửa chữa khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Triển khai phương án điều tiết, giảm tải, đảm bảo lưu lượng đi quốc tế; Phối hợp với đối tác cung cấp dịch vụ/ứng dụng quốc tế để tối ưu chất lượng, ưu tiên lưu lượng theo khung giờ và dịch vụ đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.
Khẩn trương phối hợp các đối tác nước ngoài mua thêm dung lượng các tuyến cáp đất liền để mở rộng dung lượng và chuyển tải lưu lượng.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông (DNVT) và giám sát của Cục Viễn thông, tính đến ngày 03/5/2023, đã có tuyến IA, SMW3 hoàn thành việc sửa chữa; các tuyến AAE-1, AAG dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2023; APG sẽ hoàn thành trong tháng 6/2023. Đến thời điểm hiện tại, trải nghiệm người dùng đã ổn định. Internet kết nối quốc tế gần như không bị ảnh hưởng so với thời điểm trước sự cố. Không có tình trạng nghẽn không sử dụng được dịch vụ.
Trong thời gian tới, Bộ (Cục Viễn thông) sẽ đôn đốc, hướng dẫn các DNVT nghiên cứu, xây dựng thêm 4-6 tuyến cáp quang biển mới phù hợp với dự thảo quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông 2021 - 2030.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo
Tình hình chuẩn hóa thông tin thuê bao di động
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông cũng cho biết, sau hơn 1 tháng triển khai (từ ngày 15/3), với sự phối hợp tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông đã tự chủ động rà soát, xử lý hơn 3,84 triệu thuê bao được xác định là có thông tin không trùng khớp với CSDL quốc gia về dân cư, có dấu hiệu có thông tin không đúng quy định, trong đó:
Đến ngày 31/3 (sau 15 ngày kể từ ngày thông báo) các DNVT đã khóa 1 chiều đối với hơn 1,67 triệu thuê bao; Đến ngày 15/4 đã có 1,15 triệu thuê bao bị khóa 2 chiều do không thực hiện chuẩn hóa lại (sau 15 ngày kể từ ngày bị khóa 1 chiều).
Đến hết ngày 04/5/2023 còn hơn 1 triệu thuê bao thuộc tập này đang bị khoá 2 chiều do chưa thực hiện chuẩn hoá thông tin theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP. Đến ngày 15/5 sẽ bị thu hồi nếu không thực hiện chuẩn hoá lại.
Trong tháng 5 và tháng 6/2023, Bộ TT&TT sẽ tổ chức thanh tra diện rộng với sự tham gia của các Sở TT&TT tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Phóng viên các cơ quan báo chí đặt câu hỏi tại họp báo
Biện pháp xử lý cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo
Để chấn chỉnh, xử lý tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, Bộ TT&TT chỉ đạo triển khai thực hiện 06 biện pháp sau:
Một là, chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục công tác chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý tình trạng sim có thông tin thuê bao không đúng quy định (sim rác).
Hai là, tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để xử lý các cuộc gọi lừa đảo; điều tra, xử lý các trạm BTS giả.
Thứ ba là đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc xây dựng, triển khai các hệ thống ngăn chặn cuộc gọi rác; áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các giải pháp công nghệ tiên tiến. Đồng thời, các công cụ cho phép người sử dụng chủ động ngăn chặn cuộc gọi rác từ thiết bị đầu cuối của mình.
Thứ tư làngăn chặn và xử lý vi phạm gọi điện quảng cáo vào số điện thoại thuộc danh sách không quảng cáo (Donotcall);
Thứ năm là đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử thực hiện cuộc gọi rác.
Thứ sáu là tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chống cuộc gọi rác.
Phóng viên các cơ quan báo chí đặt câu hỏi tại họp báo
Xử lý vi phạm các nền tảng xuyên biên giới ở Việt Nam
Về xử lý vi phạm các nền tảng xuyên biên giới ở Việt Nam, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết, trong năm vừa qua, Bộ TT&TT đã xử phạt hơn 20 Công ty quảng cáo quốc tế vì vi phạm quy định quảng cáo. Thời gian qua, có hiện tượng nhiều doanh nghiệp trong nước đặt quảng cáo lên các nền tảng xuyên biên giới và bị gắn vào những nội dung bẩn, làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã thực hiện nhiều giải pháp để chấn chỉnh, cũng như hướng lái dòng tiền quảng cáo của các doanh nghiệp trong nước về những nơi có nội dung sạch, nền tảng sạch.
Hiện nay chúng ta chưa có cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý các nền tảng xuyên biên giới chưa có tư cách pháp nhân tại Việt Nam. Gần đây, Bộ đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP quản lý và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Theo đó có quy định chế tài để xử lý các OTT, các nhà cung cấp xuyên biên giới về phát thanh, truyền hình không có giấy phép hoạt động tại Việt Nam.
Đối với các nền tảng xuyên biên giới mà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (như netflix, app tv, amazon...), Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đều yêu cầu đăng ký giấy phép hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam nếu như muốn cung cấp dịch vụ này tại Việt Nam.
Đối với việc xử lý các nền tảng xuyên biên giới trong lĩnh vực mạng xã hội, cung cấp các dịch vụ nội dung khác thì hiện nay chúng ta chưa có quy định. Bộ TT&TT đang nghiên cứu, tham mưu để dần dần hoàn thiện quy định pháp luật này.
Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo
Về các biện pháp, giải pháp kỹ thuật để phát hiện và ngăn chặn cuộc gọi deepfake (sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo giả mạo hình ảnh để lừa đảo)
Theo ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, ngay từ thời điểm tiếp nhận phản ánh của người dân về hình thức lừa đảo trực tuyến này, Bộ TT&TT đã phân tích và cảnh bảo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Liên quan đến cuộc gọi deepfake, hiện nay các chính phủ, các tổ chức và các tập đoàn công nghệ lớn đang cùng tìm biện pháp, giải pháp kỹ thuật để phát hiện, ngăn chặn. Trong thời gian độ trễ của công nghệ, Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan báo chí tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để người dân có thể nhận biết được dấu hiệu của các cuộc gọi lừa đảo này để từ đó nâng cao cảnh giác.
Quang cảnh buổi họp báo
Kết luận họp báo, thay mặt lãnh đạo Bộ TT&TT, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm trân trọng cảm ơn phóng viên các cơ quan báo chí, đồng thời chia sẻ thông tin về việc Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật giao dịch điện tử sửa đổi và cho ý kiến đối với dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Đối với việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, Thứ trưởng đề nghị Cục Viễn thông có hình thức thông tin kịp thời tới báo chí sau khi có kết quả thanh tra diện rộng. Về vấn đề quảng cáo trên không gian mạng, Thứ trưởng khẳng định, “Cho dù to đến thế nào, cho dù đặt trụ sở ở Việt Nam hay không đặt trụ sở ở Việt Nam nhưng nếu vi phạm Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo thì chúng ta đều xử lý được”. Theo Thứ trưởng, “Chúng ta phải làm được việc là nắn dòng tiền quảng cáo trên không gian mạng về những kênh nội dung được xác thực”.
Tháng 4/2023: Doanh thu toàn ngành TT&TT tăng trưởng 6%
Doanh thu toàn ngành TT&TT tháng 4/2023 ước đạt 313.475 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với tháng trước (Tháng 3/2023: 295.370 tỷ đồng) và giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái (Tháng 4/2022: 317.470 tỷ đồng).
Lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 4/2023 ước đạt 1.139.333 tỷ đồng; tỷ lệ doanh thu ước đạt 27% so với kế hoạch năm.
Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 8.172 tỷ đồng, tăng trưởng 3% so với tháng trước (Tháng 3/2023: 7.939 tỷ đồng) và giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái (Tháng 4/2022: 8.449 tỷ đồng).
Lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 4/2023 ước đạt 31.302 tỷ đồng, tăng trưởng 1% so với cùng kỳ năm ngoái; số tiền nộp ngân sách nhà nước ước đạt 31% so với kế hoạch năm.
Theo Mic.gov.vn