Cuộc đua 5G tại Việt Nam chính thức mở màn

Cuộc đua 5G tại Việt Nam chính thức mở màn

Ngày thực hiện đấu giá các khối băng tần 5G cho các nhà mạng được Công ty Đấu giá Hợp danh Số 5 – Quốc gia vừa thông báo. Theo đó, ngày 8/3/2024 thực hiện đấu giá cho khối băng tần B1 (2500-2600 MHz), ngày 14/3/2024 cho khối băng tần C3 (3800-3900 MHz) và khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) là ngày 19/3/2024.

Công ty Đấu giá Hợp danh số 5- Quốc gia vừa ban hành các thông báo đấu giá đối với tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với 3 khối băng tần B1 (2500-2600 MHz); với khối băng tần C2 (3700-3800 MHz), C3 (3800-3900 MHz).

Trạm phát sóng 5G được nhà mạng MobiFone thử nghiệm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: MobiFone

Thông báo nêu rõ, thời gian bán và tiếp nhận hồ sơ đăng ký đấu giá đối với khối "băng tần vàng" B1 (2500-2600 MHz) từ ngày 23/2/2024 đến 17h00 ngày 5/3/2024.

Trong khi đó, khối băng tần C3 (3800-3900 MHz) thời gian bán và tiếp nhận hồ sơ đăng ký đấu giá từ ngày 23/2/2024 đến 17h00 ngày 11/3/2024, khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) từ ngày 23/2/2024 đến 17h00 ngày 15/3/2024.

Thông báo quy định, khoản tiền đặt cọc khối băng tần B1 là 200.000.000.000 (Hai trăm tỷ đồng), hai khối băng tần còn lại cùng là 100.000.000.000/khối (Một trăm tỷ đồng).

Cả ba khối băng tần sử dụng hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng tại cuộc đấu giá với phương thức trả giá lên.

Việc bỏ phiếu trả giá được tiến hành nhiều vòng cho đến khi không còn Doanh nghiệp trả giá thì Doanh nghiệp cuối cùng có mức giá trả cao nhất là Doanh nghiệp trúng đấu giá.

Giá khởi điểm của vòng đấu giá số 1 của ba khối băng tần lần lượt là: khối băng tần B1 là 3.983.257.500.000 đồng (Ba nghìn chín trăm tám mươi ba tỷ, hai trăm năm mươi bảy triệu, năm trăm nghìn đồng), hai khối băng tần còn lại cùng là 1.956.892.500.000 đồng (Một nghìn chín trăm năm mươi sáu tỷ, tám trăm chín mươi hai triệu, năm trăm nghìn đồng).

Thông báo cũng chỉ rõ, giá khởi điểm của vòng đấu giá tiếp theo là giá trả cao nhất đã trả ở vòng đấu giá trước liền kề.

Khối "băng tần vàng" B1 (2500-2600 MHz) được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-Advandced và các phiên bản tiếp theo, sử dụng phương thức song công phân chia theo thời gian (TDD) theo quy định tại Thông tư 18/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về quy hoạch băng tần 2300-2400 MHz và băng tần 2500-2690 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam.

Khối băng tần C2 và C3 được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-2020 và các phiên bản tiếp theo, sử dụng phương thức song công phân chia theo thời gian (TDD) theo quy định tại Thông tư 13/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về quy hoạch băng tần 3560-4000 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam.


XEM THÊM: Việt Nam công bố giá khởi điểm tần số 5G gần 4.000 tỷ đồng


Đối tượng, điều kiện tham gia đấu giá là tổ chức đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cấp Giấy xác nhận đáp ứng điều kiện tham gia đấu giá đối với tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được quy định tại Phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500 MHz - 2600 MHz và băng tần 3700 - 3900 MHz được phê duyệt tại Quyết định số 47/QĐ-BTTTT ngày 17/01/2024 của Bộ trưởng Bộ TT&TT. Đồng thời, doanh nghiệp đã mua, nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá hợp lệ theo quy định tại Điều 38 Luật Đấu giá tài sản và đã thực hiện nộp tiền đặt trước theo quy định tại Điều 39 Luật Đấu giá tài sản.

Thống kê cho thấy, hiện ba nhà mạng MobiFone, Vinaphone, Viettel đang sử dụng băng tần 2100 MHz cho dịch vụ 4G, băng tần 1800 - 2100 MHz cho dịch vụ 3G.

Băng tần 900 MHz được Bộ TT&TT cấp phép cho bốn nhà mạng MobiFone, Vinaphone, Viettel và Vietnammobile, tuy nhiên băng tần này có thời hạn sử dụng đến 15/9/2024. Duy nhất nhà mạng Viettel khai thác dịch vụ 2G tại băng tần 900 MHz, ba nhà mạng còn lại khai thác cả 2G/3G/4G.

Theo dự báo của Ericsson Việt Nam, hệ sinh thái LTE (4G) hỗ trợ các băng tần 850/900/1800/2100 MHz là chính, ước tính hỗ trợ phần cứng hơn 95% thiết bị. Hệ sinh thái 5G hỗ trợ các băng tần 1800/2100/900/700 MHz được ước tính hơn 90% thiết bị.

Theo quy hoạch của ITU, 3GPP và kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới cho thấy băng tần 900 MHz vẫn tiếp tục được sử dụng cho thông tin di động, hướng đến triển khai IMT thế hệ tiếp theo.

Theo dự báo của GSMA (The Mobile Economy 2023) và Ericsson (Ericsson mobility report June - 2023), tăng trưởng số thuê bao/kết nối di động trên toàn thế giới đến năm 2025 thì 4G vẫn là công nghệ chủ đạo với số lượng thuê bao 4G chiếm đa số (55%), đến năm 2028 vẫn còn chiếm đa số (50%) sau đó sẽ giảm dần khi 5G bắt đầu chiếm lĩnh. Theo dự báo của GSMA, đến năm 2030 tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, số lượng kết nối di động 4G vẫn chiếm 55% tổng số kết nối di động (GSMA Mobile-Economy-Report-Asia- Pacific-2023).

Theo Phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cho hệ thống thông tin di động mặt đất theo tiêu chuẩn IMT được Bộ TT&TT phê duyệt ngày 17/1/2024, mỗi doanh nghiệp chỉ được phép trúng tối đa 01 khối băng tần.

Như vậy, để thương mại hóa 5G điều kiện tiên quyết các nhà mạng tại Việt Nam phải trúng đấu giá "băng tần vàng" B1 (2500-2600 MHz) hay các nhà mạng có cách đi riêng khác? Chúng ta cùng chờ xem nhé.