Đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy trên không gian mạng
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng Nguyễn Văn Viện cho biết: Thời gian gần đây, tình hình tội phạm ma túy lợi dụng công nghệ cao thực hiện hoạt động phạm tội diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, phương thức thủ đoạn họat động ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Chúng lợi dụng thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0; các ứng dụng, nền tảng mạng xã hội (Facebook, Instagram, Telegram, Snapchat, Wechat…) để mua bán trái phép chất ma túy; tổ chức, lôi kéo, rủ rê, tụ tập sử dụng trái phép chất ma túy; hướng dẫn, điều chế, sản xuất, sử dụng trái phép chất ma túy… Quá trình giao - nhận, các đối tượng cũng lợi dụng dịch vụ vận chuyển (xe ôm công nghệ, taxi) nhằm tránh sự phát hiện, bắt giữ của lực lượng chức năng.
Trung tướng, TS Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phát biểu tại hội thảo.
Bên cạnh đó, các trang mạng điện tử cũng bị tội phạm ma túy lợi dụng như một kênh thông tin để quảng cáo, giao dịch mua bán ma túy. Chúng thường giao bán các loại ma túy “núp bóng” pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc đang được giới trẻ ưa chuộng sử dụng như “nước vui”, bánh cần, bánh lười “lazy cakes”chứa tinh dầu cần sa, thuốc lá điện tử, thuốc lá gói “Tabaco”, thuốc lá điếu tẩm dung dịch chứa chất ma túy. Khi bị phát hiện đối tượng khóa tài khoản, đánh sập trang và tạo tài khoản mới để tiếp tục hoạt động; điều này gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc đấu tranh.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, phát huy vai trò tư lệnh xuyên suốt, với quyết tâm không đi sau tội phạm, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đến Công an các địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy hoạt động trên không gian mạng, chuyển từ “đời thực” lên “đời ảo”, từ biện pháp thủ công, truyền thống sang công nghệ, hiện đại, trong đó có nhiều giải pháp mang tính “đột phá, sáng tạo, đi đầu”, có tính chất “cầm tay chỉ việc”.
Nhờ dự báo đúng tình hình, kịp thời có những giải pháp chiến lược, công tác đấu tranh với tội phạm ma túy trên không gian mạng từ khi được triển khai bước đầu đạt hiệu quả tích cực, lực lượng Công an đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phá được nhiều chuyên án lớn. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã đấu tranh, bắt giữ 2.527 vụ, 4.813 đối tượng phạm tội về ma túy có liên quan đến không gian mạng, đã triệt xóa 11 điểm hoạt động về ma túy trên không gian mạng.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phát hiện một ổ nhóm, đường dây có biểu hiện nghi vấn quảng cáo mua bán trái phép thuốc lá điện tử “pod chill”, thuốc lá điếu có pha trộn, tẩm ướp ma túy tổng hợp trên mạng xã hội. Trong đó nổi lên là nhóm đối tượng do Lê Anh Thơ (SN 1995), trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cầm đầu.
Các đại biểu tham dự tại Hội thảo.
Thủ đoạn của các đối tượng lập các nhóm kín trên mạng xã hội (chủ yếu là facebook và Telegram) để quảng cáo, rao bán…, thường xuyên sàng lọc người vào nhóm và cảnh giác nếu thấy dấu hiệu bị phát hiện thì xóa nhóm, xóa tài khoản ảo để lập tài khoản, nhóm mới để hoạt động. Chúng tạo các tài khoản ảo, sử dụng điện thoại, tài khoản ngân hàng không chính chủ, tiền ảo để làm kênh trao đổi thông tin mua bán, giao dịch, chuyển tiền và thông qua hệ thống vận chuyển hàng hóa bằng ship COD, xe ôm công nghệ, xe khách liên tỉnh… để chuyển hàng. Điển hình C04 đã phát hiện một ổ nhóm, đường dây có biểu hiện nghi vấn quảng cáo mua bán trái phép thuốc lá điện tử “pod chill”, thuốc lá điếu có pha trộn, tẩm ướp ma túy tổng hợp trên mạng xã hội. Trong đó nổi lên là nhóm đối tượng do Lê Anh Thơ, sinh năm 1995, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội cầm đầu.
Tập trung xác minh cho thấy, đây là một đường dây sản xuất, mua bán các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu có pha trộn, tẩm ướp ma túy dạng cần sa tổng hợp với số lượng lớn, phân phối trên toàn quốc, được tổ chức chặt chẽ, mang tính chuyên nghiệp. Ma túy, hóa chất, các bộ phận của thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu, bao bì, mấy móc… được các đối tượng nhập từ nước ngoài về Việt Nam và tổ chức pha trộn, tẩm ướp, đóng gói tại Hà Nội và đưa đi các tỉnh tiêu thụ. Các đối tượng lập các nhóm kín trên mạng xã hội (chủ yếu là facebook và Telegram) để quảng cáo, rao bán…, thường xuyên sàng lọc người vào nhóm và cảnh giác nếu thấy dấu hiệu bị phát hiện thì xóa nhóm, xóa tài khoản ảo để lập tài khoản, nhóm mới để hoạt động. Chúng tạo các tài khoản ảo, sử dụng điện thoại, tài khoản ngân hàng không chính chủ, tiền ảo để làm kênh trao đổi thôn tin mua bán, giao dịch, chuyển tiền và thông qua hệ thống vận chuyển hàng hóa bằng ship COD, xe ôm công nghệ, xe khách liên tỉnh… để chuyển hàng.
Trên cơ sở các tài liệu đã thu thập được ngày 5/7/2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã quyết định xác lập Chuyên án bí số 123T để tập trung đấu tranh. Qua thu thập thông tin xác định được các đối tượng trực tiếp sản xuất, pha trộn tẩm ướp ma túy, đóng gói, giao hàng và quảng cáo trên các nền tảng xã hội. Quá trình trinh sát, thu thập thông tin tài liệu về hoạt động của đường dây này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phát hiện các đối tượng đã 03 lần thay đổi kho sản xuất để che dấu hoạt động của mình.
Khi làm rõ các hành vi của đối tượng, vào hồi 11h45’ ngày 14/9/2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ trì phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tổ chức bắt quả tang 04 đối tượng, thu giữ: 03 can nhựa loại 12 lít, đối tượng khai là can dung dịch ma túy, 03 can có dung tích 20lít, khoảng 3.600 thuốc lá điện tử thành phẩm (đã pha trộn ma túy tổng hợp), 01 máy bơm tinh dầu có pha trộn ma túy tổng hợp vào thuốc lá điện tử, 02 máy dùng để cuốn thuốc lá điếu sợi, 03 máy hàn nhiệt dùng để hàn nilon, 01 máy hút chân không để đóng gói, 04 máy dùng để trộn lẫn hóa chất, dung dịch, 60 thùng (mỗi thùng 200 cây) thuốc lá điện tử dùng một lần, hơn 30 thùng vỏ điếu thuốc lá sợi (đang chờ nhập sợi để tẩm ướp ma túy đóng điếu) và các tài liệu khác có liên quan.
Tại Hội thảo, Công an các đơn vị, địa phương, các chuyên gia đã thảo luận, làm rõ hơn thực trạng tình hình tội phạm ma túy trên không gian mạng; nhận diện tội phạm ma túy trên không gian mạng; chỉ ra những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy lợi dụng không gian mạng để hoạt động.
Dự báo thời gian tới tình hình tội phạm ma túy, đặc biệt là tội phạm ma túy lợi dụng không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy, nâng cao nhận thức người dân về việc nhận diện, phát hiện tội phạm về ma túy để kịp thời tố giác. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc Cục và hệ lực lượng áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tập trung đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng với tội phạm ma túy, nhất là triệt phá các tổ chức, đường dây tội phạm ma túy lợi dụng không gian mạng để hoạt động, vì mục tiêu “không đi sau tội phạm”, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội./.