Giải pháp nền tảng dùng chung bệnh án điện tử mang lại nhiều lợi ích
BSCK2 Bùi Nguyễn Thành Long - Phó Trưởng phòng nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM - trình bày về "đặt hàng" bệnh án điện tử - Ảnh: TRỌNG NHÂN.
Đại diện Sở Y tế TP.HCM đưa ra "đặt hàng" về bệnh án điện tử trong hội nghị chia sẻ bài toán nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý và khám chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM, do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức chiều 29-5.
Đây là một trong nhiều hoạt động kết nối nằm trong cuộc thi "Tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo trong khu vực công năm 2024 - Saigon Govtech Challenge 2024" (Gov.Star 2024) của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Theo đó, các cơ quan, đơn vị sẽ được kết nối với cộng đồng đổi mới sáng tạo để nêu bài toán đang gặp phải, nhằm tìm kiếm giải pháp thông qua cuộc thi Gov.Star 2024.
Tại hội nghị chiều 29-5, BSCK2 Bùi Nguyễn Thành Long - Phó Trưởng phòng nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM - trình bày tại TP.HCM đã có 44/55 bệnh viện xây dựng kế hoạch triển khai bệnh án điện tử EMR (đạt 80%).
Tuy nhiên chỉ có 4 bệnh viện đã có bệnh án điện tử được Bộ Y tế thẩm định (có 2 bệnh viện đã công bố là Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhi đồng thành phố). Có đến 51 bệnh viện chưa đủ điều kiện thẩm định bệnh án điện tử, chiếm tỉ lệ 92,7%.
Trong khi đó, theo yêu cầu của Bộ Y tế, đến năm 2025, tất cả bệnh viện trên cả nước phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử.
Theo ông Long, thách thức nằm ở chỗ hệ thống bệnh án điện tử cần được triển khai trên nền tảng công nghệ hiện đại, tích hợp các hệ thống quản lý y tế như hồ sơ bệnh án, quản lý bệnh nhân, kê đơn thuốc và các tác vụ số khác. Bệnh án điện tử cũng được yêu cầu liên thông các phần mềm khác như bảo hiểm y tế và có tính năng chia sẻ dữ liệu.
Dù vậy, nhân sự về công nghệ thông tin tại các bệnh viện chưa đáp ứng được nhu cầu về xây dựng và quản trị hệ thống, cũng như phát triển ứng dụng cho đơn vị. Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân sự còn nhiều hạn chế.
PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ tại hội nghị - Ảnh: TRỌNG NHÂN
PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng thay vì mỗi đơn vị sẽ phát triển một bệnh án điện tử riêng "từ A đến Z", thì có thể xây dựng một khung bệnh án điện tử dùng chung. Từ khung dùng chung này, mỗi đơn vị có thể tùy chỉnh dựa vào một số yếu tố đặc thù như quy mô, số giường bệnh…
Bởi nhìn chung giữa các bệnh viện, các quy trình khám chữa bệnh, điều trị, cho thuốc… có nhiều nét tương đồng.
Theo ông Dũng, có thể hướng tới dữ liệu của người bệnh trong các bệnh án điện tử có được sự liên thông để khi khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố, từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở, dữ liệu toàn bộ quá trình khám chữa bệnh có sự xuyên suốt.
Giải pháp nền tảng dùng chung bệnh án điện tử mang lại nhiều lợi ích
Đối với các bệnh viện, giải pháp xây dựng một nền tảng dùng chung cho bệnh án điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích. Thứ nhất, việc chỉ cần tùy chỉnh từ nền tảng dùng chung thay vì phải phát triển riêng từ đầu sẽ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí về nguồn lực công nghệ thông tin và nhân sự. Thứ hai, quá trình triển khai trở nên đơn giản hơn, giảm gánh nặng về mặt kỹ thuật khi chỉ cần tùy chỉnh thay vì xây dựng hệ thống hoàn toàn mới. Cuối cùng, việc sử dụng một nền tảng dùng chung sẽ giúp tiêu chuẩn hóa cách thức quản lý và lưu trữ hồ sơ bệnh án giữa các bệnh viện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ và liên thông dữ liệu.
Với giải pháp này, người bệnh sẽ thuận tiện hơn trong việc chia sẻ hồ sơ bệnh án khi khám chữa bệnh tại các bệnh viện khác nhau trên địa bàn TP.HCM nhờ sự liên thông của dữ liệu. Quá trình khám chữa bệnh cũng sẽ trở nên thông suốt hơn, giúp các bác sĩ dễ dàng theo dõi toàn bộ quá trình điều trị trước đó của người bệnh.
Đối với cơ quan quản lý, giải pháp này sẽ tạo thuận lợi trong việc thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu y tế trên quy mô thành phố, hỗ trợ cho các chính sách và quy hoạch nguồn lực y tế. Việc giám sát, quản lý việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy trình chuyên môn trong khám chữa bệnh cũng trở nên dễ dàng hơn.
Việc xây dựng một nền tảng dùng chung cho bệnh án điện tử sẽ giúp tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai; đồng thời tạo thuận lợi cho sự liên thông dữ liệu, nâng cao chất lượng chăm sóc y tế và khả năng quản lý nhất quán cho cả bệnh viện, người bệnh và cơ quan quản lý địa phương.