Với những giải pháp phát triển du lịch bền vững và ứng dụng công nghệ số trong du lịch mang tính hệ thống, khoa học, tin rằng du lịch Hà Nội sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn mang tính bền vững của Việt Nam và khu vực Châu Á.
Lời tòa soạn: Ngày 18/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Đây là một bước quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, phát triển du lịch trong giai đoạn mới phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế nhưng cũng đa dạng, độc đáo, riêng có; đẩy mạnh chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam. Điện tử & Ứng dụng trân trọng giới thiệu chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Việt, Trưởng phòng Xúc tiến Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch TP. Hà Nội về "Giải pháp phát triển bền vững du lịch Hà Nội và ứng dụng công nghệ số".
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Việt, Trưởng phòng Xúc tiến Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch TP. Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo, tọa đàm “Ứng dụng giải pháp Công nghệ thông tin thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp ngành du lịch” được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 17/8.
Ông Nguyễn Hữu Việt, Trưởng phòng Xúc tiến Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch TP. Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Hùng Cường
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia- trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Hà Nội cũng là rung tâm du lịch của khu vực phía Bắc, cầu nối giữa du lịch các tỉnh vùng Bắc Bộ với du lịch cả nước, giữa du lịch Việt Nam với khu vực và quốc tế.
Theo số liệu thống kê, Hà Nội có 5.922 di tích văn hóa lịch sử trong đó có trên 1.050 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, chiếm tỉ lệ gần 20% so với cả nước. Nhiều điểm du lịch văn hóa nổi tiếng như: Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di tích Cổ Loa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội, lễ hội Gióng, lễ hội chùa Hương cùng thắng cảnh Hương Sơn và nhiều di sản khác; trong đó di tích Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Hà Nội là một trong ba vùng tập trung nhiều lễ hội của miền Bắc Việt Nam, các lễ hội mang văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, tạo ra sức hấp dẫn bền vững đối với du khách. Nhiều làng nghề thủ công truyền thống từ lâu đời với những sản phẩm độc đáo được ưa chuộng như: gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, khảm trai Chuyên Mỹ, sơn mài Hạ Thái, đúc đồng Ngũ Xá,… Toàn thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề chiếm 59% tổng số làng, có 47/52 nghề của toàn quốc. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động có một số làng nghề, làng có nghề bị mai một.
Đến nay còn 806 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 321 làng nghề và làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có các cơ sở văn hóa, thông tin của cả nước, các bảo tàng cấp quốc gia, các công trình thể thao tầm cỡ quốc tế, các trung tâm thương mại, mua sắm quy mô lớn. Hà Nội có nhiều con sông như: sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Đuống…; cảnh quan sinh thái đa dạng phong phú với vùng núi Ba Vì, vùng núi Nương Ngái - Hương Sơn, Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Thiên Sơn Suối Ngà…; nhiều hồ nước nổi tiếng như: hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, Suối Hai, Đồng Mô, Quan Sơn...; có không gian nông nghiệp truyền thống lâu đời với 02 vành đai cây chuyên canh và vành đai trồng hoa cây cảnh ngoại thành tạo cảnh quan sinh thái phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch trang trại. Đây là những lợi thế cơ bản để Hà Nội xây dựng nên các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn.
Từ năm 2017 đến nay, nhiều sản phẩm du lịch đã trở thành một trong những địa điểm tham quan, vui chơi giải trí không thể thiếu của người dân Thủ đô mỗi dịp cuối tuần, tiêu biểu như: các hoạt động văn hóa - du lịch mang tính quốc tế tại khu vực không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; không gian bích họa phố Phùng Hưng; không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ; không gian đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây, không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng; các điểm tham quan tại Vườn quốc gia Ba Vì, làng cổ ở Đường Lâm, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám,..., làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc... cũng tạo nên những điểm tham quan mua sắm hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phụ trợ cho hoạt động du lịch văn hóa đang từng bước được xây dựng đồng bộ, chất lượng, chuyên nghiệp. Tính đến tháng 5/2023, trên địa bàn Hà Nội có 3.756 cơ sở lưu trú du lịch với 70.218 phòng, trong đó có 603 khách sạn đã được xếp hạng từ 1- 5 sao với 25.613 phòng, chiếm 16,1 % tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 36,3% tổng số phòng; chiếm 13% tổng số khách sạn xếp hạng của cả nước. Hà Nội có 1.488 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và 319 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được cấp phép hoạt động. Hạ tầng xã hội phục vụ du lịch được quan tâm, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch được đầu tư; xây dựng. Thành phố cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch, như xây dựng hệ thống wifi miễn phí tại các khu, điểm tham quan du lịch.
Đến nay, UBND Thành phố đã công nhận 32 điểm du lịch, khu du lịch cấp Thành phố. Cơ bản các điểm du lịch được đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức dịch vụ thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động của ngành du lịch.
Du khách khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột-Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo. Ảnh: baovanhoa.vn
Giai đoạn 2017-2019, số lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng khá nhanh và ổn định, năm sau cao hơn năm trước, mức tăng bình quân đạt 9.6%/năm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, do tác động của dịch bệnh COVID-19, ngành Du lịch Việt Nam nói chung và Du lịch Thủ đô nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự sụt giảm nguồn khách quốc tế đến và nguồn cầu du lịch trong nước. Trong các năm 2020, 2021, lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm sâu, chỉ đạt lần lượt 8,65 triệu và 4 triệu lượt khách. Năm 2022, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, Việt Nam chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch, đón khách quốc tế từ ngày 15/3 nên lượng khách du lịch đến Hà Nội bắt đầu có xu hướng tăng dần trở lại. Tổng lượt khách du lịch đến Hà Nội năm 2022 đạt 18,88 triệu lượt khách, tăng gấp hơn 4,7 lần so với năm trước. 6 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt khách, tăng 53,9% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 2,03 triệu lượt khách, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, Du lịch Hà Nội còn nhiều hạn chế như chưa xây dựng được thương hiệu điểm đến du lịch xứng tầm, nạn chèo kéo, chặt chém du khách vẫn còn tại một số địa điểm du lịch, dịch vụ du lịch nhiều nơi còn thiếu chuyên nghiệp, hoạt động du lịch, thể thao, văn hóa giải trí về đêm còn nghèo nàn, một số tuyến phố đi bộ cuối tuần bị chợ hóa, kém khả năng thu hút khách, môi trường sinh thái còn chưa được đảm bảo; công tác bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử văn hóa có giá trị du lịch còn nhiều hạn chế; ý thức cộng đồng làm du lịch tại một số khu vực còn chưa cao; việc ứng dụng công nghệ số trong du lịch chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững du lịch Hà Nội trong thời gian tới.
Để thực hiện phát triển bền vững du lịch Hà Nội, theo tôi, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa: Thành phố cần có quy hoạch bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời gian ngắn, trung và dài hạn, hợp tác với các tổ chức bảo tồn và quản lý di sản văn hóa có uy tín trên thế giới để bảo vệ và duy trì các địa điểm và công trình lịch sử quan trọng. Đồng thời, cần xây dựng các chương trình du lịch giáo dục cho thanh, thiếu niên, tạo ra những trải nghiệm du lịch tôn trọng giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội, tạo ra những thế hệ tương lai có ý thức cao trong bảo vệ, phát triển các giá trị di sản văn hóa.
Thứ hai, Đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa: Khai thác tiềm năng của văn hóa địa phương và tạo ra các trải nghiệm du lịch văn hóa độc đáo. Cung cấp các tour du lịch đa dạng, tạo trải nghiệm văn hóa độc đáo cho du khách tại các khu, điểm du lịch văn hóa như phố cổ Hà Nội, đền Ngọc Sơn, Văn miếu Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long, trải nghiệm các giá trị văn hóa phi vật thể như nghệ thuật ca trù, múa rối nước, thực hành tín ngưỡng thờ mẫu, lễ hội Chùa Hương, Lễ hội Gióng vv... Xây dựng, triển khai các chuỗi sự kiện lễ hội du lịch, văn hóa đặc sắc, nổi bật như: Lễ hội du lịch và văn hóa ẩm thực Hà Nội; Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội; Lễ hội Áo dài Hà Nội, Lễ hội Ẩm thực quốc tế, Festival Thu Hà Nội. Quy hoạch, phát triển một số khu đô thị cung cấp dịch vụ lưu trú, văn hóa giải trí, thể thao, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, ẩm thực, mua sắm cả ban ngày và ban đêm với những tiêu chí văn minh, an toàn để tạo nên những sản phẩm du lịch ban đêm hấp dẫn du khách từ bình dân đến cao cấp, kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại Hà Nội.
Thứ ba, Khuyến khích du lịch sinh thái: Phát triển các khu vực du lịch sinh thái và xanh, khuyến khích các hoạt động du lịch thân thiện với môi trường như đi bộ, xe đạp, cắm trại và chèo thuyền. Đồng thời, cần xây dựng các chính sách và quy định du lịch nhằm bảo vệ và bảo vệ các khu vực diễn ra hoạt động du lịch sinh thái.
Thứ tư, Khai thác và quảng bá du lịch nông nghiệp: Hà Nội có nhiều vùng nông thôn và nông sản phong phú. Khai thác và quảng bá du lịch nông nghiệp tại một số địa phương như Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa có thể giúp tăng cường thu nhập cho người dân nông thôn và đồng thời giới thiệu văn hóa và nguồn tài nguyên nông nghiệp đặc trưng của Hà Nội.
Thứ năm, Liên kết với các địa phương trong xây dựng sản phẩm kết nối vùng hấp dẫn, có lợi thế cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á: Khu vực Tây Bắc tới các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, khu vực Đông Bắc tới các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, khu vực Bắc Trung Bộ tới Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An (sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, trải nghiệm ẩm thực độc đáo của các dân tộc thiểu số, du lịch nghỉ núi, tham quan di sản thiên nhiên Hạ Long, Lan Hạ và nghỉ biển, du lịch gắn với hoạt động leo núi, dã ngoại, vv).
Thứ sáu, Xây dựng mối liên kết cộng đồng làm du lịch: Tạo điều kiện, cơ chế để các doanh nghiệp du lịch hợp tác và hỗ trợ cộng đồng địa phương làm du lịch. Tạo ra những cơ hội kinh doanh, giúp gia tăng thu nhập cho người dân địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân địa phương, cộng đồng sinh sống tại khu vực có khu, điểm du lịch.
Thứ bảy, Áp dụng các giá trị du lịch bền vững: Ứng dụng các nguyên tắc và tiêu chuẩn du lịch bền vững trong việc quản lý các hoạt động du lịch, bao gồm việc giảm thiểu rác thải, sử dụng và tiết kiệm năng lượng, khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông xanh, ô tô, xe du lịch chạy năng lượng điện và sử dụng nguồn tài nguyên một cách có hiệu quả. Quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực làm du lịch đảm bảo nhu cầu của điểm đến. Giáo dục ý thức, đào tạo kỹ năng, chuyển đổi nghề cho các đối tượng chèo kéo, chặt chém du khách.
Thứ tám, Phát triển thương hiệu du lịch xứng tầm điểm đến: Định vị thương hiệu du lịch Hà Nội xứng tầm là điểm đến Thủ đô của Việt Nam, nơi hội tụ các giá trị tinh hoa của đất nước; xác định các giá trị du lịch văn hóa đặc trưng mang hồn cốt của thành phố; xây dựng các sản phẩm hấp dẫn mang thương hiệu du lịch của Hà Nội; liên kết với doanh nghiệp, cộng đồng làm du lịch, mạng lưới truyền thông để quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch Hà Nội tới đối tác, khách du lịch trong và ngoài nước.
Thứ chín, Ứng dụng công nghệ số trong du lịch: Công nghệ số trong du lịch là một trong những giải pháp tiên phong trong phát triển du lịch bền vững thời đại 4.0 hiện nay, Hà Nội thực tế đang chậm chân trong việc ứng dụng công nghệ số trong du lịch, thời gian tới, Hà Nội cần thực hiện các bước sau để phát triển công nghệ số gắn với du lịch:
(1) Tạo ra ứng dụng điện thoại thông minh: Việc phát triển một ứng dụng điện thoại thông minh dễ tiếp cận và dễ sử dụng sẽ giúp du khách tìm kiếm thông tin về điểm đến du lịch, khám phá các địa điểm tham quan, tìm kiếm nhà hàng và khách sạn, đặt vé và tìm kiếm phương tiện vận chuyển công cộng trong thành phố. Ứng dụng cũng có thể cung cấp thông tin về các sự kiện và hoạt động du lịch, giới thiệu văn hóa và lịch sử của Hà Nội và cung cấp bản đồ dẫn đường để du khách dễ dàng di chuyển trong thành phố. Hiện Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các Sở ngành có liên quan phát triển ứng dụng, dự kiến trước 2025 sẽ có ứng dụng du lịch thông minh của Hà Nội.
(2) Sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR- virtual reality) và thực tế ảo tăng cường (AR- augmented reality): VR và AR có thể được sử dụng để tạo ra trải nghiệm tương tác với các địa điểm du lịch ở Hà Nội. Du khách có thể sử dụng kính VR hoặc điện thoại thông minh để khám phá các địa điểm nổi tiếng của Hà Nội. AR cũng có thể được sử dụng để cung cấp thông tin hướng dẫn về lịch sử, văn hóa khi du khách đang tham quan các địa điểm du lịch. Hiện công nghệ VR đã thực hiện tại một số khu vực Trung tâm như Hoàn Kiếm và một số điểm du lịch, bảo tàng, cần triển khai rộng rãi trên toàn thành phố.
(3) Tổ chức các sự kiện du lịch trực tuyến để kích cầu du lịch: Đối với du khách chưa đến Hà Nội, việc tổ chức các sự kiện du lịch trực tuyến như hướng dẫn ảo tại điểm du lịch, trình diễn văn hóa truyền thống, lớp học nấu ăn trực tuyến… có thể là một cách để họ khám phá và trải nghiệm văn hóa và ẩm thực đặc trưng của thành phố Hà Nội, qua đó kích thích mong muốn trải nghiệm thực tế du lịch tại Hà Nội.
(4) Sử dụng truyền thông xã hội và marketing số: Quảng cáo và tiếp thị du lịch thông qua truyền thông xã hội và các kênh trực tuyến khác có thể giúp quảng bá về Hà Nội đến một lượng lớn người dùng trên toàn cầu. Công cụ mạng xã hội, blog du lịch và video trực tuyến có thể được sử dụng để chia sẻ thông tin, hình ảnh và video về địa điểm du lịch và trải nghiệm tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Hữu Việt - Trưởng phòng Xúc tiến Du lịch - Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch TP. Hà Nội