Thiếu cơ sở pháp lý khi giao dự án điện gió ngoài khơi cho EVN
Chưa có cơ sở pháp lý triển khai điện gió ngoài khơi.
Thời gian qua, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương rà soát và hoàn thiện kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8, đồng thời nghiên cứu việc thí điểm giao EVN và một số doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện thực hiện dự án điện gió ngoài khơi.
Mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam đến năm 2030 với công suất 6GW, nhưng Bộ Công Thương đã trao đổi rằng việc giao thí điểm cho EVN và các doanh nghiệp trong nước đang đối diện với hàng loạt khó khăn.
Đầu tiên, vấn đề hành lang pháp lý cho việc phát triển điện gió ngoài khơi vẫn chưa được làm rõ. Quy hoạch không gian biển quốc gia chưa nhận được sự phê duyệt, do đó, chưa có căn cứ để xác định phạm vi quản lý biển.
Luật đầu tư cũng chưa quy định rõ về việc cấp có thẩm quyền để quyết định chủ trương đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi. Điều này dẫn đến việc thiếu cơ sở pháp lý để giao EVN và các doanh nghiệp trong nước triển khai các dự án.
Do đó, trong đề nghị xây dựng Luật Điện lực sửa đổi, Bộ Công Thương đã đề nghị trong Luật Đầu tư quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi.
Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng giao EVN và các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu và khảo sát các điều kiện phát triển điện gió ngoài khơi, và sẵn sàng triển khai khi đã đủ cơ sở pháp lý để cấp có thẩm quyền giao chủ đầu tư.
Đối với nguồn điện mặt trời tập trung, dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 cũng chưa xác định được danh mục dự án, do chưa đủ cơ sở để xem xét tiến độ cụ thể các dự án này.
Bộ đã gửi văn bản đề nghị các địa phương rà soát dự án điện (bao gồm cả dự án điện mặt trời tập trung) theo 9 tiêu chí. Tuy nhiên, đến ngày 12-10 chỉ có 9/11 địa phương có dự án điện mặt trời tập trung đã giao chủ đầu tư phản hồi, với các thông tin vẫn chưa đầy đủ.
Thêm vào đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ về chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện 7 và 7 điều chỉnh cũng nêu rõ rằng việc bổ sung các dự án điện mặt trời là không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch. Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao UBND các tỉnh có dự án tiếp tục rà soát và báo cáo.
Đối với các nguồn điện khác, Bộ Công Thương cũng có báo cáo cụ thể. Theo đó, tổng công suất điện LNG sẽ phát triển đến năm 2030 là 22.400MW, với các dự án tập trung tại Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An và Bạc Liêu.
Phần lớn các dự án đều đang trong quá trình chọn nhà đầu tư, hoặc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nên thời gian dự kiến đưa vào vận hành là 2027-2030. Dự án LNG Nhơn Trạch 3 và 4 hiện đang trong quá trình thi công, có thời gian dự kiến vận hành vào 2024-2025.
Ngoài ra, điện than có tổng công suất dự kiến đạt 30.127MW đến năm 2030, bao gồm các dự án như Na Dương II, An Khánh (Bắc Giang), Quảng Trạch 1, Vân Phong 1, Long Phú 1... Tuy nhiên, có 5 dự án đang chậm tiến độ, gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn.
Bộ Công Thương đã tiến hành cuộc họp với các nhà đầu tư, cho phép kéo dài thời gian triển khai đến tháng 6-2024. Sau thời gian này, nếu không triển khai được thì sẽ phải chấm dứt theo quy định pháp luật.
Công suất nhiệt điện khí trong nước dự kiến đạt 14.930MW; nguồn thủy điện tích năng dự kiến là 2.400MW và các nguồn điện đồng phát, sử dụng nhiệt dư, khí lò cao... sẽ đạt khoảng 2.700MW. Pin lưu trữ cũng sẽ được phát triển tới năm 2030, với công suất dự kiến là 300MW.
Tại Diễn đàn Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam do Báo Điện tử VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức đã diễn ra ngày 12/10 tại Hà Nội. Phần trình bày tham luận của ông Nguyễn Đức Cường, Chuyên gia cao cấp về năng lượng của Tập đoàn T&T trao đổi về cơ hội và thách thức trong phát triển điện gió ngoài khơi, những đề xuất và kiến nghị đã thu hút nhiều sự quan tâm sâu sắc tại sự kiện.
Ông Cường chia sẻ, hiện nay, do thiếu công cụ pháp lý mạnh nên dẫn đến một số hạn chế trong việc khai thác tài nguyên ổn định và bên vững (chẳng hạn như Quyết định số 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió đã hết hiệu lực được 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa có cơ chế nối tiếp nên đã gây ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy). Đối với dự án Điện gió ngoài khơi (ĐGNK), hiện chưa thấy có tiêu chí hoặc thuật ngữ định nghĩa thế nào là một dự án ĐGNK? Do vậy, cần phân định cụ thể trong kế hoạch thực hiện QHĐ VIII ranh giới giữa điện gió trên bờ và ngoài khơi. Nếu không làm rõ được vấn đề này thì sẽ gây ra vướng mắc cho cả nhà đầu tư lẫn các địa phương và các bộ ngành. Ngoài ra, chúng ta vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong phát triển ĐGNK Không giống như điện mặt trời và điện gió trên bờ, ĐGNK đại diện cho các công trình hạ tầng quy mô lớn, và do đó có rủi ro về đầu tư rất lớn đối với các nhà phát triển và đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, nếu chỉ có một biểu giá áp dụng chung cho các vùng thì rất khó phát triển ĐGNK ở khu vực các tỉnh miền Bắc bởi, sự chênh lệch khá lớn về tốc độ gió dẫn đến chênh lệch lớn về hệ số công suất và làm cho sản lượng điện của các dự án ĐGNK giữa các khu vùng cũng cũng có sự khác nhau khá lớn, dao động từ 20% thậm chí đến trên 25%.