Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và chủ trì Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 năm 2023 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.
Thủ tướng và các đại biểu bấm nút khai mạc Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0
Đồng chủ trì Phiên toàn thể của Diễn đàn có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; ông Pier Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà khoa học công nghệ phát triển như vũ bão và thực sự đang bước vào giai đoạn phát triển mới với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Trong thời gian vừa qua, với việc chuyển đổi theo mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo, giảm bớt sự phụ thuộc vào những lợi thế cạnh tranh như tài nguyên thiên nhiên hay nguồn nhân công giá rẻ, kinh tế Việt Nam đã đạt được những bước phát triển mới, nhiều thành quả.
Chủ trương phát triển dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và các thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được Đảng, Nhà nước khẳng định trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và nêu rõ trong Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", trong đó xác định công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt, chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có chuyển đổi số và tăng trưởng xanh đã tác động toàn diện, sâu sắc đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Do đó, việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài, vừa tổng thể, vừa bao trùm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn
Trong thời gian qua, chuyển đổi số ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng. Thể chế cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số đang từng bước được hoàn thiện. Chuyển đổi số trong khối cơ quan hành chính nhà nước đã có nhiều kết quả tích cực. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã có những chuyển biến rõ rệt, với gần 4.400 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Các cơ sở dữ liệu làm nền tảng để triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được thúc đẩy triển khai, kết nối, chia sẻ phục vụ xây dựng Chính phủ số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, bám sát các yêu cầu của Nghị quyết 29 của Đảng, Chính phủ sớm ban hành Chương trình hành động để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp cho từng cấp, ngành, cơ quan đơn vị để thực hiện cho được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường. Theo đó, cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp; thực hiện điều chỉnh phân bố không gian phát triển công nghiệp của vùng, địa phương theo hướng gắn với các vùng động lực, cực tăng trưởng, hành lang kinh tế trọng điểm, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, lợi thế của từng vùng, bảo đảm tính chuyên môn hóa cao, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng; hình thành các vùng công nghiệp, vành đai công nghiệp, cụm liên kết ngành công nghiệp, khu công nghiệp, trọng tâm là hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp.
Cuối cùng, Thủ tướng chỉ rõ, Việt Nam là nền kinh tế phát triển năng động, kiên định nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đảng, Nhà nước Việt Nam rất coi trọng, xem chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Việt Nam có rất nhiều yếu tố thuận lợi cho việc tiếp cận và hưởng lợi từ CMCN lần thứ tư, như có cơ cấu dân số trẻ, ham học hỏi, năng động, sáng tạo, hạ tầng cho công nghệ số hóa phát triển nhanh, cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện. Vì vậy, dù phải chú ý đến những yếu tố tác động tiêu cực nhưng đây thực sự là cơ cơ hội để Việt Nam thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: "Phải tìm ra con đường riêng để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, công nghiệp hóa, hiện đại hóa luôn gắn với tri thức và công nghệ mới, tức là gắn với các cuộc cách mạng công nghệ mới.
Bộ trưởng cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 hiện nay, công nghiệp hóa, hiện đại hóa có nội hàm chuyển đổi số.“Công nghệ số và chuyển đổi số là cốt lõi của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và mô hình phát triển”.
Theo Bộ trưởng, mỗi quốc gia phải đi con đường riêng của mình để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa Việt Nam phải đi con đường Việt Nam, dựa trên bối cảnh văn hóa, trình độ phát triển, chế độ, tố chất con người và những bài toán Việt Nam.
CMCN lần thứ 4 có đến 50% là các công nghệ số, 50% các công nghệ còn lại là dựa trên công nghệ số để phát triển. Vì vậy, nhiều người coi CMCN lần thứ 4 là cuộc cách mạng công nghệ số.
Việt Nam hiện có rất nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc và đây chính là lợi thế của Việt Nam để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nói đến các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây là nói đến máy móc hay lao động chân tay. Lao động chân tay là cái có tính vật chất, vật chất thì hữu hạn, máy móc có thể thay thế cái hữu hạn.
Còn nói đến CMCN lần thứ 4 là nói đến máy móc hay lao động trí óc, nói đến thông minh hóa, nói đến trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ và trí óc là cái phi vật chất, vì vậy là cái vô hạn.
Máy móc thay đổi một phần hữu hạn của trí tuệ con người, giải phóng con người khỏi những hành động lặp đi lặp lại, nặng nề, nhàm chán, giúp trí não của mỗi con người khai phá được nhiều hơn phần vô hạn của trí tuệ, chứ không thay thế con người.
Như vậy, CMCN lần thứ 4 là trao thêm quyền năng cho con người thay vì thay thế con người. Nếu hiểu theo nghĩa này thì cuộc CMCN lần thứ 4 là cuộc cách mạng về trao thêm quyền năng cho toàn dân, là một cuộc cách mạng toàn dân, người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông bày tỏ tin tưởng.
Bộ trưởng Bộ TT&TT phân tích những cơ hội mà CMCN lần thứ 4 mang lại cho các quốc gia đang phát triển. Nếu các CMCN trước đây thì công nghệ nguồn và sản phẩm đi liền với nhau. Các nước đã phát triển chỉ bán sản phẩm, không bán công nghệ nguồn. Còn các nước đang phát triển chỉ là người sử dụng công nghệ, có rất ít cơ hội trở thành người phát triển công nghệ.
Với công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, công nghệ nguồn được tách khỏi sản phẩm và được cung cấp dưới dạng dịch vụ. Người dùng sử dụng công nghệ dạng này để phát triển sản phẩm và bán sản phẩm với giá cao hơn rất nhiều so với giá thuê dịch vụ công nghệ. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước đang phát triển tham gia vào quá trình sáng tạo, phát triển sản phẩm, giải quyết các bài toán mang tính ngữ cảnh địa phương để vừa phát triển đất nước vừa tham gia vào quá trình làm chủ công nghệ.
Do đó, xuất hiện một thành tố rất quan trọng của hạ tầng số là cung cấp công nghệ dưới dạng dịch vụ. Các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, từng cá nhân đều có thể sở hữu công nghệ cao để sáng tạo sản phẩm của mình. Như vậy, CMCN 4.0 là cuộc cách mạng về phát hiện vấn đề và nhu cầu. Các cuộc CMCN trước đây đầu tư là quan trọng, phát triển công nghệ nền là quan trọng. CMCN 4.0 thì phát hiện nhu cầu, phát hiện vấn đề là quan trọng.
Trong CMCN 4.0, ai nhiều vấn đề, nhiều nhu cầu thì người đó hưởng lợi. Nhưng phải chính mình phát triển sản phẩm để giải quyết vấn đề chứ không phải là người khác.
Việt Nam là nước thu nhập trung bình thấp, có khát vọng vươn lên, có rất nhiều nhu cầu và vấn đề. Đây chính là lợi thế cho Việt Nam. Nhưng để ứng dụng công nghệ mới, mô hình mới thì phải thay đổi thể chế. Vì thế mà cuộc CMCN lần thứ 4 là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 năm 2023 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức, gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đầt nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" (Nghị quyết số 29-NQ/TW), đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 về "Định hướng xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".