Hà Lan gia nhập 'làn sóng tẩy chay TikTok'
Bộ Nội vụ Hà Lan cũng cho biết bộ này khuyến cáo nhân viên chính phủ không cài vào điện thoại làm việc tất cả các ứng dụng đến từ "những nước có chương trình mạng nhắm vào Hà Lan hoặc lợi ích của nước này". Tháng 2 vừa qua, cơ quan tình báo Hà Lan đã liệt kê một số nước có chương trình mạng gây ra nguy cơ gián điệp.
Trước đó, chính phủ nhiều nước châu Âu cũng có động thái tương tự. Mới đây nhất, Bỉ quyết định cấm nhân viên chính phủ liên bang cài đặt ứng dụng TikTok của công ty ByteDance (Trung Quốc) trên các máy tính và điện thoại công vụ của họ. Anh cũng thông báo cấm cài đặt ứng dụng chia sẻ video ngắn này trên các thiết bị của cơ quan nhà nước và chính phủ.
Cũng trong ngày 21/3, Cơ quan chống độc quyền của Italy thông báo đã mở một cuộc điều tra ứng dụng TikTok vì nền tảng này được cho là vi phạm các quy tắc khi cho phép đăng tải “nội dung nguy hiểm” như kích động tự tử, tự làm hại bản thân và theo chế độ ăn kém dinh dưỡng.
Làn sóng tẩy chay TikTok cấp độ quốc gia đang ngày càng lan rộng trên toàn thế giới.
Nhà chức trách Italy cho rằng trên nền tảng này có rất nhiều video quay cảnh những người trẻ tuổi thực hiện hành vi tự làm hại bản thân. Theo cơ quan giám sát, TikTok "thiếu các hệ thống phù hợp để giám sát nội dung do bên thứ ba xuất bản" và vi phạm các nguyên tắc của chính TikTok về việc xóa nội dung nguy hiểm.
Cơ quan chống độc quyền cũng điều tra việc khai thác các kỹ thuật trí tuệ nhân tạo có khả năng "gây ra tình trạng quá mức" đối với người dùng của TikTok.
Theo cơ quan này, cuộc điều tra liên quan đến chi nhánh Ireland của TikTok, chịu trách nhiệm về quan hệ khách hàng châu Âu, cũng như các chi nhánh tại Anh và Italy.
Trong diễn biến có liên quan, đã có thêm sáu thượng nghị sĩ Mỹ đã ủng hộ lưỡng đảng trao cho Tổng thống Joe Biden quyền hạn mới để cấm TikTok vì lý do an ninh quốc gia.
Tuần trước, TikTok cho biết chính quyền Tổng thống Biden đã yêu cầu các chủ sở hữu Trung Quốc thoái vốn cổ phần của họ trong ứng dụng nếu không có thể phải đối mặt với lệnh cấm của Mỹ.
Ứng dụng phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng ở Washington, bao gồm cả những kêu gọi cấm ứng dụng này do lo ngại an toàn dữ liệu người dùng của Mỹ. Hồi tháng 9/221, TikTok thông báo ứng dụng này có hơn 1 tỉ người dùng hàng tháng trên toàn cầu.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mark Warner, người cũng ủng hộ đạo luật trao cho chính quyền nhiều quyền hạn hơn để cấm TikTok, bày tỏ ông không nghĩ rằng dữ liệu của TikTok tại Mỹ là an toàn.
TikTok đã chi hơn 1,5 tỉ USD cho các nỗ lực bảo mật dữ liệu nghiêm ngặt, bác bỏ các cáo buộc gián điệp và cho biết "nếu bảo vệ an ninh quốc gia là mục tiêu, thì việc thoái vốn không giải quyết được vấn đề: thay đổi quyền sở hữu sẽ không áp đặt bất kỳ hạn chế mới nào đối với luồng dữ liệu hoặc truy cập.