Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam
Ngày 31/10, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Học viện Cảnh sát nhân dân tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: Chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, được Đảng, Nhà nước xác định là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh và bền vững; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc, không có ai bị bỏ lại phía sau, để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vượt lên, trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn hội thảo.
Các dấu ấn chuyển đổi số hiện diện rõ nét, đem đến những thay đổi rất tích cực trên cả 5 mặt công tác quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn nhiều mặt hạn chế, khó khăn, thách thức đặt ra đối với chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận hiện nay. Trong đó, năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ làm công tác tư tưởng, lý luận chưa theo kịp yêu cầu. Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận chưa được hoàn thiện, cán bộ, đảng viên và nhân dân khó tiếp cận nhất là ở vùng sâu vùng xa.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số đã và đang trở thành một yêu cầu quan trọng đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
PGS.TS Phạm Minh Sơn phát biểu chào mừng hội thảo.
Về giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, PGS.TS Vũ Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương khẳng định quan điểm: “Chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số”.
Đối với đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, cần cam kết chính trị mạnh mẽ của các cấp, cơ quan liên quan. Xuất phát từ nhận thức đầy đủ lợi ích của chuyển đổi số, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, người đứng đầu lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chiến lược, lộ trình, kế hoạch, phân bổ nguồn lực để chuyển đổi số kịp thời, đồng bộ. Cơ sở đào tạo lý luận chính gồm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 4 học viện khu vực, Học viện báo chí và tuyên truyền, các trường chính trị cấp tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng cấp huyện và một số cơ sở khác liên quan phải tiên phong bằng những hành động thiết thực trong chuyển đổi số...
Toàn cảnh hội thảo khoa học quốc gia.
Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, chia sẻ, Học viện Cảnh sát nhân dân đã và đang xây dựng, hoàn chỉnh về mục tiêu, chiến lược đào tạo, hình thức và phương pháp đào tạo, nhất là đối với các môn lý luận chính trị với ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Học viện đã triển khai hệ thống quản lý, điều hành giáo dục, đào tạo qua mạng nội bộ, xây dựng bài giảng điện tử, thực hiện chuyển đổi số ở các khâu tổ chức đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số. Hệ thống phòng máy tính, phòng học chuyên dùng cho các môn lý luận chính trị, thư viện phục vụ nghiên cứu giáo trình, tài liệu, hệ thống phòng đọc các môn lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Hội thảo đã thu hút 87 bài tham luận, với các chủ đề và góc nhìn phong phú, đa dạng, đều thống nhất khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận là yêu cầu cấp thiết, phù hợp mục tiêu xây dựng xã hội số hiện nay ở Việt Nam.