Câu chuyện phát triển 5G tại Ấn độ
Lời tòa soạn: Năm 2024 sẽ là năm Việt Nam thương mại hóa, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng số công nghiệp, hai nhà mạng lớn tại Việt Nam đã nhận giấy phép kinh doanh dịch vụ 5G đó là: Viettel và VNPT, trong khi băng tần 5G (C3: 3800-3900 MHz) được Bộ TT&TT thực hiện đấu giá vào chiều ngày 9/7 tại Cục Tần số Vô Tuyến điện, theo nhiều chuyên gia viễn thông dự đoán, nhà mạng MobiFone sẽ cố gắng giành được thông qua phiên đấu giá lần này. Nhằm mang lại góc nhìn toàn cảnh về sự phát triển và thương mại hóa công nghệ 5G, Điện tử và Ứng dụng giới thiệu bài viết trên Communications Today về Câu chuyện phát triển 5G tại Ấn độ.
Với sự đầu tư vốn gần đây vào BSNL và ba nhà mạng khác đã chứng kiến doanh thu và doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU) cao hơn trong năm tài chính 2023, ngành viễn thông Ấn Độ dường như đang trên đà phục hồi.
Ảnh: Communicationstoday.co.in
Ấn Độ đã triển khai một trong những mạng 5G nhanh nhất thế giới. Trong vòng 8 tháng kể từ khi ra mắt, Reliance Jio và Bharti Airtel đã phủ sóng tại 700 quận huyện, với 200.000 trạm phát sóng được lắp đặt, đạt tốc độ trung bình một trạm mỗi phút. Mạng 5G hiện đã được triển khai tại tất cả 28 bang và 8 lãnh thổ liên bang. Đây thực sự là một kỳ tích.
Theo lời Bộ trưởng Bộ Truyền thông, Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ, Ashwini Vaishnaw, đó là một cuộc Cách mạng Viễn thông ("Telecom Kranti"). Các quốc gia phát triển như Mỹ đang tỏ ra quan tâm đến công nghệ 4G/5G của Ấn Độ. Khi ra mắt trạm phát sóng 5G thứ 200.000 tại Gangotri vào tháng 5 năm 2023, ông Ashwini Vaishnaw cho biết, để dẫn đầu trong việc phát triển công nghệ 6G, Ấn Độ đã có hơn 100 bằng sáng chế về công nghệ 6G, cho thấy sự xuất sắc của các kỹ sư và các nhà sáng chế tài năng của đất nước.
Quá trình này đã nhận được những lời ngợi khen từ quốc tế. Ông Robert Le Busque, Phó chủ tịch khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Verizon Global Enterprise, nhận định: "Khi nói về công nghệ 5G, Ấn Độ đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Tôi cho rằng Ấn Độ đã trải qua giai đoạn triển khai mạng 5G quy mô lớn nhanh nhất thế giới và vẫn tiếp tục làm như vậy. Đó là một minh chứng tuyệt vời cho sự sáng tạo và khả năng thích nghi với công nghệ mới của Ấn Độ. Tốc độ áp dụng và triển khai 5G chính là dự báo cho khả năng Ấn Độ có thể hấp thụ được lợi ích kinh tế và công nghệ khổng lồ từ công nghệ này."
"Ấn Độ có thể sẽ vượt Mỹ trong triển khai 5G vào cuối năm" ông Börje Ekholm, CEO của Ericsson cho biết. Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, Eric Garcetti cũng bày tỏ sự tin tưởng khi cho rằng: “Ấn Độ, với dân số đông đảo, nền kinh tế số phát triển mạnh, áp dụng công nghệ vượt bậc so với nhiều quốc gia khác, đang sẵn sàng tận dụng sức mạnh biến đổi của 5G và 6G... để vươn lên dẫn đầu trong cuộc cách mạng kỹ thuật số”.
Hai nhà mạng dường như cũng đang chạy đua. Jio lên kế hoạch phủ sóng 5G toàn Ấn Độ vào tháng 12, trong khi Airtel đặt mục tiêu phủ sóng hoàn toàn vào tháng 3 năm sau.
Bharti Airtel đang triển khai 5G không độc lập (NSA-5G), trong đó công ty sẽ sử dụng băng tần 3500MHz cho đường tải xuống (downlink ) và L-1800 cho đường up lên (uplink). Đường up lên trên băng tần L-1800 giúp Bharti phủ sóng thêm 100-300m, cải thiện trải nghiệm so với mạng 5G chỉ dựa trên băng tần 3500MHz. Bharti sẽ lắp đặt chủ yếu là tần số vô tuyến tích hợp (radio và ăng ten), trong khi trạm gốc 4G sẽ được sử dụng với thêm khe cắm 5G. NSA-5G sẽ sử dụng lõi của 4G. Để truyền tải ngược, Bharti cần củng cố mạng lưới cáp quang, nhưng sẽ ít bị áp lực hơn do băng tần E (71-76/81-86GHz) được phân bổ. Băng tần E có thể cung cấp thông lượng sóng vô tuyến lên tới 10 Gbps, giúp duy trì chất lượng dịch vụ 5G hợp lý với một bước truyền cáp quang.
Các trạm thu phát sóng 5G được triển khai tại Ấn Độ. Ảnh: Communicationstoday.co.in
RJio đang triển khai 5G độc lập (SA-5G), sử dụng kết hợp băng tần 3500MHz/700MHz với ghép kênh sóng mang. Điều này sẽ giúp RJio cung cấp trải nghiệm vượt trội sâu vào thị trường nhờ dải tần số dưới GHz. RJio cũng cần đầu tư vào lõi riêng cho 5G. RJio có lợi thế hơn so với Bharti với mạng lưới cáp quang mạnh mẽ cho truyền tải ngược.
Bharti Airtel và RJio đã cam kết chi lớn cho 5G trong vài năm tới. Bharti đã đưa ra kế hoạch chi tiêu vốn tổng cộng 750 tỷ INR cho Ấn Độ trong ba năm tới, trong đó năm tài chính 2023 và 2024 sẽ có mức chi tiêu tương đối cao, và bắt đầu giảm dần từ năm tài chính 2025 trở đi. RJio đã công bố tổng đầu tư 5G là 2.000 tỷ INR, bao gồm 900 tỷ cho phổ tần, 600-700 tỷ cho triển khai mạng và phần còn lại cho phát triển hệ sinh thái.
Ông Shri Ashwini Vaishnaw, Bộ trưởng Bộ Truyền thông, Điện tử và Công nghệ Thông tin, Chính phủ Ấn Độ. Ảnh: Internet
“Ấn Độ được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới trong vòng hai năm tới và lớn thứ ba thế giới trong vòng sáu năm. Đến năm 2047, bạn sẽ sống trong một quốc gia phát triển... khi bạn đưa ra quyết định, Ấn Độ sẽ nằm trong số các nền kinh tế hàng đầu”, Ông Shri Ashwini Vaishnaw, Bộ trưởng Bộ Truyền thông, Điện tử và Công nghệ Thông tin, Chính phủ Ấn Độ nhấn mạnh.
Vodafone Idea và BSNL vẫn chưa triển khai mạng 5G của họ. Trong khi Vodafone Idea cố gắng huy động vốn từ thị trường trong hơn hai năm mà không thành công, BSNL gần đây đã được chấp thuận gói phục hồi trị giá 89.047 crore (1 core = 10 triệu), gói thứ ba của doanh nghiệp này; lần đầu tiên là vào tháng 10 năm 2019 khi được cấp 69.000 crore và lần thứ hai vào tháng 7 năm 2022 với gói lớn hơn 1,64 lakh crore 1 lakh =100.000). Hai nhà mạng trên được dự đoán có thể cải thiện tình hình, và Ấn Độ sẽ có bốn nhà cung cấp dịch vụ. Thời gian sẽ đưa ra câu trả lời cho sự tồn tại của hai nhà mạng này.
Dự kiến Ấn Độ sẽ có phủ sóng 5G toàn quốc vào tháng 3 năm 2024, Gopal Vittal, Giám đốc điều hành của Bharti Airtel và Nam Á nói : "Hiện tại ngành viễn thông đang vượt trước các thành phần khác trong hệ sinh thái". Ông Gopal Vittal giải thích: "Phần còn lại của hệ sinh thái về thiết bị, ứng dụng, nội dung, tất cả đều cần thay đổi và chúng tôi hy vọng rằng trong những năm tới, hệ sinh thái này sẽ phát triển mạnh mẽ. 5G là trung tâm xung quanh đó nhiều ứng dụng cần xuất hiện".
"Ấn Độ có tốc độ triển khai 5G nhanh nhất và vào tháng 3 năm 2024, Ấn Độ sẽ có kết nối 5G trên khắp cả nước. Ấn Độ đã thiết lập 200.000 trạm phát sóng 5G trong vòng tám tháng kể từ khi dịch vụ ra mắt. Hiện nay, dịch vụ viễn thông đóng góp 1 đến 1,5% tăng trưởng GDP cho quốc gia."
Sunil Mittal, Nhà sáng lập và Chủ tịch, Bharti Enterprises
Nhiều vấn đề chưa được giải quyết gây bất lợi cho các nhà mạng như: áp lực từ các khoản nợ lớn, lợi nhuận kém do giá thấp và ARPU thấp. Quyết định có đấu giá tần số vệ tinh (satellite spectrum) hay không vẫn chưa được đưa ra. Trong khi phổ tần số mmWave (băng tần sóng milimet) đã được đấu giá và các nhà mạng đã có trong tay, nó vẫn chưa được ứng dụng trong hộ gia đình và doanh nghiệp tại Ấn Độ. Quyền sử dụng băng tần này vẫn là thách thức ở hầu hết các bang.
Trong khi các công ty công nghệ muốn phổ tần trực tiếp từ chính phủ để thiết lập mạng lưới riêng, số tiền đặt cược là 75.000-90.000 crore đối với các nhà mạng, vì đó là số tiền họ kỳ vọng tạo ra khi mạng lưới riêng bắt đầu triển khai đầy đủ trong vài năm tới và Ấn Độ tìm được các trường hợp sử dụng cho doanh nghiệp.
Việc triển khai trạm phát sóng 5G ở Ấn Độ theo bang/lãnh thổ. Ảnh: Communicationstoday.co.in
Thêm vào đó, lộ trình cho 6G ở Ấn Độ được đặt ra đến năm 2030. Tài liệu tầm nhìn Bharat 6G nhằm tạo điều kiện tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu phát triển, thiết kế và phát triển các công nghệ 6G bởi các startup Ấn Độ, các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học, để giúp Ấn Độ trở thành nhà cung cấp hàng đầu toàn cầu về IP, sản phẩm và giải pháp cho các giải pháp viễn thông 6G với chi phí phải chăng.
Giai đoạn 1 (2023 đến 2025) dự kiến sẽ khám phá các ý tưởng, các con đường rủi ro và các thử nghiệm chứng minh khái niệm.
Giai đoạn 2 (2026 đến 2030) dự kiến sẽ phát triển các ý tưởng, xác lập các trường hợp sử dụng và lợi ích, tạo ra IP và thiết lập các bãi thử nghiệm để thương mại hóa.
Tuy nhiên, công nghệ mới này thực sự sẽ là một bước tiến vượt bậc. 6G có khả năng hỗ trợ tốc độ truyền dữ liệu lên đến 1 terabit mỗi giây, điều này có nghĩa là các trường hợp sử dụng sẽ mở rộng đến các ý tưởng như hình ảnh ba chiều và các sản phẩm AR, điều này thực sự là cách mạng.
Mukesh Ambani, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Reliance Industries Ltd. Ảnh: Internet
"Tác động của 6G đến nền kinh tế đang phát triển của Ấn Độ là rất lớn. Không có công nghệ nào khác đã mang lại cho chúng ta nhiều lĩnh vực tăng trưởng như 5G đã làm đối với một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và đang nổi lên. Ấn Độ đang ở vị trí độc đáo để dẫn đầu trong việc sử dụng công nghệ 6G vì sự phát triển của xã hội và đời sống của hơn 140 crore người dân Ấn Độ". Mukesh Ambani, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Reliance Industries Ltd, nói.
Không chỉ vậy, công nghệ này còn là công nghệ đầu tiên cho phép kết nối giữa các yếu tố mạng trên mặt đất và ngoài không gian, điều này sẽ cho phép một thiết bị hoạt động giữa nhiều công nghệ khác nhau, mang đến sự thay đổi cách mạng và kết nối hàng triệu, nếu không muốn nói là hàng tỷ, máy móc.
Với nền kinh tế toàn cầu hiện tại được mô tả tốt nhất là chậm, không chắc chắn, đầy thách thức, khó khăn, biến động và không thể đoán trước, ngành viễn thông Ấn Độ lạc quan một cách thận trọng về hướng đi của mình.