Công nghệ AI - 'Làn gió mới' cho nền sản xuất của Đức
Ngày càng có nhiều công ty quan tâm đến việc sử dụng AI trong nhiều lĩnh vực kể từ khi công ty khởi nghiệp về AI - OpenAI (Mỹ) giới thiệu công cụ trò chuyện chatbot mang tên ChatGPT vào năm ngoái.
Tại Hội chợ Hanover về công nghệ công nghiệp diễn ra vào tuần trước ở Đức, tiềm năng của AI trong lĩnh vực sản xuất đã trở thành tâm điểm của hội chợ.
Thomas Meier, nhà phân tích dữ liệu của công ty công nghệ HPE (Mỹ), cho biết robot được trang bị AI có thể giải quyết các vấn đề kỹ thuật tại nhà máy, thay vì phải có một chuyên gia hướng dẫn cho công nhân cách xử lý các vấn đề có thể phát sinh. Các công nhân có thể gửi ảnh của một chiếc máy bị hỏng để chương trình AI phát hiện sự cố.
Các nhà sản xuất Đức kỳ vọng công nghệ AI sẽ mang lại làn gió mới cho. nền kinh tế nước này sau thời kỳ khủng hoảng toàn cầu.
Trong năm qua, HPE - với khoảng 60.000 nhân viên - đã làm việc với công ty khởi nghiệp AI của Đức là Aleph Alpha. Aleph Alpha được coi là một trong những đối thủ hàng đầu của OpenAI ở châu Âu.
Mặc dù tài nguyên của Aleph Alpha còn khiêm tốn so với OpenAI, công ty vốn nhận được nguồn tài chính lớn từ Microsoft. Tuy nhiên, công ty khởi nghiệp của Đức tin rằng họ có ít nhất một lợi thế lớn - đó là dữ liệu khách hàng ở châu Âu.
Tại một gian hàng khác tại hội chợ Hanover, "gã khổng lồ" công nghệ Đức Siemens cũng trưng bày một ứng dụng nhằm cải thiện hiệu suất của nhà máy. Với hợp tác cùng Microsoft, tập đoàn công nghiệp Đức này đang lên kế hoạch tung ra một phiên bản mới của nền tảng nhắn tin Teams trong năm nay. Phiên bản mới sẽ tích hợp tính năng ChatGPT và được thiết kế đặc biệt để hỗ trợ hiệu suất của người lao động và phát hiện lỗi trong sản phẩm.
Microsoft và Siemens, chia sẻ rằng họ đang làm việc với một số khách hàng trong ngành công nghiệp ô tô và hàng không vũ trụ, đồng thời bác bỏ quan điểm cho rằng AI sẽ dẫn đến tình trạng mất việc làm.
Giám đốc điều hành của công ty phần mềm Siemens Digital Industries Software Anthony Hemmelgarn nói rằng, một số công việc không thể bị thay thế bởi AI và công nghệ nhằm làm tăng tính hiệu quả.
Ông Jochen Koeckler, Trưởng ban tổ chức hội chợ Hanover, cho biết một lợi ích khác mà AI có thể mang lại là "giảm bớt tình trạng thiếu lao động lành nghề", đặc biệt là ở Đức.
Tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu, gần 58% các nhà sản xuất phàn nàn về tình trạng thiếu lực lượng lao động, theo một nghiên cứu của Viện Giáo dục và đào tạo nghề liên bang công bố vào tháng 12/2022.