Cần 1.000 kỹ sư mỗi năm, trường đại học chạy đua đào tạo nhân lực vi mạch
Ngành thiết kế vi mạch toàn cầu năm 2022 có tổng doanh thu khoảng 215 tỉ USD. Việt Nam đang đặt chân vào thị trường này với cuộc đua bắt đầu từ việc nghiên cứu và đào tạo nhân lực.
Theo các chuyên gia, nhu cầu về nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết do nhiều tập đoàn thiết kế vi mạch trên thế giới đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết có khoảng 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn. Dự báo của các chuyên gia kinh tế cho thấy, trong 5 năm tới, ngành chip bán dẫn sẽ cần khoảng 20.000 người và trong 10 năm tới, nhu cầu có thể lên đến 50.000 người từ trình độ đại học trở lên.
Hiện tại, số lượng kỹ sư thiết kế vi mạch chỉ khoảng 5.000 người và nhu cầu hàng năm tăng 10 - 15%. Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều trường đại học đang tăng cường chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao.
TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết TP.HCM hiện có hàng chục công ty FDI hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, với hơn 5.000 kỹ sư và chuyên gia. Theo khảo sát từ các doanh nghiệp, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này tại Việt Nam là khoảng 1.000 kỹ sư mỗi năm.
TS Lê Đức Hùng, trưởng phòng thí nghiệm xử lý tín hiệu số và hệ thống nhúng (DESLAB) của Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết nhu cầu về thiết kế vi mạch tại Việt Nam đặc biệt lớn, đặc biệt là ở TP.HCM. Ông nhận định rằng sự chuyển đổi của các công ty thiết kế vi mạch từ trên thế giới về Việt Nam, đặc biệt là ở TP.HCM, đang dẫn đến nhu cầu cung nhân lực khá lớn.
Hàng loạt trường đại học mở ngành vi mạch bán dẫn
Ban đào tạo Đại học Quốc gia TP.HCM cho hay đại học này đang hướng đến việc xây dựng chương trình đào tạo khoảng 1.000 kỹ sư thiết kế vi mạch trong 5 năm ở bậc đại học và sau đại học, nhằm góp phần tăng cường nhân lực cho ngành này. Khung chương trình đào tạo sẽ gồm các khóa chuyên sâu, cấp tốc và hợp tác với doanh nghiệp.
Năm nay, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ chính thức triển khai đào tạo ngành thiết kế vi mạch bán dẫn ở ba trường: Trường đại học Khoa học tự nhiên, Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Công nghệ thông tin (xét tuyển 150 chỉ tiêu với hai tổ hợp môn xét tuyển A00 và A01).
Các trường thuộc Đại học Đà Nẵng sẽ tuyển sinh gần 200 chỉ tiêu cho chuyên ngành đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn trong năm 2024, cụ thể: Trường đại học Bách khoa 100 chỉ tiêu, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật 50 chỉ tiêu, Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn 40 chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, nhiều trường cũng đã công bố tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch trong năm nay như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, Trường đại học Công nghệ TP.HCM, Trường đại học Quy Nhơn…
Trường Đại học Công nghệ và Samsung Điện tử Hàn Quốc đã ký kết văn bản hợp tác tổ chức chương trình VNU-Samsung Tech Track.
Mới đây, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET) và Samsung Điện tử Hàn Quốc đã ký kết văn bản hợp tác tổ chức chương trình VNU-Samsung Tech Track (V-STT) với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ thạc sĩ lĩnh vực bán dẫn và vi mạch.
Hợp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp là một trong những chiến lược quan trọng trong việc không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt trong công nghiệp công nghệ cao. Xác định được tầm quan trọng đó, Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN và Công ty Samsung Electronics Hàn Quốc từng bước triển khai chương trình hợp tác VNU-Samsung Tech Track (V-STT), với nỗ lực thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
Chương trình học bổng VNU-Samsung Technology Track (V-STT) nhằm giúp sinh viên xuất sắc có cơ hội nhận được học bổng đào tạo thạc sĩ định hướng về bán dẫn và vi mạch. Sinh viên tham gia chương trình V-STT được đào tạo chuyên sâu về các chuyên ngành công nghiệp bán dẫn như thiết kế mạch tích hợp, vật liệu bán dẫn, sản xuất và phân tích chất bán dẫn.
Những sinh viên tham gia chương trình học bổng này không chỉ nâng cao được kiến thức, kỹ năng mà còn cả năng lực ngoại ngữ, xây dựng được nền tảng vững chắc cho sự nghiệp sau này.
Trong quá trình đào tạo, sinh viên được tham gia các lớp tiếng Hàn với chuẩn đầu ra đáp ứng tối thiểu TOPIK (Test of Proficiency in Korean) cấp độ 3. Bên cạnh đó, các sinh tốt nghiệp thạc sĩ theo chương trình học bổng này cũng sẽ làm việc trực tiếp cho tập đoàn Samsung tại Hàn Quốc. Toàn bộ chi phí đào tạo, bao gồm cả các lớp tiếng Hàn sẽ được Samsung tài trợ.
Đối tượng tuyển sinh là các sinh viên từ năm ba hoặc năm bốn theo hệ cử nhân có đủ điều kiện tham gia ứng tuyển, hoặc đã tốt nghiệp các ngành liên quan.
Là một trong những sinh viên năm cuối ngành Kỹ thuật điện tử, sinh viên Hoàng Văn Quyến, QH-2020-I/CQ cho biết, đây là một chương trình mang lại nhiều lợi thế đối với sinh viên. Khi tham gia chương trình sinh viên có nhiều cơ hội được tiếp cận, cọ xát, trải nghiệm môi trường doanh nghiệp trong nước và quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực sinh viên đang theo học tại trường về chip, bán dẫn.
Chương trình học bổng này không chỉ thu hút sinh viên năm thứ tư mà ngay cả những tân kỹ sư, cử nhân đã tốt nghiệp cũng mong muốn tìm hiểu cơ hội học tập và apply học bổng.
Tân kỹ sư Nguyễn Văn Long, ngành Kỹ thuật Máy tính, Khoa Điện tử viễn thông, cán bộ tạo nguồn của nhà trường chia sẻ: Sự hợp tác này giữa nhà trường và Samsung là cơ hội tuyệt vời để cho tất cả các bạn sinh viên, học viên đang theo đuổi lĩnh lực chip, bán dẫn được tham gia các khóa học chuyên sâu kiến thức và trải nghiệm thực tiễn về ngành, đồng thời tăng khả năng vốn ngoại ngữ, chương trình còn là tiền đề để người học có cơ hội học lên thạc sĩ trong lĩnh vực chip, bán dẫn tại cơ sở giáo dục đại học hàng đầu và môi trường doanh nghiệp công nghệ, điện tử quy mô hàng đầu quốc tế. Đây là dịp để người học được được tham gia đào tạo tại nước ngoài giúp bản thân sinh viên, học viên có cơ hội tốt để phát triển tốt nghề nghiệp sau tốt nghiệp.
Chương trình học bổng VNU-Samsung Technology Track gồm 40 suất bao gồm 100% học phí, chi phí thực tập tại Hàn Quốc, tiền trợ cấp trong quá trình học, chi phí đào tạo tiếng Hàn.
Nội dung đào tạo: 60 tín chỉ gồm các môn Thiết kế hệ thống trên chip, Mô hình hóa và mô phỏng linh kiện bán dẫn, Thiết kế mạch tích hợp, Thí nghiệm vi chế tạo, Thực tập công nghiệp, Kỹ thuật mạch tích hợp.
Cơ hội việc làm: Học viên sau tốt nghiệp được tuyển dụng và làm việc tại một trong các văn phòng của Samsung, Hàn Quốc.
Lộ trình tuyển sinh: Tuyển sinh tháng 2-4/2024; định hướng tuyển dụng từ Samsung tháng 5/2024; triển khai các lớp tiếng Hàn tháng 6/2024; nhập học tai VNU-UET tháng 9/2024