Doanh số bán lẻ và dữ liệu công nghiệp của Trung Quốc không đạt kỳ vọng trong tháng 8
Hình minh họa Người tiêu dùng mua sắm ở Hàng Châu, Trung Quốc. Nguồn: Getty.
Dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ tăng 2,1% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn kỳ vọng tăng trưởng 2,5% của các nhà kinh tế được Reuters thăm dò. Con số này cũng chậm hơn mức tăng 2,7% trong tháng 7.
Theo tính toán của CNBC dựa trên dữ liệu chính thức, doanh số bán hàng hóa vật lý trực tuyến tăng chưa đến 1% vào tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng công nghiệp tăng 4,5% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo tăng trưởng 4,8% của Reuters. Điều đó cũng đánh dấu sự chậm lại so với mức tăng 5,1% trong tháng 7.
Darius Tang, Phó Giám đốc khối doanh nghiệp tại Fitch Bohua, cho biết mặc dù có sự sụt giảm, sản lượng công nghiệp vẫn tăng nhanh hơn doanh số bán lẻ, “phản ánh sự mất cân bằng về mặt cấu trúc vốn có trong nền kinh tế Trung Quốc, với nguồn cung mạnh hơn và nhu cầu yếu hơn”.
Ông Tang cho biết công ty hy vọng Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ công bố thêm nhiều biện pháp kích thích dần dần trong quý IV để hỗ trợ tiêu dùng và bất động sản.
Đầu tư tài sản cố định tăng 3,4% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8, chậm hơn so với dự báo tăng trưởng 3,5%.
Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 5,3% vào tháng 8, tăng so với mức 5,2% vào tháng 7.
Trong số các khoản đầu tư tài sản cố định, cơ sở hạ tầng và sản xuất đã chậm lại về tốc độ tăng trưởng tính theo năm vào tháng 8 so với tháng 7. Đầu tư vào bất động sản đã giảm 10,2% trong năm tính đến tháng 8, cùng tốc độ giảm như tháng 7.
Người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia Lưu Ái Hoa cho rằng sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp là do tác động của mùa tốt nghiệp. Nhưng bà cho biết việc ổn định việc làm đòi hỏi nhiều công sức hơn.
Năm nay, cục thống kê đã công bố tỷ lệ thất nghiệp đối với những người từ 16 đến 24 tuổi không đi học vài ngày sau khi công bố tình trạng thất nghiệp rộng rãi. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vào tháng 7 là 17,1% .
“Chúng ta nên biết rằng những tác động tiêu cực phát sinh từ những thay đổi trong môi trường bên ngoài đang gia tăng”, cơ quan này cho biết trong một tuyên bố bằng tiếng Anh. “Một sự phục hồi kinh tế bền vững vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức”.
Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chậm lại sau sự phục hồi đáng thất vọng từ lệnh phong tỏa do Covid-19. Các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa công bố các biện pháp kích thích quy mô lớn, trong khi thừa nhận rằng nhu cầu trong nước là không đủ.
Các dữ liệu khác được công bố trong tuần qua đã nhấn mạnh sự yếu kém dai dẳng trong tiêu dùng.
Dữ liệu hải quan cho thấy nhập khẩu chỉ tăng 0,5% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, không đạt kỳ vọng. Xuất khẩu tăng 8,7%, vượt kỳ vọng.
Chỉ số giá tiêu dùng của Bắc Kinh trong tháng 8 cũng làm thất vọng kỳ vọng của các nhà phân tích khi tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái.