Cần tăng cường vai trò của ngành y tế trong quản lý, giáo dục và chăm sóc sức khỏe phụ nữ mãn kinh
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 13 triệu phụ nữ ở giai đoạn tuổi tiền mãn kinh – mãn kinh (45-69 tuổi). Nếu tính cả phụ nữ bắt đầu bước vào độ tuổi suy giảm nội tiết tố (sau 35 tuổi) thì có khoảng 20 triệu người (chiếm khoảng 1/5 dân số) bị ảnh hưởng bởi vấn đề “mãn kinh”. Sau mãn kinh, phụ nữ còn sống thêm 20-30 năm, tương đương một phần ba cuộc đời nhưng phải đối mặt với nhiều vấn đề gây suy giảm chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa thực sự quan tâm, thậm chí đa số người “cam chịu” giai đoạn này. Từ việc suy giảm nội tiết (vấn đề sinh lý) sẽ kéo theo những hệ lụy khác như tim mạch, đau xương khớp, loãng xương, suy giảm trí nhớ… (vấn đề bệnh lý).
Ông Đinh Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) phát biểu tại Hội thảo.
Theo Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em Bộ Y tế Đinh Anh Tuấn, chị em phụ nữ cần có các biện pháp dự phòng từ sớm cho giai đoạn này. “Nghĩa là không đợi cho đến khi bước vào tuổi mãn kinh mới lấp lại các khoảng trống. Mà phải có ý thức bổ sung ngay các yếu tố cần thiết để duy trì sức khỏe của người phụ nữ và hạn chế tối đa những ảnh hưởng do suy giảm nội tiết gây ra” - ông Đinh Anh Tuấn chia sẻ.
TS.BS Trần Thị Thu Hạnh - Phó Khoa Phụ Nội tiết Bệnh viện Phụ sản Trung ương đưa ra lời khuyên, khi các rối loạn mãn kinh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, phụ nữ cần chủ động tìm đến các chuyên gia y tế sản phụ khoa, chia sẻ và thảo luận về tình trạng của mình để tìm ra các giải pháp phù hợp. TS.BS Trần Thị Thu Hạnh cho rằng có nhiều giải pháp giúp cải thiện các rối loạn tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh. Trong đó, liệu pháp nội tiết mãn kinh đóng vai trò quan trọng, được nhiều hiệp hội y tế uy tín trên thế giới khuyến cáo là giải pháp đầu tay trong điều trị mãn kinh.
TS Trần Thị Thu Hạnh - Phó Khoa Phụ Nội tiết Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ tại tọa đàm.
“Việc lựa chọn giải pháp nội tiết an toàn - cá thể hóa điều trị mãn kinh là vấn đề cần được các chuyên gia y tế và cộng đồng phụ nữ quan tâm. Lợi ích từ việc sử dụng liệu pháp nội tiết mãn kinh là làm giảm rõ rệt các triệu chứng tiền mãn kinh và giảm nguy cơ mắc bệnh lý thời kỳ mãn kinh” - TS.BS Trần Thị Thu Hạnh nhấn mạnh.
Cũng theo TS.BS Trần Thị Thu Hạnh, để duy trì chất lượng cuộc sống vui khoẻ, phụ nữ mãn kinh cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng ăn uống lành mạnh; tập thể dục tăng cường sức khoẻ; giữ tinh thần khỏe mạnh cùng tâm thế lạc quan, tích cực; thăm khám sức khỏe định kỳ, tham khảo ý kiến bác sĩ về nhu cầu bổ sung nội tiết mãn kinh và thuốc điều trị.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò của ngành y tế trong quản lý, giáo dục và chăm sóc sức khỏe phụ nữ mãn kinh; đồng thời hỗ trợ phụ nữ tiếp cận dễ dàng với liệu pháp nội tiết mãn kinh - giải pháp điều trị được nhiều hiệp hội y tế uy tín trên thế giới khuyến cáo sử dụng.
Với vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về chăm sóc sức khỏe sinh sản, năm 2024, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế phối hợp với các chuyên gia sản phụ khoa, các bệnh viện phụ sản được giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến đang chỉnh sửa, cập nhật Hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ban hành năm 2016.
Trong đó, nội dung chăm sóc sức khỏe phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh được xây dựng thành một chương riêng, độc lập, đầy đủ nội dung hơn, thay thế cho Hướng dẫn Quốc gia các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản phiên bản cũ – chỉ có duy nhất 1 nội dung tổng quan về mãn kinh.
Có thể bạn quan tâm


Vụ triệt phá đường dây sản xuất thuốc giả "khủng": Tên 21 loại thuốc là gì?
Cuộc sống số
Làn sóng chuyển dịch chiến lược trong ngành quảng cáo Mỹ
Chuyển động số
Trường Đại học Phenikaa chuyển thành Đại học Phenikaa - Kết quả của 6 năm tái cấu trúc mạnh mẽ
Cuộc sống số