Vệ sĩ theo sát Elon Musk ở Twitter vì bất an
Vệ sĩ theo sát Elon Musk. (Ảnh: Getty Images/Futurism).
“Dù ông ấy có đi tới bất cứ đâu trong văn phòng, cũng đều có hai vệ sĩ theo kèm. Những vệ sĩ này có thân hình rất vạm vỡ, cao lớn như những diễn viên trong phim Hollywood”, nguồn tin cho biết. “Họ theo sát kể cả khi Elon Musk đi vệ sinh”.
Elon Musk từng nói rằng ông không tin tưởng các nhân viên tại Twitter. Vì thế, trong những ngày đầu tiếp quản công ty, ông đã đưa sang những kỹ sư từ Tesla để làm việc và yêu cầu nhân viên Twitter phải viết code ra giấy trước khi ra quyết định sa thải một ai đó.
Nhân viên Twitter cho biết làn sóng sa thải từ tháng 10 năm ngoái đã khiến số lượng nhân sự Twitter giảm 70% và dẫn đến nhiều dịch vụ bị trục trặc, không còn ai để khắc phục. “Đối với những người còn ở lại, công ty như một toà nhà mà tất cả các nơi đều đang bốc cháy”.
Thực tế, trong những tháng gần đây, Twitter đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể số lượng nhân viên. Điều này buộc các nhân sự phải chấp nhận lối làm việc điên cuồng mà Musk gọi là Twitter 2.0 hoặc rời đi. Gần một nửa lực lượng lao động Twitter đã bị sa thải vào tháng 11, chỉ vài ngày sau khi Musk mua lại mạng xã hội này.
Đầu tháng 2, Twitter tiếp tục gây chú ý khi sa thải thêm 200 nhân viên, bao gồm cả những người ở vị trí cấp cao - những người thậm chí đã ủng hộ hướng đi mới của công ty vào cuối năm ngoái.
Đầu tuần này, một kỹ sư đã nổi nóng với Elon Musk trên Twitter sau khi anh ta không thể truy cập vào tài khoản công việc của mình trong suốt 9 ngày. Elon Musk đã hỏi về những đầu việc anh ta làm tại Twitter, sau khi được liệt kê, vị tỷ phú tuyên bố sa thải nhân viên này qua email.
Elon Musk nói rằng nhân viên này là người khuyết tật, không thể đánh máy được nhưng lại có thể viết tweet gây bão. “Anh ta không thực sự làm việc”, Musk cho hay.
Việc cắt giảm nhân sự được cho là đã khiến đội ngũ Twitter gặp khó khăn trong việc duy trì website. Trong tháng 2, mạng xã hội của tỷ phú Elon Musk đã 4 lần gặp sự cố ngừng hoạt động trên diện rộng, gần bằng một nửa so với 9 lần ghi nhận được trong cả năm ngoái. Gần đây nhất, đầu tuần này Twitter đã ngừng hoạt động.
Trên sóng truyền hình của BBC, một cựu nhân viên Twitter tiết lộ rằng công ty không còn khả năng bảo vệ người dùng khỏi những thông tin sai lệch, nội dung độc hại đối với trẻ em,… Nghiên cứu cho thấy, có sự gia tăng 69% báo cáo lạm dụng trong các tài khoản mới kể từ khi Twitter được bán lại.
Nguyên nhân là do những cơ chế phòng vệ đã bị thay đổi và việc cắt giảm nhân sự dẫn đến không có người làm.
Những diễn biến này đã hình thành nên nỗi bất an của Elon Musk. Giám đốc điều hành Tesla, SpaceX và Twitter liên tục trở thành người giàu nhất hành tinh trong thời gian gần đây đang sở hữu một đội bảo vệ gồm 100 người.
Vào tháng 1 năm nay, đoạn video quay lại cảnh Elon Musk rời phiên tòa xét xử ở San Francisco được lan truyền, xung quanh ông là những vệ sĩ mặc vest đen hộ tống từ cửa cho đến khi ông bước vào chiếc Tesla. Như thường lệ, không có những tuyên bố chính thức nào về đội vệ sĩ này.
Việc các công ty chi tiền bảo vệ cho lãnh đạo của họ là điều không hiếm, phần lớn để tránh việc họ bị làm phiền hay đe dọa bởi các tay săn ảnh hoặc người hâm mộ quá khích. Jeff Bezos, Larry Ellison, Elon Musk cũng nhiều CEO nổi tiếng khác đã chi hàng triệu USD chi phí an ninh của họ.
CEO Google, Sundar Pichai được trả 1,2 triệu USD phí bảo an vào năm 2020. Trong khi đó, Giám đốc điều hành của Apple, Tim Cook, phải trả hóa đơn an ninh trị giá 630.000 USD cùng với chi phí đi lại là 712.000 USD, tổng cộng khoảng 1,3 triệu USD.
Trong đó, theo Business Insider, Mark Zuckerberg là người được hưởng mức phí bảo an cao nhất. Tổng chi phí bảo vệ của Mark đã vượt quá 23 triệu USD vào năm 2020 và 25 triệu USD vào năm 2021 - đây là những năm gần nhất mà Meta đã tiết lộ tổng chi phí an ninh cho nhà sáng lập của họ.