Chỉ trong vài ngày, nhiều phụ huynh có con học tại các trường ở TP.HCM bị lừa hàng trăm triệu đồng bởi "kịch bản" con bị chấn thương sọ não. Kẻ lừa đảo tự xưng là giáo viên thông báo rằng, con họ bị tai nạn đang nhập viện, yêu cầu chuyển tiền gấp vào tài khoản cá nhân người gọi để đóng viện phí cho trẻ. Không ít người thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo này.
Theo thống kê sơ bộ của Bệnh viện Chợ Rẫy, tính đến chiều 8/3 đã có 13 người là phụ huynh có con đang theo học tại các trường trên địa bàn TPHCM đến bệnh viện này tìm con sau khi nhận cuộc gọi từ người tự xưng là giáo viên và thông báo con em của họ bị tai nạn phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Ngoài ra, bệnh viện cũng nhận nhiều cuộc gọi đến từ các bậc phụ huynh nhờ xác minh thông tin trẻ cấp cứu tại bệnh viện nhưng hầu hết đều là thông tin ảo từ nhóm đối tượng lừa đảo.
Ông Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác Xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, số lượng các vụ lừa đảo dạng trên vẫn tiếp tục gia tăng. “Sau những ngày đầu tập trung vào nhóm học sinh các trường quốc tế, trường tiểu học, đến nay đối tượng lừa đảo đã mở rộng ra hầu hết học sinh ở các cấp học, trong đó có cả những người là sinh viên đại học. Kẻ xấu vẫn sử dụng thủ đoạn cũ là thông báo cho gia đình về việc con em đang cấp cứu trong tình trạng nguy kịch và đề nghị chuyển tiền đóng viện phí để mổ gấp”, ông Hiển nói.
Anh Nguyễn Đình Nh (phụ huynh của bé Nguyễn Vũ Minh Kh đang học lớp 4, Trường Quốc tế Việt Úc) là người bị lừa mất 200 triệu đồng. “Họ gọi cho tôi vào sáng 6/3, thông báo con tôi bị tai nạn đang cấp cứu trong tình trạng nguy kịch tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi liên lạc với nhà trường nhưng không được nên mới gặp xui rủi. Thực sự, tôi chỉ nghĩ đến sự an nguy của con mà không hề có bất kỳ sự cảnh giác nào về tình huống mình có thể bị lừa”, anh Nh. nói và cho biết, gia đình anh đã chuyển khoản 2 lần cho đối tượng lừa đảo với tổng số tiền là 200 triệu đồng, đến khi vào bệnh viện anh mới biết bị lừa.
Bạn đọc gửi ý kiến
Một bạn đọc tên là Nhật cho biết: "Tôi cũng nhận được cuộc gọi tương tự, kẻ gian yêu cầu tôi chuyển gấp 100 triệu đồng để đóng viện phí phẫu thuật cho bé vì chấn thương sọ não. May mà lúc gọi taxi để đến bệnh viện tôi sực nhớ số điện thoại của cô chủ nhiệm con mình nên gọi xác minh mới biết bị lừa. Tôi vẫn còn run khi nghĩ về kiểu lừa độc ác".
Bạn đọc Huyman có ý kiến: "Giờ không khó để có thông tin của phụ huynh. Vấn đề chính là quy định truyền đạt thông tin giữa nhà trường và phụ huynh phải rõ ràng. Nhà trường phải thông báo rõ cho phụ huynh biết ai chịu trách nhiệm làm đầu mối thông tin trong tình huống khẩn cấp, số điện thoại khẩn cấp là số nào".
"Kẻ lừa đảo có thể tấn công bất cứ môi trường nào. Bình tĩnh, thận trọng sẽ hành xử đúng hơn. Phụ huynh bị lừa vì quá nôn nóng! Lẽ ra phải kiểm tra với nhà trường, với giáo viên trước khi chuyển khoản. Nôn nóng không giải quyết được gì cả" - bạn đọc Nguyên có ý kiến.
Bạn đọc Dien Nguyen đặt vấn đề đang nóng là trách nhiệm các nhà mạng để sim rác hoành hành bao nhiêu năm nay, tiếp tay cho tội phạm lừa đảo bày trò này đến trò khác. Cơ quan chức năng phải kiên quyết xử lý việc này, để người dân không còn khốn khổ vì bị lừa đảo nữa.
Theo bạn đọc Hieu, "việc lừa đảo và thực hiện chuyển khoản qua ngân hàng rất phổ biến. Các ngân hàng phải thắt chặt và đảm bảo tuân thủ quy trình xác thực danh tính khách hàng khi mở tài khoản, để sau này có thể truy tìm dấu vết đường đi của đồng tiền lừa đảo".
Để ngăn chặn từ trứng nước các cuộc gọi lừa đảo, một số bạn đọc đề nghị nên truy trách nhiệm đại lý bán sim.
Về ý này, một bạn đọc đề xuất: "Cần truy trách nhiệm cao nhất cho đại lý bán sim khai báo thông tin gian dối, giúp người khác dùng số điện thoại không chính chủ đi làm phiền người khác (hoặc vi phạm pháp luật). Khi đó, dịch vụ cung cấp số điện thoại sẽ đi vào ổn định. Không còn lãng phí tài nguyên số, định danh người dùng, bảo vệ công dân an toàn hơn trên không gian số.
Vấn đề còn lại là khi các nhà mạng đang trong cuộc chạy đua tăng tỉ lệ người dùng có quyết tâm làm hay không mà thôi. Việc này cần bàn tay của cơ quan quản lý từ cấp bộ".
TP. HCM đồng loạt khuyến cáo
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết Sở đã yêu cầu các trường phải có biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo đến phụ huynh, học sinh, giáo viên thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin để không bị kẻ xấu lừa đảo. Đồng thời, kiểm tra rà soát các kênh thông tin liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình…
Về nghi vấn lộ lọt thông tin cá nhân của học sinh, phụ huynh, ông Hồ Tấn Minh cho rằng, rất khó có thể xác định lộ lọt từ đâu nhưng qua nắm bắt từ các trường hợp bị lừa đảo vừa qua, hầu hết các đối tượng chỉ nói chung chung chứ không nêu chi tiết lớp nào, địa chỉ ra sao…?
Hiện, nhiều trường học trên địa bàn TPHCM cũng đã gửi thông tin cảnh báo đến phụ huynh học sinh về tình trạng lừa đảo đang diễn ra. Bà Lê Thị Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, cho biết, khi hay tin một phụ huynh vừa bị kẻ xấu lừa đảo mất 100 triệu đồng bằng thủ đoạn như trên, Ban giám hiệu nhà trường đã hướng dẫn phụ huynh trình báo sự việc và cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan công an.
Bà Giang cho biết, nhà trường còn ghi nhận có 3 phụ huynh khác cũng bị gọi điện, yêu cầu chuyển khoản với chiêu thức tương tự. Tuy nhiên, những phụ huynh này đã kịp hỏi để xác nhận thông tin với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường nên không bị mắc lừa.
Đại diện Công an TPHCM khuyến cáo, khi nhận thông tin về việc người thân đang bị tai nạn…, người dân cần bình tĩnh, liên hệ cơ quan, công ty, trường học nơi người thân đang công tác, làm việc, học tập để kiểm chứng thông tin. Người dân tuyệt đối không vội chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng để phòng ngừa việc bị đối tượng lừa đảo.
Khi phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động lừa đảo, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất (Công an phường, xã, thị trấn, Công an quận, huyện, TP Thủ Đức) hoặc liên hệ Trực ban Công an TPHCM (qua số điện thoại 069.3187.344), Trực ban Phòng Cảnh sát hình sự (qua số điện thoại 069.3187.200) để cung cấp thông tin, phối hợp cơ quan công an nhanh chóng điều tra, xử lý.
Luật sư Trương Văn Tuấn - Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, hành vi dùng thủ đoạn gian dối mạo danh giáo viên gọi điện thoại cho phụ huynh thông báo học sinh bị tai nạn phải chuyển khoản để mổ gấp nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt lên đến chung thân, tùy tính chất, mức độ của hành vi hoặc số tiền chiếm đoạt.
Bên cạnh đó, nếu có căn cứ xác định được người có hành vi cung cấp, mua bán dữ liệu cá nhân để kẻ xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm thì tùy tính chất, mức độ có thể bị xử phạt hành chính đến 60 triệu đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.