Đưa nông lâm thủy sản Việt Nam chạm mốc xuất khẩu 65 tỷ USD năm 2025
Năm 2024, ngành nông nghiệp đã đạt được những thành tựu vượt bậc của trong năm 2024, trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Bắc.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2024 giá trị sản xuất toàn ngành đạt mức tăng trưởng ước đạt 3,3%, tỷ lệ che phủ rửng đạt 42,2%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78,7%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn đạt 58%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%.
Bộ NN&PTNT gặp mặt các cơ quan báo chí nhân dịp đầu năm mới 2025. |
Tính đến nay, nông sản Việt Nam đã hiện hữu tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, có thể thích ứng với yêu cầu của những thị trường khó tính nhất. Trong năm 2024, 1.500 doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp lên 17.300, tăng 7,5% so với năm 2023. Không chỉ thu hút thêm các doanh nghiệp mới, ngành còn nhận được sự quan tâm và đầu tư ngày càng lớn từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước.
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, năm 2025 là năm cuối, tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2021 - 2025, toàn ngành Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục tập trung thực hiện việc chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, trong đó đặt ra một số mục tiêu cụ thể: Tăng trưởng toàn ngành đạt từ 3,3 - 3,4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 64-65 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42,2%, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 60%.
Tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí nhân dịp đầu năm mới 2025, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, để đạt được những thành quả trên là nhờ có sự quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Đảng và Nhà nước, sự chung sức đồng lòng của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân… Bên cạnh đó cũng có sự đóng góp không nhỏ của các phóng viên, biên tập viên của các cơ quan thông tấn báo chí.
Còn theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, với quy mô rộng lớn của đất nước và ngành nông nghiệp, các lãnh đạo Bộ không thể bao quát hết mọi vấn đề. Trong bối cảnh đó, báo chí có vai trò đặc biệt, khi các nhà báo là những người thường xuyên đi thực tế, trực tiếp tiếp xúc với nhiều đối tượng, thu thập thông tin đa chiều, từ đó có thể chia sẻ với Bộ những hiểu biết, kinh nghiệm và tâm tư sâu sắc.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, dư địa cho báo chí trong ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều, các nhà báo hoàn toàn có thể giúp ngành phát triển thêm. Đồng thời, mong muốn các phóng viên, nhà báo xem mỗi bài viết như một tác phẩm báo chí, từ đó chăm chút, đầu tư cho tác phẩm của mình để ra được nhiều bài báo chất lượng, góp phần thông tin, tuyên truyền, phản ánh hơi thở của nông nghiệp một cách toàn diện, đồng bộ, chuyên sâu trên tất cả các lĩnh vực.