Trước "cơn bão" ChatGPT đang khuấy đảo thế giới công nghệ, Tencent và các công ty công nghệ lớn tại Trung Quốc đang lập kế hoạch phát triển các công cụ tương tự. Việc này chứng tỏ sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty trong thị trường công nghệ đang ngày càng trở nên khốc liệt và AI đang trở thành một yếu tố chính để chiếm lĩnh thị trường.
Chủ tịch của Tencent, Martin Lau, cho biết dịch vụ chatbot của họ, dựa trên mô hình nền tảng độc quyền có tên Hunyuan, đang ở giai đoạn phát triển ban đầu. “Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi vào thời điểm này là chúng tôi cần phát triển đúng mô hình và chúng tôi có thể xây dựng nó lâu dài. Đối với chúng tôi, làm đúng quan trọng hơn là làm nhanh. Khi có mô hình phù hợp, chúng tôi sẽ ra mắt công chúng”.
Ông Lau khẳng định công nghệ mới nổi này sẽ là một công cụ tạo doanh thu mới tiềm năng cho Tencent.
Ông nói: “Các mô hình nền tảng tạo điều kiện thuận lợi cho dịch vụ của chúng tôi, như công cụ trợ lý ảo và tìm kiếm, những thứ có thể trở thành lĩnh vực tăng trưởng mới đối với Tencent”.
“Chúng tôi tin rằng chatbot là một trong nhiều ứng dụng mà chúng tôi sẽ tung ra trong tương lai. Vì vậy, đây là cơ hội kinh doanh mà chúng tôi thực sự có thể xây dựng theo thời gian và không phải là mối đe dọa kinh doanh mà chúng tôi phải giải quyết ngay lập tức”, ông nói.
Các nhà phân tích từng cảnh báo rằng chip có thể là một yếu tố làm chậm sự phát triển của AI ở Trung Quốc, vì các công ty Mỹ đã bị cấm xuất khẩu một số loại thiết bị sản xuất chip tiên tiến nhất định cho khách hàng ở Trung Quốc nếu không có giấy phép.
Tuy nhiên, ông Lau cho biết Tencent đã dự trữ đủ chip để tạo ra mô hình AI của riêng mình.
“Quan trọng hơn, chúng tôi có mảng điện toán đám mây mạnh mẽ cũng như các công nghệ liên quan để có thể sắp xếp và tận dụng các con chip, giúp tạo ra các cụm chip rất lớn, từ đó mang lại hiệu suất cần thiết để đào tạo ra những mô hình này, đặc biệt là khi các mô hình ngày càng phức tạp hơn theo thời gian”, ông nói.
Bình luận của ông Lau được đưa ra sau khi Tencent, hãng trò chơi điện tử lớn nhất thế giới, công bố doanh thu hàng năm đạt 554.55 tỷ nhân dân tệ (80.5 tỷ USD) cho năm 2022, giảm 1% so với năm trước đó, do tăng trưởng kinh tế suy yếu dưới chính sách Zero-COVID của Bắc Kinh.
Kết quả, lợi nhuận hàng năm của công ty giảm 16% xuống còn 188.24 tỷ nhân dân tệ vào năm 2022.
Tuy nhiên, doanh thu của Tencent trong quý 4/2022 đạt 144.95 tỷ nhân dân tệ, tăng 0.5% so với cùng kỳ năm trước đó và vượt qua ước tính trung bình là 144.02 tỷ nhân dân tệ của các nhà phân tích được Refinitiv khảo sát.
Thu nhập ròng của 3 tháng cuối năm ngoái cũng đạt mức cao hơn mong đợi là 106.27 tỷ nhân dân tệ, tăng 12%, nhờ công ty cắt giảm quy mô của các mảng kinh doanh không cốt lõi, sa thải nhân sự, cũng như tung ra các dịch vụ tạo doanh thu mới.
Doanh thu trò chơi trong nước cả năm 2022 giảm 6% xuống còn 27.9 tỷ nhân dân tệ do tổng doanh thu tiền mặt trong các quý trước thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu trò chơi quốc tế tăng 5% lên 13.9 tỷ nhân dân tệ khi công ty đẩy mạnh mở rộng ra nước ngoài.
Chủ tịch Lau cho biết: “Chúng tôi đang chuẩn bị mở rộng các trò chơi của mình ra khắp thế giới, còn tại thị trường nội địa, Tencent đã vượt qua những thách thức của ngành trong năm 2022 và đang ở vị thế tốt để thúc đẩy tăng trưởng”.
Khi tốc độ tăng trưởng chậm lại, Tencent bắt đầu tập trung vào nền tảng chia sẻ video dạng ngắn của mình, Channels, một chức năng được nhúng trong siêu ứng dụng WeChat nổi tiếng của họ, nhằm thách thức các đối thủ Kuaishou và Douyin của ByteDance. Tencent cũng bắt đầu tính phí hoa hồng từ các nhà cung cấp thương mại điện tử trên Channels từ tháng 1.
Tencent cho biết số lượng người dùng Channels đang tăng đều đặn và đó sẽ là động lực tăng trưởng chiến lược chính cho công ty, dù thời gian bình quân đầu người hàng ngày của ứng dụng này ước tính chỉ 30 phút, bằng 30% của Kuaishou và Douyin.