Nhiệt điện Hải Phòng lỗ lớn hơn trăm tỷ do chi phí nhiên liệu tăng cao
Ảnh minh họa.
Trong quý 4, doanh thu của HND đạt hơn 2.6 ngàn tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn tăng đột ngột lên gần 2.7 ngàn tỷ đồng, tăng 21%. Kết quả là, sau khi khấu trừ, HND ghi nhận khoản lỗ gộp 66 tỷ đồng (so với lãi 20 tỷ đồng cùng kỳ).
Mặc dù chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ tăng 8%, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí của HND. Cuối cùng, sau thuế, Doanh nghiệp lỗ hơn 115 tỷ đồng trong quý 4 (so với lỗ 32 tỷ đồng cùng kỳ).
HND cho biết nguyên nhân chủ yếu của khoản lỗ này là do giá vốn tăng và công trình sửa chữa lớn tổ máy số 1 hoàn thành nghiệm thu, đưa vào sử dụng trong tháng 12/2023, điều này đã ghi nhận chi phí hoàn thành vào quý 4/2023.
Tình hình kinh doanh của HND trong quý 4 và cả năm 2023. Nguồn: VietstockFinance.
Kết quả lỗ nặng trong quý 4 đã gây ảnh hưởng lớn đến kết quả lợi nhuận tích lũy của Doanh nghiệp. Mặc dù doanh thu trong năm 2023 đạt 11.4 ngàn tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước, nhưng HND kết thúc năm với lợi nhuận sau thuế chỉ còn 418 tỷ đồng, thấp hơn 24% so với cùng kỳ năm trước.
Theo mục tiêu được thông qua tại ĐHĐCĐ 2023, Doanh nghiệp chỉ đạt được 86% mục tiêu doanh thu và 78% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Thời điểm cuối quý 4, HND có 7.8 ngàn tỷ đồng giá trị tổng tài sản, giảm 5% so với đầu năm, với 3.8 ngàn tỷ đồng là tài sản ngắn hạn (tăng 15%). Lượng tiền mặt và tiền gửi nắm giữ giảm mạnh còn 38 tỷ đồng (đầu năm gần 616 tỷ đồng). Doanh nghiệp có 2.9 ngàn tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng, hơn đầu năm 26%. Đáng chú ý, giá trị hàng tồn kho ghi nhận 828 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần đầu năm.
Tuy vậy, khả năng hoạt động liên tục của HND không gặp trở ngại, vì nợ ngắn hạn chỉ gần 2.1 ngàn tỷ đồng (tăng 40%). Nợ vay ngắn hạn cuối kỳ cũng giảm gần nửa, còn 404 tỷ đồng.
Triển vọng 2024 tăng
Là doanh nghiệp nhiệt điện, HND có khả năng hưởng lợi trong giai đoạn nửa đầu năm 2024. Theo MBS nhận định thời điểm đầu năm 2024, việc huy động đối với nhiệt điện sẽ gia tăng.
Nguyên nhân do miền Bắc có tỉ trọng thủy điện cao, bị ảnh hưởng bởi thủy văn kém tích cực đến ít nhất quý 2/2024, phải bù đắp bằng điện than trong cao điểm những tháng mùa nóng. Hơn nữa, giá than nhập khẩu đang có xu hướng giảm mạnh, hỗ trợ giá than trộn giảm theo, cải thiện khả năng cạnh tranh của điện than so với điện khí.
Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1&2 (Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng, thuộc EVNGENCO 2) tại xã Tam Hưng, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng có công suất 4x300MW, tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỷ USD (tương ứng khoảng 24.000 tỷ đồng). Mỗi năm Nhà máy sản xuất ra 7,2 tỉ KWh điện, cung cấp một sản lượng điện lớn cho lưới điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện cấp bách cho hệ thống điện và cung cấp ổn định cho khu vực tam giác kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Chu trình sản xuất điện của Nhà máy bao gồm 2 thiết bị chính là lò hơi và tuabin, máy phát với hệ thống truyền tải điện bao gồm 2 sân phân phối 220kV và 110 kV.
Thực tế, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo EVN, các nhà máy điện nói chung Nhiệt điện Hải Phòng nói riêng đều phải thực hiện một chương trình giám sát đặc biệt, nhất là các chỉ số liên quan đến môi trường như bụi, khói thải là SOx và NOx.
Chương trình này yêu cầu phải tuân thủ đầy đủ cam kết về quan trắc và giám sát môi trường đã được phê duyệt trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ở quy định này, các nhà máy nhiệt điện than phải chịu trách nhiệm đối với nguồn phát sinh chất thải của mình, chủ động tìm kiếm các giải pháp để xử lý và tiêu thụ.
Tại Nhiệt điện Hải Phòng, các trạm quan trắc môi trường tự động được lắp thêm, hệ thống camera được bổ sung, nhất là các vị trí nhạy cảm như bãi xỉ. Tất cả các chỉ số quan trắc sau đó được truyền trực tiếp về hệ thống của các Sở Tài nguyên - Môi trường địa phương cũng như EVNGENCO 2.