Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thì chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố sẽ có điều kiện được mở rộng, trong đó sẽ đưa vào các loại hình doanh nghiệp được hưởng chính sách như doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT).
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại chương trình.
Tại chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" tháng 5-2023 diễn ra ngày 14-5, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết: khi Quốc hội ban hành nghị quyết thay thế nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thì chương trình kích cầu đầu tư của TP sẽ có điều kiện được mở rộng, trong đó sẽ đưa vào các loại hình doanh nghiệp được hưởng chính sách như doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp CNTT.
Ông đề nghị cơ quan chức năng như Hội Tin học thành phố phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông (Sở TT&TT) giới thiệu cơ hội để các doanh nghiệp có những giải pháp chuyển đổi số hiệu quả có thể tận hưởng các chính sách ưu đãi của TP.HCM. Từ đó, các doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư, hoàn thiện các giải pháp của mình.
Nhấn mạnh TP.HCM coi chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ông Đức cho hay từ lâu thành phố đã đặt mục tiêu phát triển dựa trên nền tảng công nghệ. Năm 2021, TP chi 0,78% ngân sách cho chuyển đổi số; con số này năm 2022 là 0,97% và dự kiến năm 2023 là hơn 1%...
Cũng theo ông Dương Anh Đức, TP.HCM là địa phương duy nhất có chương trình kích cầu đầu tư. Sắp tới, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thì chương trình kích cầu này sẽ có điều kiện được mở rộng, trong đó sẽ đưa vào các loại hình doanh nghiệp được hưởng chính sách như doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp CNTT.
Vì vậy, ông Dương Anh Đức đề nghị cơ quan chức năng như Hội Tin học Thành phố phối hợp với Sở TT&TT giới thiệu các cơ hội để các doanh nghiệp có những giải pháp chuyển đổi số hiệu quả có thể tận hưởng các chính sách ưu đãi của TP.HCM. Từ đó, các doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư, hoàn thiện các giải pháp của mình.
Ông Đức cho biết thêm liên quan đến vấn đề xã hội hóa, TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu và đạt được nhiều thành tựu về xã hội hóa trong nhiều lĩnh vực, không chỉ trong chuyển đối số. Vì vậy, thành phố luôn mở rộng cửa và sẵn sàng tạo điều kiện để hấp thụ các nguồn lực xã hội, đặc biệt là chuyển đổi số, để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ người dân tốt hơn trên nền tảng công nghệ số.
Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng phát biểu tại Chương trình.
Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT, thời gian qua, lãnh đạo TP.HCM đã quyết liệt chỉ đạo triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Theo đó, người dân chỉ cần khai thông tin một lần, toàn bộ quá trình làm thủ tục đều được thực hiện trực tuyến, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người dân, các cơ quan giám sát cũng có thể theo dõi quá trình xử lý thủ tục hành chính, tránh tình trạng nhũng nhiễu.
Tuy nhiên, hiện nay việc ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính vẫn còn gặp khó khăn về kỹ thuật và con người bởi theo ông Thắng, để chuyển hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số thì phải có cán bộ công chức số, đội ngũ kỹ thuật và công dân số. Quá trình này phải có thời gian vừa chuyển đổi vừa huấn luyện.
Về lỗi ứng dụng trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, ông Thắng cho rằng có 4 nguyên nhân: Do phần mềm; do quá trình kết nối thông tin giữa TPHCM và các bộ, ngành; do đường truyền và thiết bị; do người sử dụng.
Vì vậy, Sở TT&TT đã xây dựng hệ thống tổng đài ghi nhận phản ánh của người dân. Từ tháng 10/2022 đến tháng 5/2023, Sở ghi nhận 7.000 cuộc phản ánh và đã xử lý ngay. Sở cũng sẽ nghiên cứu hoàn thiện phần mềm hệ thống, làm việc với các bộ, ngành để kết nối các dữ liệu.
Đối với vấn đề bảo mật thông tin, lộ lọt thông tin cá nhân, ông Lâm Đình Thắng cho biết có 2 nguyên nhân chính. Đó là do bên cung cấp tiện ích cho người dân không đảm bảo bảo mật thông tin. Bên cạnh đó, người dân để lộ thông tin của mình cho các nền tảng trực tuyến, nhất là trên mạng xã hội.
Ông Thắng cho rằng các cơ quan Nhà nước phải tuân thủ quy định về bảo mật thông tin cá nhân, khi cung cấp cho bên thứ 3 phải đảm bảo quy định, mã hóa dữ liệu, thông tin vừa đủ.
Ngoài ra, ông Thắng khẳng định Sở TT&TT sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh các đơn vị sử dụng thông tin của người dân.